Nâng tầm nông sản Việt

GD&TĐ - Nhiều năm làm trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông sản, doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần BAGICO luôn tâm niệm, phấn đấu “được làm nhiều nhất những việc muốn làm và phải làm ít nhất những việc không muốn làm". 

Bà Thành Thực trong chuyến tham quan sản xuất nông nghiệp tại Mông Cổ
Bà Thành Thực trong chuyến tham quan sản xuất nông nghiệp tại Mông Cổ

Một trong “những việc muốn làm nhất” mà bà đang theo đuổi là đưa nông sản Việt đến với người tiêu dùng, đúng với giá trị thực của nó và góp phần gìn giữ, phát huy giá trị của di sản dân ca quan họ trên chính quê hương mình.

Vực dậy một doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Thành Thực sinh ra, lớn lên trong một gia đình nhiều con, kinh tế khó khăn, tại thôn Vàng, xã Bích Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Tốt nghiệp chuyên ngành ngân hàng năm 1987, khi mới 20 tuổi, bà lên nhận công tác tại huyện Sơn Động, địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Bắc Giang lúc bấy giờ.

Năm 1992, sau khi được chuyển về xuôi công tác, trước chính sách xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước, bà quyết định xin nghỉ làm việc tại Ngân hàng huyện Việt Yên, chọn cho mình con đường riêng để phát triển kinh tế.

Hơn 10 năm lăn lộn với thị trường trong và ngoài nước, năm 2005, bà trở về quê hương tiếp quản Công ty Bia rượu nước giải khát Bắc Giang. Lúc đó, công ty đang tiến hành cổ phần hóa trong bối cảnh sản xuất đình trệ. Công nhân chỉ còn lại dăm người...

Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực

Với sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, sự quan tâm của chính quyền các cấp, cộng với quá trình lao động nghiêm túc, sáng tạo, bà đã vực dậy một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản.

Những sản phẩm nước tinh khiết nhãn hiệu ACACIA đã dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng tại nhiều địa phương. Không chỉ đảm bảo chất lượng với tiêu chuẩn cao nhất, mà các sản phẩm còn có giá cả hợp lý và dịch vụ bán hàng chu đáo.

Đặc biệt, hệ thống các sản phẩm nhãn hiệu MIMOSA như: Đệm, gối nước mát, túi sưởi đa năng, miếng dán phát nhiệt, tủ sấy quần áo đa năng…, đã là vật dụng không thể thiếu của nhiều gia đình.

“Đắm đuối” với nông sản

Gắn bó với nông nghiệp, đam mê và tâm huyết như duyên tiền định, hay như người xưa ví von “cá chuối đắm đuối vì con”, bà Thực cùng với các cán bộ của công ty đã tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra những công nghệ tưới tiết kiệm, tự động, bán tự động, phù hợp cho từng loại cây trồng, từng vùng địa hình, thổ nhưỡng.

Những công nghệ “made in BAGICO” ấy phù hợp khả năng đầu tư của người nông dân, giá thành giảm môt nửa so với việc nhập khẩu công nghệ từ các nước phát triển.

Các dự án trồng chuối (Lào Cai), cam, bưởi, vải thiều (Bắc Giang), rau, hoa (Đà Lạt)… đã giúp cho người dân nhiều vùng miền hiểu và thấy rõ lợi ích của việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận.

Công ty còn xây dựng các mô hình nhà màng, nhà lưới công nghệ để chuyển giao cho nông dân. Xây dựng mô hình và hỗ trợ cố vấn cho Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang để tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, ứng dụng.

Mới đây, bà Thực đã hợp tác với các chuyên gia cao cấp của Hà Lan trồng khảo nghiệm các giống cây ôn đới (táo, đào…) tại vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát, (Lào Cai) nhằm phát triển vùng sản xuất hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng cao Tây Bắc, đồng thời cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa và hạn chế nhập khẩu trái cây.

Về lâu dài, bà Thực mong muốn sẽ xây BAGICO thành công ty hàng đầu về cung ứng hệ thống tưới tiêu cùng các giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp; liên kết sản xuất và chế biến xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thế giới.

Còn nhiều trăn trở

Nhiều người hẳn còn nhớ, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, chủ đề: “Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt” mới đây, “thương lái” hơn 20 năm kinh nghiệm buôn bán với Trung Quốc Nguyễn Thị Thành Thực đã chia sẻ rất thực, rất chân thành và đầy trách nhiệm về đầu ra của nông sản Việt.

Theo bà Thực, nông sản Việt muốn bán được hàng phải đi ra chợ và một trong những cái chợ lớn nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam đang không có gian hàng nào ở “cái chợ” lớn nhất thế giới ấy mà chỉ chờ họ đến mua. Bà cho rằng, người dẫn dắt khâu thương mại là người quyết định sản xuất và chế biến.

Do đó, nông dân và doanh nghiệp làm nông nghiệp cần chủ động trong việc tham gia thị trường, nắm chắc quy trình khép kín từ sản xuất tới đầu ra. Trung Quốc có thể coi là ví dụ điển hình khi vừa là thị trường lớn về tiêu dùng, vừa là người làm chủ cuộc chơi vì biết cách chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông sản ra toàn cầu.

Có thể thấy, hiện khâu quan trọng nhất tạo ra sản phẩm cho xã hội bị bao vây bởi các trung gian. Mọi gánh nặng, rủi ro hầu như bằng cách này hay cách khác cũng đưa đẩy đến nhà sản xuất mà chủ yếu là nông dân và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Vì vậy, chuỗi giá trị nông sản toàn cầu cần kết nối thông qua các “Trung tâm Một cửa nông sản quốc gia” của các nước để cắt giảm chi phí và người tiêu dùng được mua hàng với đúng giá trị thực của nó.

Hiện nay, các nước nghèo, lạc hậu, người sản xuất bán sản phẩm rẻ hơn giá trị và người tiêu dùng thường phải mua hàng cao hơn giá trị thực. Nguyên nhân chính là sự lạc hậu trong việc quản lý hệ thống và chuỗi phân phối thu mua cũng như việc tranh thủ tư lợi của nhóm quyền lực.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin, cần phải có chợ thương mại điện tử để dần thay thế cách bán hàng truyền thống manh mún, không hiệu quả. Tuy nhiên, chợ thương mại điện tử không phải là thêm các chợ cóc, chợ tạm mà ở đó hàng thật, hàng giả, hàng nhái... bán vô tội vạ.

Đã đến lúc cần có “Ban quản lý chợ online” và sản phẩm bán ở đó phải có lý lịch rõ ràng, phải có tiền cọc để đảm bảo bồi thường cho khách mua khi vi phạm cam kết hàng hoá, bảo vệ người tiêu dùng.

“Thời đại công nghệ số, ứng dụng nông nghiệp 4.0, chúng ta muốn nâng cao giá trị nông sản, giảm thiểu rủi ro và nâng cao thu nhập người nông dân, đưa sản phẩm giá trị thực đến người tiêu dùng thì cần tìm phương pháp để cắt giảm các khâu trung gian, giảm thiểu chi phí, hư hao, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Không có một sự đột phá và dẫn dắt của Nhà nước thì nông nghiệp sẽ mãi trong vòng luẩn quẩn, nông dân sẽ mãi là kẻ yếu thế” - bà Thực nhấn mạnh.

Trại hè BAGICO là sáng kiến của bà Nguyễn Thị Thành Thực, ra đời vào mùa hè năm 2008. Hàng năm cứ vào dịp hè, các em học sinh từ 5-18 tuổi đến từ các xã trong và ngoài huyện Việt Yên (Bắc Giang) được tham gia miễn phí lớp học “Em yêu làn điệu dân ca quan họ”. Lớp học kéo dài trong vòng 2 tháng với khoảng 40 buổi học. Tham gia lớp học này, các em được truyền dạy những kiến thức, kỹ năng trình diễn, lời ca quan họ mới và các làn điệu cổ. Kết thúc khóa học, các em được tham dự một buổi biểu diễn báo cáo kết quả trong quá trình học tập. Sau 10 năm, thông qua trại hè đã có hơn 2.000 thiếu nhi được truyền dạy quan họ miễn phí, nhiều em đoạt HCV trong hội thi hát dân ca toàn quốc. Vừa qua, Trại hè BAGICO đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings xác lập kỷ lục "Chương trình truyền dạy hát dân ca quan họ cho thiếu nhi diễn ra liên tục trong nhiều năm nhất".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ