Xuất khẩu sách Việt: Bao giờ hết mơ?

GD&TĐ - Xuất khẩu sách Việt, ngoài việc giới thiệu đến bạn bè thế giới những tác phẩm văn học hay, lạ của Việt Nam thì đó còn là cách làm du lịch, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới. Tuy nhiên, sự mất cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu xuất bản phẩm khiến các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản luôn trăn trở.

Sách nhập khẩu chiếm số lượng lớn trên các kệ sách
Sách nhập khẩu chiếm số lượng lớn trên các kệ sách

Xuất ngoại sách bị bỏ ngỏ

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành thì hiện nay xuất bản phẩm Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, các nước châu Âu (Anh, Pháp, Canada...) một số nước châu Á. Còn ở thị trường các nước châu Phi, châu Mỹ do nhu cầu chưa nhiều, giá cước vận chuyển cao, các thủ tục xuất khẩu còn nhiều mới lạ nên hầu như chưa có các xuất bản phẩm của Việt Nam.

Một minh chứng rõ nét số lượng sách của các đơn vị trong nước xuất bản được viết bằng tiếng Anh hay dịch sang tiếng Anh còn rất ít. Trong năm 2016 nếu như xuất khẩu chỉ có 400.000 bản sách, 6,8 triệu tờ báo, tạp chí thì nhập khẩu lên tới trên 41 triệu bản sách; trên 17 bản băng đĩa, 8,6 triệu tờ báo, tạp chí…

Lâu nay, người đọc đã quá quen thuộc với việc sách ngoại chiếm thế thượng phong trên kệ của các nhà sách hay dịch sách nước ngoài ra tiếng Việt mà quên rằng, Việt Nam cũng có những tác phẩm hay đến tay bạn đọc trên thế giới.

Có thể kể đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - ông là tác giả làm cho dòng chảy sách Việt ra nước ngoài nổi đình nổi đám hơn khi “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được NXB Nanmee Books của Thái Lan ký hợp đồng chuyển ngữ sang tiếng Thái, sau đó lại được NXB Dasan Books của Hàn Quốc tiếp tục mua bản quyền dịch sang tiếng Hàn và phát hành tại Hàn Quốc.

Cùng thời điểm đó, một số sách khác cũng được chuyển ngữ và phát hành ở nước ngoài như “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (chuyển ngữ sang tiếng Hàn), được NXB Asia Publishers ấn hành tại Hàn Quốc… Song, rõ ràng số lượng sách ra được với thế giới không nhiều.

Chặng đường gian nan

Số lượng tác phẩm văn học Việt được một số nhà xuất bản ở các nước tìm đến mua bản quyền, in ấn và phát hành ở nước ngoài vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Đối với hầu hết các đơn vị xuất bản trong nước, việc bán bản quyền sách vẫn là câu chuyện quá xa vời. Việc đưa sách Việt Nam đến với bạn bè quốc tế vẫn chỉ là giấc mơ, khiến cơ hội quảng bá văn hóa Việt ra thế giới còn nhiều hạn chế.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty sách Thái Hà, sách Việt khó có cơ hội xuất khẩu, do “số lượng sách của các đơn vị xuất bản được viết bằng tiếng Anh hay dịch sang tiếng Anh còn rất ít”.

Chúng ta hầu như chưa có tác giả đủ tầm thế giới, hay có các dịch giả đủ trình độ theo tiêu chuẩn quốc tế. Một cách thẳng thắn thì thấy con đường để sách bản quyền ra thế giới hiện nay chủ yếu là do mối quan hệ của các tác giả, hoặc các NXB nước ngoài tự tìm đến. Chúng ta hầu như chưa có một cơ quan nào đứng ra lo việc xuất khẩu sách, bán bản quyền ra nước ngoài..

Trong bối cảnh đất nước đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tham gia hoạt động xuất khẩu sách cần có sự quan tâm, góp sức của các nhà văn, nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Bên cạnh nỗ lực dấn thân của các doanh nghiệp, đơn vị làm sách tư nhân, rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý trong nước và đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt thị hiếu, cơ hội hợp tác, giúp doanh nghiệp trong quá trình tự “bơi”, đưa sách ra thế giới.

Xuất khẩu sách Việt, ngoài việc giới thiệu đến bạn bè thế giới những tác phẩm văn học hay, lạ của Việt Nam thì đó còn là cách làm du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam hay nhất, bởi trong mỗi tác phẩm văn học đều in đậm dấu ấn văn hóa của mỗi quốc gia, vùng miền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.