Xuất siêu lớn nhất
Theo thống kê, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7%.
Không ngạc nhiên khi tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó phải kể đến các mặt hàng: Điện thoại và linh kiện chiếm 99,7%; Điện tử, máy tính và linh kiện 95,6%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 89,1%; Hàng dệt may 59,9%.
Nếu như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa thiết lập mức kỷ lục mới với (482,2 tỷ USD), thì cán cân thương mại cả năm 2018 tiếp tục xuất siêu 7,2 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,6 tỷ USD; còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD.
Theo lý giải của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm vừa qua, khu vực kinh tế trong nước chuyển biến tích cực khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên so với năm 2017. Năm 2018 là năm có giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay (cao hơn rất nhiều mức xuất siêu 2,1 tỷ USD của năm 2017).
Cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu
Trong cuộc họp báo vào quý 4 năm 2018 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ này, ông Đỗ Thắng Hải đã đánh giá: Lĩnh vực sản xuất công nghiệp được mở rộng và gia tăng liên tục. Tăng trưởng xuất khẩu đạt tốt, quy mô xuất khẩu tăng mạnh. Quy mô xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được mở rộng.
Bộ Công Thương nhận định rằng, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước, thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI. Việc phát triển thị trường xuất khẩu đạt kết quả khả quan, khi các doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập. “Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới” - Bộ Công Thương cho biết.
Tuy nhiên, về dài hạn, trong xuất khẩu vẫn cần lưu ý tới xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Cần tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu, tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, (Bộ Công Thương), Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, cùng những diễn biến phức tạp trong quan hệ kinh tế thương mại giữa các quốc gia lớn, những năm gần đây, số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) có liên quan đến Việt Nam gia tăng đột biến, đặc biệt trong năm 2018.
Dự báo của Cục này thì xu hướng các vụ kiện liên quan đến PVTM sẽ còn tiếp tục gia tăng, với nhiều diễn biến phức tạp khó lường, mặc dù trong năm 2018, nhiều vụ việc rà soát hàng năm do nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Tính đến tháng 11/2018, đã có hơn 141 vụ việc khởi xướng điều tra PVTM có liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam (81 vụ việc chống bán phá giá, 14 vụ việc chống trợ cấp, 27 vụ việc tự vệ và 19 vụ việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp).
Cục PVTM cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã phần nào nhận thức được tầm quan trọng và tác động của các vụ kiện PVTM. Các doanh nghiệp Việt cần củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác nước ngoài, vì nhóm những đối tác này cũng là một bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra PVTM; Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường. Đặc biệt, cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu.