Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với tỉnh Bình Định về quy hoạch giáo dục, đào tạo

GD&TĐ - Trong 2 ngày 10 - 11/8, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Bình Định về vấn đề quy hoạch hệ thống giáo dục của địa phương.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Tiếp đón và làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng; GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam; TS Trần Du Lịch, Thường trực Hội đồng tư vấn phát triển tỉnh Bình Định, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam với dân số khoảng 1,6 triệu người và là 1 trong 5 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Kinh tế - xã hội của Bình Định những năm gần đây đã có sự khởi sắc. Tuy nhiên, Bình Định vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn và cần có những quy hoạch, chiến lược cụ thể để phát triển trong tương lai.

Giáo dục Bình Định những năm qua có sự chuyển biến khá rõ nét về quy mô và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 659 trường mầm non, phổ thông với tổng số 326.383 học sinh và 22.438 giáo viên, quản lý, nhân viên giáo dục. Tỷ lệ trường học kiên cố đạt 71,6%, trường chuẩn quốc giá đạt 52,5%.

Mặc dù đã được đầu tư đáng kể nhưng cơ sở vật chất ở một số trường học vẫn còn thiếu, nhất là cấp học mầm non. Nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo còn thấp so với nhu cầu. Các trường trung cấp chuyên nghiệp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo còn thiếu thốn, chưa đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng thực hành, thực tập cho học sinh, học sinh ra trường chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sản xuất, công tác tuyển sinh khó khăn.

Năm 2013, tỉnh Bình Định đã công bố quy hoạch mạng lưới trường lớp (mầm non và phổ thông) của ngành giáo dục đào tạo đến năm 2020. Ngoài ra, tỉnh cũng đã có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó có giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, để phù hợp với những tiêu chí mới, tiêu chí chung của quy hoạch giáo dục, đao tạo cả nước, quy hoạch của Bình Định sẽ phải có những chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với tỉnh Bình Định về quy hoạch giáo dục, đào tạo ảnh 1
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp

Quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân trên phạm vi cả nước là nhiệm vụ đầu tiên trong 9 nhiệm vụ trọng tâm Bộ GD&ĐT sẽ triển khai trong năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo. Đặt vấn đề với tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, hiện nay nhu cầu đầu tư vào giáo dục rất lớn nhưng căn cứ vào đâu để đầu tư là câu hỏi vẫn đang bỏ ngỏ. Thực hiện quy hoạch không chỉ trả lời được câu hỏi này mà còn có cơ sở để rà soát lại các nhiệm vụ của ngành, đánh giá một cách tổng quát, sắp xếp phù hợp, định hướng phát triển, từ đó có đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Để triển khai được công tác quy hoạch, Bộ sẽ tiến hành theo hướng chọn lựa các địa phương đại diện cho từng khu vực đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để làm trước, lấy đó làm cơ sở cho các địa phương khác thực hiện.

“Quy hoạch của Bình Định sẽ là cơ sở cho các tỉnh có điều kiện tương tự tham khảo. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ lựa chọn thêm một hai tỉnh vùng đồng bằng và chọn một thành phố trực thuộc trung ương để làm trước” – Bộ trưởng nêu rõ.

Tiến sĩ Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ GDTrH phát biểu tại cuộc họp

Trong hai ngày, đoàn công tác của Bộ gồm lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị đã có các cuộc làm việc riêng, làm việc nhóm với Sở GD&ĐT và sở, ngành liên quan của tỉnh Bình Định để rà soát, thu thập thông tin, số liệu, thống nhất các nội dung quy hoạch.

Đánh giá ban đầu của cho thấy, mặc dù tỉnh Bình Định đã có khá nhiều quy hoạch khác nhau về giáo dục, đào tạo nhưng các số liệu, dữ liệu chưa khớp nhau, quy hoạch không có sự phân nhóm đại trà và chất lượng cao, không có hạt nhân để tạo ra sự ganh đua và nhân rộng, quy hoạch mới tính đến vai trò của nhà nước mà chưa tính đến xã hội hóa, chưa thấy rõ mục tiêu hướng đến của quy hoạch, quy hoạch chủ yếu về mặt không gian chưa đề cập đến quy mô và chất lượng, quy hoạch về dạy nghề, đào tạo nghề mờ nhạt, kể cả trong quy hoạch về từng lĩnh vực kinh tế của tỉnh cũng hầu như không nhắc đến đào tạo nguồn nhân lực.

Lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Bộ đã để xuất với địa phương một số nội dung và hướng quy hoạch như: Cần đảm bảo sự thống nhất từ mầm non tới đại học, đảm bảo sự thống nhất trong tổng thể phát triển vùng và của toàn quốc; gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tính toán cụ thể quy mô phát triển dân số tự nhiên và cơ học để quy hoạch bám sát nhu cầu thực tiễn; tính toán cân đối giữa giữa giáo dục công lập và tư thục, đặt ra vấn đề xã hội hóa giáo dục, đào tạo; quy hoạch hệ thống các trường chuyên nghiệp theo hướng gọn lại và hướng tới đa ngành; quy hoạch quan tâm tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, tăng cường hợp tác quốc tế; quan tâm tới phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý giáo dục và nhân viên trong ngành…

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thường trực Hội đồng tư vấn phát triển tỉnh Bình Định

Với tư cách là Thường trực Hội đồng tư vấn phát triển tỉnh Bình Định, trực tiếp tham gia thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2030, TS Trần Du Lịch đánh giá cao thiện chí giúp tỉnh xây dựng quy hoạch hệ thống giáo dục, đào tạo của Bộ, ông nhấn mạnh, quy hoạch giáo dục của tỉnh Bình Định cần tính tới lịch sử của vùng đất có bề dày truyền thống về giáo dục và cần đặt trong tổng thể vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Ông Lịch cũng cho rằng, bức xúc lớn nhất hiện nay của Bình Định là đào tạo nghề nên quy hoạch cần tính tới cơ chế liên thông từ phổ thông lên giáo dục chuyên nghiệp và dự báo được nhu cầu lao động theo các trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Đối với việc xã hội hóa giáo dục, ông Lịch đề nghị cần có sự tính toán để phù hợp với từng bậc học.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tại cuộc họp

 

“Không quy hoạch giáo dục, đào tạo sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng. Từ đó, ông Tùng mong muốn Bộ sẽ quan tâm để Bình Định sớm hoàn thành quy hoạch theo hướng giáo dục, đào tạo sẽ ngày càng phát triển mạnh hơn, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm, 10 năm và xa hơn nữa.

Lắng nghe và trực tiếp có ý kiến về từng vấn đề các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ và địa phương đưa ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, quy hoạch giao dục, đào tạo của tỉnh Bình Định sẽ được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung những quy hoạch hiện có của tỉnh và sẽ nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bộ trưởng giao Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì thực hiện quy hoạch, Bộ sẽ tư vấn về chuyên môn, tỉnh cung cấp thông tin, số liệu cho đơn vị thực hiện. Để đảm bảo tính thống nhất, Bộ trưởng đề nghị Hội đồng tư vấn phát triển tỉnh Bình Định sẽ là đầu mối tổ chức thực hiện tại địa phương. Tỉnh Bình Định cũng đã giao cho một Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chịu trách nhiệm chính.

Dự kiến quy hoạch giáo dục, đào tạo tỉnh Bình Định sẽ hoàn thành và công bố trước ngày 31/12/2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ