Cơ hội vươn ra thế giới
Thời gian qua, các nhà xuất bản (NXB), các tác giả vẫn tìm nhiều cách đưa các tác phẩm trong nước đến với bạn bè quốc tế.
Mới đây, tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” của cố nhà văn Trần Dần đã chính thức được tiếp cận với độc giả xứ kim chi thông qua NXB IWBOOK Publishing House (Hàn Quốc). Dự kiến, cuốn sách sẽ được chuyển ngữ và ra mắt độc giả Hàn Quốc vào năm 2018.
Cùng với đó, nhà văn Nguyễn Một cũng thông báo cuốn tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” của ông được NXB Sống (Song Publishing) được dịch sang tiếng Anh, sẽ là cuốn tiểu thuyết thứ hai được xuất bản ở Mỹ. Đây là tín hiệu mừng cho văn học nước nhà thêm cơ hội vươn ra thế giới.
Trước đây, đã có một số nhà văn được các NXB nước ngoài mua bản quyền, chuyển ngữ và phát hành tại các thị trường quốc tế. Có thể kể đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.
Tác phẩm đã được NXB Nanmee Books của Thái Lan ký hợp đồng chuyển ngữ sang tiếng Thái vào năm 2011, sau đó được NXB Dasan Books của Hàn Quốc mua bản quyền và phát hành tại Hàn Quốc vào năm 2013.
Đến năm 2014, cuốn sách tiếp tục được chuyển ngữ tiếng Anh và ra mắt độc giả Mỹ trên trang web mua bán trực tuyến Amazon.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cá nhân tự tìm đường đưa tác phẩm của mình ra thế giới, một số đơn vị xuất bản của Việt Nam cũng có “để mắt” đến việc xuất khẩu văn chương.
Điển hình như NXB Kim Đồng đã có khá nhiều truyện cổ tích song ngữ Việt - Anh, Việt - Pháp, hướng tới góc độc giả là con em người Việt ở nước ngoài. NXB Trẻ đã nỗ lực phát hành 1.000 bản tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần bằng tiếng Anh ra thị trường thế giới thông qua các trang mua bán trực tuyến.
Dẫu có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhưng so với thị trường sách ngoại văn chiếm lĩnh trên thị trường hiện nay, số lượng các tác phẩm văn học Việt được chuyển ngữ và phát hành tại nước ngoài còn khiêm tốn. Tại nhiều hội chợ sách quốc tế, chúng ta mới chỉ tham dự với nhiệm vụ trưng bày, còn việc quảng bá, giao lưu, tiếp thị sách chưa chuyên nghiệp.
Cần những giải pháp để hội nhập
Thực tế, nền văn học Việt Nam có một lịch sử bề dày và giá trị vô giá, nhưng phải chăng chúng ta vẫn chưa biết cách làm thế nào để tiếp cận được với bạn bè thế giới? Xuất khẩu tác phẩm văn học vẫn là khát khao cháy bỏng của giới làm văn chương trong nước.
Thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng “Đề án Quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020” xác định rõ mục tiêu gồm: Thông qua xuất bản phẩm để giới thiệu các giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc đến với bạn bè quốc tế; Quảng bá và khẳng định bản quyền quốc gia đối với các tác phẩm có giá trị của Việt Nam.
Tuy nhiên, những ý tưởng quảng bá văn học Việt một cách có hệ thống chưa tìm được hướng đi bài bản. Thiếu đội ngũ dịch giả giỏi, các tác phẩm (mặc dù đoạt giải trong nước) vẫn thiếu tính phổ quát, thiếu nhiều yếu tố hấp dẫn độc giả đương đại.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty sách Thái Hà chia sẻ, các NXB trong nước cần có bản dịch ra tiếng Anh hoặc viết sách trực tiếp bằng tiếng Anh thì cơ hội được các đối tác, đơn vị xuất bản quốc tế quan tâm, chú ý để liên kết hoặc mua bản quyền sẽ cao hơn.
Các công ty sách Việt Nam muốn bán bản quyền sách Việt tới quốc tế cần biết cách giới thiệu, quảng bá sách ra các sân chơi lớn của thế giới thông qua các hội sách lớn Frankfurt tại Đức, America Expo tại Mỹ, hội sách London (Vương quốc Anh), hội sách Bắc Kinh (Trung Quốc)…