Xuất ngoại bằng con đường học nghề

GD&TĐ - Học nghề để đi lao động ở nước ngoài đang dần trở thành xu hướng mà nhiều bạn trẻ lựa chọn sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nhiều bạn trẻ lựa chọn trường nghề sau đó đi du học để cải thiện thu nhập.
Nhiều bạn trẻ lựa chọn trường nghề sau đó đi du học để cải thiện thu nhập.

Thêm kỹ năng, tăng thu nhập

Hiện nay, thị trường lao động Nhật Bản vẫn đang “khát” nguồn lao động Việt Nam xuất khẩu. Những ngành nghề mà doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu nguồn nhân lực cao như: Điều dưỡng, xây dựng, công nghệ ô tô, cơ điện, thực phẩm, nhà hàng khách sạn.

Thay vì tuyển lao động tự do, tại các công ty chuyên về lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu lao động (XKLĐ), các đối tác Nhật Bản mong muốn tìm kiếm lao động tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Cũng vì thế, nhiều học viên tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp vừa được học nghề, vừa tham gia các khóa đào tạo Nhật ngữ, văn hóa Nhật để chuẩn bị cho hành trình xuất khẩu lao động. Những lao động này thường được đối tác Nhật Bản đánh giá cao.

Tốt nghiệp ngành kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương, anh Lê Văn Sơn ở xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) đã có 2 năm kinh nghiệm làm đầu bếp tại một khách sạn 4 sao ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Mong muốn tìm cơ hội tốt hơn cho tương lai, anh Sơn đã sang Nhật Bản làm đầu bếp. Anh đang phụ trách món chính ở một nhà hàng chuyên ẩm thực Việt Nam tại thành phố Tokyo. Nhờ có bằng cấp, lại giàu kinh nghiệm thực tế nên anh Sơn được chủ nhà hàng trả mức lương 50 triệu đồng/tháng.

Tốt nghiệp ngành cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng nghề Hải Dương, anh Nguyễn Tường Quân ở xã An Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương) quyết định nộp hồ sơ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Anh Quân cho biết, đợt này cả tỉnh có hơn 200 lao động đăng ký dự tuyển sang Hàn Quốc làm việc trong ngành sản xuất chế tạo và xây dựng. Riêng ngành sản xuất chế tạo số hồ sơ đăng ký chiếm hơn 90% nên khả năng cạnh tranh giành suất đi Hàn Quốc rất khó khăn.

“Ngoài thi tiếng Hàn, người lao động còn phải vượt qua vòng kiểm tra tay nghề khắt khe. Những người đã từng học nghề bài bản, nhất là ngành học được công nhận quốc tế như chúng tôi sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn. Năm trước, nhiều anh, chị đã vượt qua kỳ thi tay nghề khá dễ dàng để sang Hàn Quốc làm việc. Những người có tay nghề cứng đều được chủ doanh nghiệp ưu tiên làm ở những vị trí tốt và trả lương cao hơn”, anh Quân cho biết.

Chị Trần Kim Châu, đang làm quản lý tại một công ty Hàn Quốc tại tỉnh Bắc Giang nhận định, trước đây các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần tuyển lao động phổ thông nhưng những năm gần đây thì nhu cầu lao động có trình độ, nhất là lao động qua đào tạo, có tay nghề ngày càng tăng lên.

“Lao động đã qua đào tạo thường nhanh nhạy, đáp ứng được yêu cầu đổi mới liên tục của máy móc, dây chuyền sản xuất. Thời gian tiếp cận công việc của họ cũng nhanh chóng và thuận lợi hơn”, chị Châu chia sẻ.

Chọn đúng và trúng định hướng

Thi đỗ vào một trường công lập, hoàn thành chương trình THPT và thi lên đại học, cao đẳng là con đường mà nhiều phụ huynh trước nay vẫn định hướng cho con em mình. Song, theo các chuyên gia, điều quan trọng hơn cả với học sinh và các gia đình không nằm ở việc thi hay không thi mà là việc chọn con đường nào phù hợp nhất với năng lực, khả năng, sở trường của từng học sinh.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho rằng: “Sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nếu cảm thấy không đủ năng lực để du học có thể đi theo con đường hợp đồng XKLĐ chất lượng cao”.

Theo ông Tuấn, trước đây XKLĐ thường được xem là giải pháp tích cực cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, không thể học tiếp đại học. Tuy nhiên, hiện nay các chương trình, chính sách XKLĐ đang dần chuyển đổi, hạn chế tiếp nhận lao động phổ thông mà chuyển sang nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có chất lượng cao.

Chị Nguyễn Huệ Dương, một phụ huynh có con đang học lớp 12 tại TP Hà Nội chia sẻ, tại nhiều gia đình, các bạn trẻ cũng đi học nghề, chỉ sau mấy tháng học các khóa ngắn hạn về trang điểm, kinh doanh trên mạng xã hội… là đã có thể tự chủ kinh tế, không những kiếm tiền giỏi mà còn phụ giúp được tài chính cho gia đình.

“Tôi không quá đặt nặng con mình phải đậu đại học, chỉ cần con cảm thấy thích và quyết tâm theo đuổi tới cùng sự lựa chọn của mình. Tôi cũng hay khuyên con, nếu không đỗ vào đại học thì con có thể chọn học nghề trang điểm vì nó đang là xu hướng thịnh hành của xã hội hiện đại. Gia đình tôi sẵn sàng chi tiền, đầu tư cho con theo học thành nghề”, chị Dương vui vẻ khẳng định.

“Đi du học hiện nay đang là xu hướng của giới trẻ. Lớp em cũng có nhiều bạn đi du học ở cả châu Âu và châu Á. Cá nhân em thích ngành marketing, em nghĩ học ngành này ở châu Âu sẽ là hướng phát triển thuận lợi cho tương lai của em sau này. Khi được tư vấn về hỗ trợ học phí, nơi ở từ các công ty tuyển sinh, em đã xin ý kiến, cùng bàn bạc với gia đình và quyết định đi du học tại Úc”, em Hồ Kim Linh, học sinh lớp 12 tại Trường THPT Hoàng Diệu (đang có định hướng du học nước ngoài để tiếp cận cơ hội ở ngành “hot”) chia sẻ.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận định rằng, XKLĐ là chương trình có ý nghĩa, giúp giải quyết nhu cầu việc làm, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong tương lai. Dù vậy, các bậc phụ huynh và các bạn trẻ cũng không nên lý tưởng hóa mọi thứ.

“Điều quan trọng nhất là các bạn phải biết tự giác học hỏi, không ngừng phát triển bản thân, trau dồi kinh nghiệm thì sẽ thành công trong công việc dù làm việc ở đâu”, ông Trần Anh Tuấn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.

Tìm hiểu mbti và cách áp dụngTìm hiểu mbti và cách áp dụng