Giáo dục Bình Định: Nỗ lực vượt khó, nâng cao chất lượng toàn diện

GD&TĐ - Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, những năm qua, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển tạo đà cho giáo dục có những đổi thay lớn.

Ông Trần Đức Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định
Ông Trần Đức Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định

Quy mô giáo dục ngày càng mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng và phong phú của người dân. Để hiện thực hoá Nghị quyết 29, toàn ngành GD&ĐT tỉnh Bình Định đang nỗ lực hơn nữa, đưa GD- ĐT vươn tới những thành công mới.

Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định - về quyết tâm của toàn ngành trong nỗ lực đem lại cho giáo dục một diện mạo mới.

Không vì khó mà chờ đợi!

Thưa ông, Bình Định là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, cùng với sự phát triển của địa phương, những năm qua GD đã mở rộng cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập trong nhân dân. Để có những thành quả này, Bình Định đã vượt qua những trở ngại gì, thưa ông?

Bình Định không vì khó mà chờ đợi, để khắc phục những khó khăn trên, cùng với ngân sách của Trung ương và địa phương, chúng tôi đã huy động nhiều nguồn lực trong xã hội cùng chung tay góp sức vì sự nghiệp giáo dục.
Ông Trần Đức Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định

Bình Định là một tỉnh còn nghèo, đời sống KT-XH của người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 18 xã thuộc vùng miền núi, bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 11,3%). Nguồn thu từ ngân sách địa phương khó khăn nên kinh phí đầu tư cho GD mặc dù tỉnh đã rất quan tâm, ưu tiên bố trí nhưng vẫn còn hạn hẹp.

Thêm nữa, thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt; lũ lụt và hạn hán thường xuyên xảy ra, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Điều kiện vị trí địa lý của tỉnh tương đối phức tạp; phổ biến là đồi thấp xen kẽ thung lũng hẹp, dân cư sống rải rác thiếu tập trung, vì vậy để thực hiện được việc quy hoạch mạng lưới các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn, đòi hỏi tỉnh phải tập trung ưu tiên một khoản kinh phí khá lớn.

Tuy nhiên, Bình Định đã không vì khó mà chờ đợi, để khắc phục những khó khăn trên, cùng với ngân sách của Trung ương và địa phương, chúng tôi đã huy động nhiều nguồn lực trong xã hội cùng chung tay góp sức vì sự nghiệp chung. Sở GD&ĐT đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển GD trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, để vượt qua những khó khăn khách quan trên, đầu tiên phải khẳng định quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, cùng những quan tâm, kịp thời ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo về phát triển sự nghiệp GD trên địa bàn tỉnh, tạo hành lang pháp lý cho các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

Cùng với đó là các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, thực hiện tốt việc đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp GD vào nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết HĐND cấp huyện và Chương trình phát triển KT-XH của địa phương, cũng như việc đề ra nhiều biện pháp, chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực đầu tư CSVC trường học theo kế hoạch và lộ trình; bám sát kế hoạch của UBND tỉnh, các quy định của Bộ GD&ĐT để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.

Giáo dục vùng khó: Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng

Được biết Bình Định cũng có những vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vậy Bình Định đã những quan tâm gì để đảm bảo chất lượng GD ở những khu vực này?

Quan tâm phát triển GD vùng khó, vùng dân tộc là một trong những chỉ đạo mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 1 trường PTDTNT tỉnh, 4 trường PTDTNT huyện, 8 trường PTDTBT. Tổng số cán bộ quản lý của các trường PTDTNT là 12 cán bộ trong đó có 2 cán bộ là người dân tộc, số GV trực tiếp đứng lớp là 128, số GV người dân tộc là 17.

Tổng số học sinh trường PTDTNT cấp huyện là 1.548, tổng số học sinh trường PTDTNT cấp tỉnh là 327. Số học sinh trường PTDTBT là 1.402, trong đó có 982 học sinh là dân tộc thiểu số. Tất cả GV, HS trong trường PTDT nội trú, PTDT bán trú, đều được đảm bảo có chỗ ở an toàn, đủ ăn, đủ mặc, đủ sách học.

Với vùng khó khăn, UBND tỉnh đã quyết định thành lập thêm 2 trường THPT (THPT Mỹ Thọ và THPT số 2 Tuy Phước) để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân các xã ven biển.

Rất cần có sự chung tay giúp sức của xã hội

Theo ông, bài học kinh nghiệm để Bình Định đạt được kết quả này là gì? Ông có mong muốn gì để GD Bình Định đạt được những thành quả to lớn hơn?

Chúng tôi là có một chiến lược phát triển GD dài hạn, đã được thực hiện khá đồng bộ về công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, hội đoàn thể liên quan.

Sở và các phòng GD&ĐT phải bám sát Chiến lược phát triển GD và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và bám sát thực tiễn địa phương để xác định rõ những nhiệm vụ và giải pháp triển khai nhằm đổi mới và phát triển sự nghiệp GD-ĐT trên địa bàn.

Trong đó có giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi và không dàn trải. Cùng với đó, chúng tôi cũng chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt là khen thưởng theo chuyên đề để kịp thời nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, tạo khí thế phấn khởi, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành.

Tuy nhiên, để GD phát triển như mong muốn thì còn phải khắc phục nhiều hạn chế, đó là chất lượng, hiệu quả GD&ĐT vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong giai đoạn mới. Một bộ phận GV các cấp chưa theo kịp yêu cầu phát triển GD. Tình trạng học sinh bỏ học chưa được khắc phục triệt để.

Đội ngũ cán bộ quản lý vẫn còn bất cập về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu. Chất lượng GV giữa các vùng, miền vẫn còn có sự chênh lệch đáng kể. Hằng năm, tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ vẫn xảy ra ở một số đơn vị. Mặc dù đã được đầu tư đáng kể, nhưng CSVC ở một số trường học vẫn còn thiếu, nhất là ở cấp học mầm non...

Để khắc phục được những hạn chế này, Bình Định đang rất cố gắng, tuy nhiên với một tỉnh nghèo lại thêm yếu tố địa lý, khí hậu khó khăn thì rất cần có sự chung tay giúp sức của xã hội, cũng như sự quan tâm nhiều hơn từ Trung ương.

Xin cám ơn ông, chúc cho giáo dục Bình Định tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành quả mới!

Tỉnh Bình Định hiện có 203 trường mầm non, 247 trường tiểu học, 151 trường THCS, 52 trường THPT, 2 trường ĐH, 3 trường CĐ, 2 trường TCCN, 2 trường TC nghề, 1 Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm - GDTX tỉnh, 11 Trung tâm GDTX-HN, GDTX, 19 trung tâm ngoại ngữ - tin học và 140/159 trung tâm học tập cộng đồng ở cấp xã. Hệ thống GD ở Bình Định hiện nay không chỉ được mở rộng về quy mô, mà còn không ngừng được nâng cao chất lượng

Hiện tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của Bình Định tương đối cao, với 328 trường/653 trường, tương đương tỷ lệ 50,3%. Bậc học mầm non có 30 trường (14,7%), trong đó có 04 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; Tiểu học: 176 trường (71,2%); THCS: 111 trường (73,5%); THPT: 11 trường (21,1%).

Trong những năm qua, sự nghiệp GD&ĐT nói chung, công tác PCGD nói riêng luôn được Đảng bộ, Chính quyền và đoàn thể các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng đầu tư. Bình Định là một trong những tỉnh dẫn đầu về các phong trào thi đua trong GD&ĐT trong đó có công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập GDTHCS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.