Thầy giáo nhỏ bé suốt 12 năm ‘đứng’ trên bục giảng bằng xe lăn

GD&TĐ - Thầy giáo nhỏ bé suốt 12 năm qua “đứng” trên bục giảng bằng xe lăn, thầy Đức đã “gieo mầm” cho nhiều học trò về giá trị của việc học tập.

Thầy giáo nhỏ bé suốt 12 năm ‘đứng’ trên bục giảng bằng xe lăn

Thầy giáo "nhỏ bé nhưng có võ"

Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên khi sinh ra thầy giáo Chu Quang Đức rất nhỏ bé, không đi lại được và phải ngồi xe lăn. Nhờ sự yêu thương của gia đình và nghị lực vươn lên, thầy giáo Đức đã tốt nghiệp khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm - Hà nội 2 năm 2009.

Tốt nghiệp đại học sư phạm về công tác giảng dạy tại chính ngôi trường xưa từng theo học cấp ba, trường THPT Mê Linh Hà nội, trở thành đồng nghiệp của chính những Thầy cô đã từng dạy mình vào năm 2010.

Sau 3 năm về trường công tác, thầy Đức tiếp tục theo học và hoàn thành chương trình cao học năm 2016. Vào tháng 3/2/2018, sau những nỗ lực cố gắng và cống hiến, thầy Đức được kết nạp vào Đảng, khiến gia đình tự hào, đồng nghiệp, bạn bè cùng trang lứa và học trò nể phục.

Đối với thầy Đức mỗi ngày được sống, được đến lớp dạy dỗ học trò của mình đã là một ngày vui.

Đối với thầy Đức mỗi ngày được sống, được đến lớp dạy dỗ học trò của mình đã là một ngày vui.

Thầy Đức bên các học sinh của mình.

Thầy Đức bên các học sinh của mình.

“Nghề giáo là mong muốn của tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi muốn vui vẻ, thoải mái khi nói chuyện với học sinh bởi các em luôn truyền năng lượng tích cực đến cho tôi. Tôi luôn ở trạng thái cởi mở, thân thiện, khi mình ở trong tâm thế ấy, tôi thấy mọi thứ luôn suôn sẻ và thoải mái. Do đó, từ khi chọn và làm nghề giáo đến giờ, tôi thấy mọi thứ hoàn toàn đúng như mình mong muốn” – thầy Đức chia sẻ.

Năm 2018, thầy Đức được đại diện làm đại sứ thiện chí Trung ương Hội chất độc da cam Việt Nam. Năm 2020, thầy được đi dự đại hội thi đua toàn quốc. Vào năm 2021, thầy Đức được tặng danh hiệu Người tốt việc tốt của Hà Nội.

Thầy Chu Quang Đức (ở giữa) tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - năm 2020.

Thầy Chu Quang Đức (ở giữa) tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - năm 2020.

Thầy Chu Quang Đức được tặng danh hiệu Người tốt việc tốt năm 2021.

Thầy Chu Quang Đức được tặng danh hiệu Người tốt việc tốt năm 2021.

Thành quả của thầy giáo Chu Quang Đức ngày hôm nay ngoài nỗ lực của bản thân thầy, còn là sự yêu thương và hi sinh vô bờ bến của cha mẹ thầy. Khi thầy theo học đại học, cả nhà thầy đã thuê phòng trọ cạnh Trường Đại học Sư phạm - Hà nội 2, rồi mẹ đi rửa bát thuê, bố tranh thủ chạy xe ôm nhưng khi Đức không có tiết học trên giảng đường.

Thầy Đức bộc bạch: “Với tôi, từ khi còn đi học, tôi đã luôn quan niệm rằng khó khăn thì ai cũng sẽ gặp phải. Cái sự khác biệt là khi gặp vấn đề chúng ta đối diện với nó, xử lý nó thế nào, với mỗi người lại khác nhau. Tôi coi khó khăn như là một điều hiển nhiên, là một chất xúc tác gia vị của cuộc sống, nếu bản thân tự xử lý được thì tôi tự xử lý. Còn trong tình huống không tự xử lý được tôi sẽ nhờ những người xung quanh để cùng nhau xử lý vấn đề đó tốt nhất có thể.”

Thầy giáo "nhỏ bé nhưng có võ", suốt 12 năm qua “đứng” trên bục giảng bằng xe lăn, thầy Chu Quang Đức đã “gieo mầm” cho nhiều lớp học trò về giá trị của việc học tập để trở thành người có ích. Trong mỗi lớp học mỗi em học sinh có một khả năng tiếp thu kiến thức khác nhau, một hoàn cảnh sống khác nhau và tính cách riêng. Nhiều em không thích học hay quậy phá, thầy không những không ghét mà còn tìm cách tiếp cận, trò chuyện với từng em, để hiểu những khúc mắc và tìm cách tháo gỡ.

Thầy Đức được học trò tổ chức sinh nhật.

Thầy Đức được học trò tổ chức sinh nhật.

Thầy Đức luôn muốn mỗi ngày là có những khoảnh khắc thật vui vẻ với học trò.

Thầy Đức luôn muốn mỗi ngày là có những khoảnh khắc thật vui vẻ với học trò.

Theo thầy Đức, điều khiến học sinh hạnh phúc nhất đó chính là được bầu bạn chia sẻ, được trao đổi những suy nghĩ khi đến lớp, đến trường thầy cô giáo là người bạn của các em.

Để cảm hóa những học sinh hơi khác thường một chút, để rồi thay đổi các em, thầy Đức cho rằng khi giáo viên đã có sự thân thiện, cởi mở và có được tiếng nói chung và có thể trở thành những người bạn thì các em sẽ chia sẻ. “Từ đó, tôi hiểu được các em và khuyên các em đi theo hướng tích cực hơn.Chính vì vậy mà học trò thường bảo tôi sướng, chả bao giờ thấy thầy bi quan.” – thầy Đức cười nói.

Thầy Đức cho rằng, việc khó khăn nhất của thầy cô giáo đó là sự đồng cảm, chia sẻ từ mọi phía. Ở đây, có thể là từ bên các cấp trên, từ phụ huynh, rồi gia đình,… nếu có sự đồng cảm, chia sẻ thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn, tốt đẹp hơn.

Luôn có quan điểm “biến mọi thứ phức tạp trở thành đơn giản nhất”

Trong các học trò của thầy Đức, có Hoàng Minh Hiếu, lớp 11A10 là học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, bố mẹ ly hôn từ khi con còn nhỏ, bố làm công nhân, hai anh em ở với bà nội và bố từ nhỏ, Hiếu luôn sống khép mình trong một thế giới riêng. Ít giao tiếp không chia sẻ nên lâu ngày những cảm xúc tiêu cực lấn át những điều tích cực, rồi bỏ bê việc học.

Biết được điều đó, thầy giáo Chu Quang Đức đã tìm cách khai mở, trò chuyện và khi em đã tin tưởng thì thầy đưa ra những lời khuyên dẫn dắt. Sau những lần trò chuyện như thế này, mọi việc xoay chuyển. Học trò yêu thầy, thầy giáo tận tâm với học trò khiến học trò thay đổi tâm tính, quyết tâm học hành để trở thành người có ích, không phải là gánh nặng cho gia đình, cho nhà trường và xã hội sau này.

Thầy Đức bên các học trò thân yêu của mình. Thầy cho rằng, nếu hiểu học sinh thì chuyện gì cũng có thể cùng nhau giải quyết theo chiều hướng tích cực.

Thầy Đức bên các học trò thân yêu của mình. Thầy cho rằng, nếu hiểu học sinh thì chuyện gì cũng có thể cùng nhau giải quyết theo chiều hướng tích cực.

"Trong mỗi giờ lên lớp, tôi luôn có quan điểm “biến mọi thứ phức tạp trở thành đơn giản nhất”. Do đó, tôi sẽ đưa ra những ví dụ minh họa thì khi đó học sinh hiểu sẽ tổng quát, trừu tượng lên được cái phức tạp và các em tự xây dựng kiến thức cho mình được" - thầy Đức chia sẻ.

Thầy dạy tin học trên lớp nhưng nhờ có phương pháp giảng dạy và bản thân cố gắng nỗ lực, thầy đã truyền cảm hứng cho học trò hăng say với bài vở, nên ngoài những học sinh đang theo học tại trường, thì hàng xóm, bạn bè, thậm chí cả học sinh cũ đã gửi con nhờ thầy kèm thêm môn toán. Nhiều năm qua, lớp lớp những thế hệ học trò vẫn thường đến thăm hỏi, tri ân thầy.

“Tuổi trẻ có một mục đích sống, một ước mơ, một hoài bão, một đam mê. Khi các bạn đã có những cái đó rồi thì các bạn sẽ có một nguồn năng lượng, mỗi ngày đến gần hơn với ước mơ của mình. Để làm được điều đó thì mỗi ngày các bạn phải thực hiện điều đó, dù là chỉ một chút thôi thì sẽ đến gần hơn một chút. Nếu không có những cái đó và không thực hiện nó sẽ khiến bạn như con thuyền bơ vơ lạc giữa dòng, không có hướng gì, không biết sẽ làm gì” – thầy Đức nhắn nhủ tới thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.