Trường ĐH Tây Nguyên và Trường ĐH Đà Lạt là 2 cơ sở đào tạo được lựa chọn tham gia vào đề án này. Tại cuộc họp, đại diện các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT thống nhất quan điểm 2 trường này sẽ dựng các đề án thành phần. Trên cơ sở đó, Vụ Giáo dục đại học sẽ tổng hợp, hoàn thành Đề án xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Đà Lạt.
Góp ý vào dự thảo của đề án, đại diện các đơn vị cho rằng, cần chú ý đến vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, các chính sách thu hút người học, giảng viên nhằm tạo nguồn lực tại chỗ cho vùng Tây Nguyên. Việc xây dựng đề án cần bảo đảm cấu trúc, thống nhất nội dung, phạm vi điều chỉnh với một số đề án khác, tránh tình trạng chồng chéo.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án cần bao quát theo tầm nhìn quốc gia. Nội dung cần bám sát nhiệm vụ Chính phủ giao. Chúng ta cần xác định, đây là nhiệm vụ chính trị liên quan đến phát triển vùng đồng bào Tây Nguyên.
Thứ trưởng lưu ý, khi xây dựng Đề án không giống chiến lược nên không viết chung chung, không để tình trạng “đề án của đề án”. Làm sao để sau khi đề án được phê duyệt là có thể triển khai, hành động ngay. Mạnh dạn đưa công nghệ vào nhưng cần biết cách để đầu tư, với nhiều cấp độ khác nhau.
Cũng theo Thứ trưởng, cần quan tâm đến chính sách thu hút nguồn lực, nhất là với giảng viên. Việc này, cần sự vào cuộc của địa phương; trong đó quan tâm đến môi trường làm việc, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ và đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Cùng với đó, quan tâm đến tổ chức quản trị, sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu quả. Ngoài ra, cần chú ý đến vấn đề hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế và kết nối giữa các trường. Đồng thời, chú trọng đến chuyển đổi số; tăng cường cơ sở vật chất. Mặt khác, cần tranh thủ chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực của địa phương.