Xương rồng không gai
Một giáo viên chủ nhiệm của ngôi trường cấp 3 ở tỉnh Vĩnh Long đã dùng cả trái tim của mình để thấu hiểu học trò. Cô ví một học trò của mình như một cây xương rồng. Nhưng bằng tình thương, tấm lòng nhân ái, cô đã giúp “cây xương rồng” xù xì ấy trút bỏ lớp gai của mình để biết yêu thương, và đón nhận tình yêu thương từ những người xung quanh.
Đó là câu chuyện cảm động về tình cảm cô trò của cô giáo Bùi Lê Xuân Trang (giáo viên Vật lý của Trường THPT Vĩnh Xuân, Vĩnh Long) và em Nguyễn Thái Quyên (cựu học sinh Trường THPT Vĩnh Xuân).
Xương rồng không gai là biệt danh mà cô giáo Bùi Lê Xuân Trang đã đặt cho Nguyễn Thái Quyên. Trong ký ức của cô Trang, Thái Quyên là cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt nhưng luôn tỏ ra gai góc, ương ngạnh, luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh khi vấp ngã, chưa từng nói lời xin lỗi khi làm sai, không quen nói cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của bạn bè trong lớp.
“Sau khi hạnh phúc gia đình đổ vỡ, người mẹ dẫn 4 chị em Thái Quyên về quê ngoại và cất một ngôi nhà nhỏ để lưu trú. Quyên là chị cả trong gia đình. Dưới Quyên còn có 3 người em khác đểu nhỏ tuổi”, cô Trang chia sẻ.
Để có tiền sinh hoạt và trang trải việc học hành cho 4 chị em, mẹ em Quyên phải đi làm phụ hồ. Thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình và học tập của Thái Quyên và 3 người em cũng bị ảnh hưởng. Khi gia đình xảy ra biến cố, Quyên đang là học sinh lớp 11A1 Trường THPT Vĩnh Xuân.
Đang trong độ tuổi trưởng thành lại rơi vào cảnh gia đình ly tán nên tính tình Quyên thay đổi. Cô học trò trở nên ương ngạnh, bất chấp nên các bạn học đều có ấn tượng không tốt. Thường xuyên đi học trễ, không chuẩn bị bài khi đến lớp kéo theo thành tích của lớp đi xuống nên Quyên được các bạn xem như một viên đá cản đường.
Cô giáo Bùi Lê Xuân Trang chụp ảnh cùng học trò Nguyễn Thái Quyên (ngoài cùng bên phải). |
Sự thay đổi của Quyên khiến cô Trang bất ngờ. Là một giáo viên chủ nhiệm nên cô Trang đã quyết định đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh gia đình Quyên. Cũng từ quyết định này, cô Trang đã thấu hiểu hơn được “cây xương rồng không gai” trong lớp mình.
“Hàng ngày, Quyên thường phải giữ em để mẹ đi chợ về sau đó mới có thể chuẩn bị để đến lớp. Đường xa, lại phải quốc bộ dẫn đến Quyên hầu như đến lớp trễ giờ. Việc chăm sóc em, đỡ đần mẹ việc nhà cũng khiến Quyên không có thời gian để chuẩn bị bài vở và mỗi khi đến lớp đều trong tình trạng mệt mỏi”, cô Trang chia sẻ.
Sau khi tìm hiểu được hoàn cảnh của Quyên, cô Trang quyết định sẽ có một cuộc nói chuyện với cô học trò để có thể thấu hiểu hoàn cảnh, nắm bắt tâm lý của Quyên từ đó hiểu được Quyên cần gì và mong muốn điều gì.
“Tôi hiểu rằng học sinh có hoàn cảnh khác nhau, cũng chưa biết, chưa hiểu hoàn cảnh của nhau, chưa đặt mình vào vị trí của bạn nên không thông cảm, yêu thương và giúp đỡ nhau được. Vì thế, tôi đã quyết định chia sẻ hoàn cảnh của Thái Quyên với học sinh trong lớp thông qua câu chuyện xương rồng không gai”, cô Trang tâm sự.
Câu chuyện kết thúc bằng một thông điệp cô Trang gửi gắm đến cả lớp là xương rồng sống ở vùng đất khô cằn. Theo quy luật sinh tồn, lá phải biến thành gai để bảo vệ mình trước cái nắng gay gắt của mặt trời. Nhưng nếu được sống ở đất màu mỡ, gai lại biến thành lá đó là xương rồng không gai. Và với “mảnh đất” giàu tình cảm của lớp 11A1, Thái Quyên sẽ là xương rồng không gai và ngày nào đó sẽ nở hoa rất đẹp.
Thấu hiểu giúp học sinh hạnh phúc hơn
Câu chuyện xương rồng không gai của cô Trang khi ấy đã giúp các thành viên trong lớp hiểu được hoàn cảnh ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của Thái Quyên để rồi từ đó sẽ thông cảm, nể phục Quyên hơn thay vì xa lánh bạn như trước.
Sau câu chuyện đó, các bạn cùng lớp đã cùng nhau vào thăm nhà đồng thời tặng Thái Quyên 100 con cúc con và các vật dụng, thức ăn để nuôi cúc. Nhận được tình cảm ấm áp, sự quan tâm, giúp đỡ của các bạn, Thái Quyên dần thay đổi tích cực hơn.
Khi biết hoàn cảnh của Thái Quyên, Ban giám hiệu Trường THPT Vĩnh Xuân đã tặng cho Quyên một chiếc xe để hỗ trợ việc di chuyển đến trường hàng ngày. Đồng thời, nhà trường cũng vận động mạnh thường quân giúp đỡ Quyên học bổng hàng tháng và giới thiệu Quyên tham gia chương trình “Chuyến xe nhân ái của Đài Truyền hình Vĩnh Long”.
Với sự quan tâm, gắn kết của cô Trang và những thành viên trong lớp, những năm sau đó, “cây xương rồng” Thái Quyên đã biến chính những cái gai xù xì trước kia trở thành những bông hoa rực rỡ.
Cô giáo Bùi Lê Xuân Trang. |
“Bằng sự cố gắng, nỗ lực, cuối năm đó, Thái Quyên đã đạt danh hiệu Học sinh giỏi toàn diện và hoàn thành xong chương trình THPT. Hiện Quyên đang theo học năm đầu tiên tại Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam chuyên ngành Quản trị nhà hàng, khách sạn. Hoàn cảnh của Quyên cũng được nhiều người biết đến và hỗ trợ. Hiện tại, Quyên đang được mạnh thường quân tài trợ học phí, nhà trọ và hỗ trợ 1 phần ăn mỗi tháng cho đến khi học hết cao đẳng”, cô Trang chia sẻ thêm.
Cô Trang cũng bảo rằng, câu chuyện về Thái Quyên đã cho cô nhiều kinh nghiệm khi gắn bó với nghề dạy học. Cụ thể, cô Trang cho rằng, để nắm bắt tâm lý học sinh ngoài việc lắng nghe các em trong các tiết dạy, người giáo viên phải đồng hành cùng các em trong các hoạt động ngoại khoá, phong trào, cùng vui chơi với các em, giúp các em tin tưởng mình hơn để dễ dàng trải lòng trong những cuộc trò chuyện riêng.
“Theo tôi, sự thấu hiểu, yêu thương giúp học sinh hạnh phúc hơn, tự tin hơn, mong muốn đến trường mỗi ngày vì nơi ấy có những người mà các em mong gặp, có những điều mà các con mong chờ”, cô Trang chia sẻ.