(GD&TĐ) - Với các trường ĐH, CĐ, việc cập nhật, phủ kín giáo trình chính là nhu cầu tự thân. Bên cạnh đó, Đề án mở ngành đào tạo trường trình Bộ GD&ĐT đều đã nêu số lượng các giáo trình, bài giảng; hàng năm Bộ đều có các đoàn thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; các trường lại đang tự đánh giá trong và tham gia đánh giá ngoài… Vì thế, đến 2015 các chương trình đào tạo phải có đủ giáo trình là yêu cầu khó nhưng không quá khó.
Sinh viên ĐH FPT học toàn bộ bằng giáo trình tiếng Anh |
Tại Trường ĐH FPT, ngoại trừ các môn Chính trị - Quốc phòng, tất cả các môn học còn lại đều dùng giáo trình nước ngoài với khoảng 200 đầu sách. Việc nhập giáo trình có thể theo phương án là mua bản quyền in sách ở Việt Nam hoặc nhập sách trực tiếp, đảm bảo mỗi sinh viên có một bộ giáo trình dùng riêng. Với mỗi môn học ứng với một giáo trình cụ thể, trường soạn thêm tài liệu hướng dẫn kế hoạch triển khai giảng dạy cụ thể, phù hợp với thời lượng giảng dạy dành cho môn học đó, bổ sung quy định kiểm tra, thi cử…
Quy trình nhập giáo trình của Trường ĐH FPT được Hiệu trưởng, TS Lê Trường Tùng chia sẻ: Với mỗi môn học, đầu tiên là tìm hiểu xem với môn này các trường trong Top 100 thế giới dùng giáo trình gì, có tài nguyên gì đi theo giáo trình đó? Sau đó mới chọn ra 3 đến 5 bộ giáo trình. Bước tiếp theo là đặt mua trực tiếp các giáo trình để xem xét chi tiết. Cuối cùng là chọn một bộ giáo trình chính thức và đàm phán mua bản quyền hoặc nhập sách. Trường ĐH FPT có Ban Phát triển chương trình do một phó hiệu trưởng phụ trách.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trường Tùng, lựa chọn giáo trình tốt là công việc mất nhiều công sức. Mua giáo trình nước ngoài cũng tốt không ít tiền, đặc biệt với mục tiêu mỗi sinh viên có 1 bộ giáo trình dùng riêng miễn phí. Hiện nay, Trường ĐH FPT mỗi năm mua bổ sung khoảng 3 tỷ tiền giáo trình cho thư viện.
“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin về giáo trình với các trường ĐH khác, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sử dụng giáo trình và mong muốn nếu như có Chương trình quốc gia thỏa thuận với nước ngoài để mua bản quyền in ấn tại Việt Nam, dùng cho sinh viên Việt Nam thì chi phí giáo trình sẽ giảm đi rất nhiều. Nói chung các NXB nước ngoài không mặn mà với việc cho in giáo trình bằng tiếng Anh tại Việt Nam, vì e ngại về bản quyền và việc xuất khẩu sách in giá rẻ tại Việt Nam sang các nước khác” – Ông Lê Trường Tùng cho biết thêm.
Theo kinh nghiệm phát triển giáo dục ĐH của nhiều nước, quốc tế hóa là việc bắt buộc phải làm với mọi trường ĐH có mong muốn đào tạo chất lượng cao, ông Lê Trường Tùng nhấn mạnh: Quốc tế hóa cũng được xem là một trong 4 yếu tố cơ bản - cùng với các yếu tố đào tạo, nghiên cứu và việc làm sinh viên – để xếp hạng ĐH. Quốc tế hóa trong giáo dục ĐH bao gồm 3 nội dung chính: Trao đổi giáo trình, trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên - chứ không phải chỉ giới hạn ở khâu nhập giáo trình và mời giảng viên nước ngoài.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, việc ưu tiên bố trí kinh phí, chỉ đạo tổ chức biên soạn, lựa chọn giáo trình, mua bản quyền nước ngoài, dịch và in trong nước..., đó là một số những giải pháp thông thường mà mỗi trường ĐH, CĐ đều sử dụng, ĐH Nguyễn Trãi cũng hết sức chú trọng việc này. Cụ thể, chi kinh phí cho tổ chức biên soạn đáp ứng phần nào nhu cầu huy động chất xám của các học giả; giao cho trưởng khoa duyệt các đề cương môn học và danh mục các giáo trình cần mua; tổ chức khai thác sử dụng có hiệu quá các tư liệu hiện có chứ không đắp chiếu; hợp tác với các ĐH, CĐ có cùng ngành đào tạo để khai thác sử dụng chung nguồn cơ sở dữ liệu; sắp xếp để các cơ sở đào tạo (các campus) đều có thư viện và hệ thống mạng truy cập internet…
Nguyễn Nhung