Hướng nghiệp nghề cho học sinh dân tộc nội trú

GD&TĐ - Các trường trung học phổ thông dân tộc nội trú (THPT DTNT) đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng sớm cho học sinh...

Học sinh tìm hiểu về nghề nghiệp.
Học sinh tìm hiểu về nghề nghiệp.

Triển khai định hướng tại Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các trường trung học phổ thông dân tộc nội trú (THPT DTNT) không chỉ tập trung vào công tác truyền dạy kiến thức, giáo dục kỹ năng sống mà hiện nay còn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng sớm cho học sinh về nghề nghiệp trong tương lai. Từ đó, nhà trường cùng học trò xây dựng kế hoạch học tập để đạt được ước mơ sau khi tốt nghiệp

Tư vấn sớm cho học trò

Tại Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An (Nghệ An), học sinh chủ yếu đến từ các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Các em phấn đấu thi đậu vào trường DTNT để có điều kiện học tập tốt hơn nhằm thay đổi cuộc đời. Hiểu những kỳ vọng đó của học trò, nhà trường đã không ngừng đẩy mạnh công tác giảng dạy, lồng ghép các hoạt động giáo dục nhằm tạo ra một môi trường học tập thân thiện, trang bị cho học trò những kiến thức và kỹ năng cần thiết để các em phát triển bản thân sau khi tốt nghiệp THPT.

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: “Nhà trường luôn đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy giúp học sinh làm chủ kiến thức. Cùng với đó, chúng tôi còn chú trọng đến các hoạt động giáo dục kỹ năng mềm, giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các hoạt động tư vấn hướng nghiệp sớm cho học sinh. Các hoạt động này thường tổ chức thông qua các câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa, trải nghiệm...”.

Bám sát những yêu cầu của đời sống thực tiễn, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như thông qua chia sẻ nghề nghiệp, việc làm của những người đang lao động trực tiếp.

Trường mời cựu học sinh trưởng thành hoặc những cán bộ chủ chốt tại các huyện miền núi chia sẻ kinh nghiệm chọn nghề, đặc thù những nghề nghiệp trong xã hội hay phẩm chất, năng lực mà người lao động cần có trong quá trình làm việc, giới thiệu về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực địa phương…

“Nhà trường còn thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp để tham vấn trợ giúp học sinh tự tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chọn khối, ngành, trường và nghề nghiệp... Những hoạt động này đã giúp học sinh có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu việc làm trong tương lai của địa phương”, cô Kiều Hoa cho biết.

Tương tự, Trường THPT DTNT tỉnh Điện Biên (Điện Biên), thầy Vũ Trung Hoàn - Hiệu trưởng nhà trường - nhấn mạnh: “Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông trong nhà trường phổ thông đóng vai trò quan trọng. Đây là một hoạt động không thể thiếu được ở các trường phổ thông nhằm giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp. Từ đó, các em có thể định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mình”.

Để tăng cường các kỹ năng mềm, hướng nghiệp cho học sinh, Trường THPT DTNT tỉnh Điện Biên đã phân công giáo viên xây dựng kế hoạch, công tác hướng nghiệp cho học sinh kết hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm và vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với tâm lý, sinh lý lứa tuổi. Yêu cầu mà nhà trường đặt ra là phải đảm bảo học sinh được tiếp cận đầy đủ thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.

“Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, chúng tôi còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tiếp cận với một số ngành nghề thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo ở lớp, theo nhóm, theo mô hình câu lạc bộ… từ đó hình thành cho học sinh định hướng nghề nghiệp cho tương lai”, thầy Hoàn giải thích.

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An cùng học trò tại Lễ tuyên dương học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia và học sinh đạt điểm cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: NT

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An cùng học trò tại Lễ tuyên dương học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia và học sinh đạt điểm cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: NT

Đa dạng các hình thức hướng nghiệp

Hiện nay, Tổ tư vấn hướng nghiệp ở trong trường THPT đặc biệt được các nhà trường chú trọng đầu tư cả lượng và chất để có đủ năng lực tham vấn, hỗ trợ học sinh trong việc chọn khối thi, ngành thi, nghề nghiệp... Bên cạnh đó, tổ tư vấn này sẽ hỗ trợ, gỡ rối những băn khoăn của học sinh khối 12 trong quá trình chọn ngành, trường sau khi tốt nghiệp.

Cô Kiều Hoa chia sẻ: “Hiện nay, theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, ngay từ lớp 10 học sinh đã phải đưa ra lựa chọn tổ hợp, do đó tổ tư vấn sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp năng lực, sở thích của các em. Từ đó, học trò có sự hiểu biết và định hướng rõ ràng hơn cho tương lai của mình, các thầy cô không để các em phải đơn độc khi đưa ra lựa chọn”.

Thầy Hoàn, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên cũng cho biết thêm: “Đối với học sinh đang học ở các trường dân tộc nội trú thì ngôi trường học không khác gì ngôi nhà và thầy, cô là người cha, người mẹ thứ hai của các em. Chính vì vậy hàng năm, nhà trường rất chú trọng thiết kế các hoạt động của mô hình câu lạc bộ, thông qua đó để lồng ghép các nội dụng hướng nghiệp sớm cho học trò.

Dưới nhiều hình thức, các câu lạc bộ sẽ kết hợp với Đoàn Thanh niên trong nhà trường xây dựng các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh có thông tin, kiến thức và chủ động khi tìm hiểu về các ngành nghề trong tương lai. Một cách làm sáng tạo là hàng tháng câu lạc bộ sẽ đưa ra các chủ đề như “bạn và nghề lựa chọn”, “làm thế nào để lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và nhu cầu xã hội”…

Đồng tình với hướng đi mới, nhiều trường đã khai thác và mở rộng các mối quan hệ với các đối tác doanh nghiệp, trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh để phối hợp làm công tác tư vấn, hỗ trợ, định hướng nghề cho học sinh, trang bị cho các em có thêm kiến thức thực tế và xây dựng kế hoạch học tập để đạt được ước mơ.

“Khi làm tốt công tác hướng nghiệp, học sinh được chia sẻ kinh nghiệm các em sẽ nỗ lực phấn đấu trong học tập và lựa chọn ngành nghề phù hợp, có mục tiêu học tập rõ ràng. Cùng với đó, nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục, tránh được sự lãng phí đào tạo cho cá nhân và xã hội”, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Kiều Hoa nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khám phá exp nghĩa là gìTìm hiểu mbti và cách áp dụng