Sách Việt: Giấc mơ vượt biển lớn

GD&TĐ - Lâu nay, việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới vẫn luôn là “giấc mơ” của giới yêu văn chương nước nhà. Số nhà văn có sách được dịch xuất hiện trên các kệ sách nước ngoài rất khiêm tốn. Ngược lại số sách nước ngoài được mua bản quyền và dịch tại Việt Nam chiếm số lượng áp đảo trên thị trường.

Sách Việt: Giấc mơ vượt biển lớn

Mất cân đối trong xuất nhập khẩu ấn phẩm

Nhìn lại thị trường xuất bản phẩm nói chung, sách văn học Việt Nam nói riêng, một thực tế đang diễn ra đó là sự thiếu cân bằng trong cán cân xuất - nhập các ấn phẩm. Trong khi sách ngoại ngập tràn trong nước, thì “đầu ra” thế giới của sách nội hết sức khiêm tốn.

Hiện nay, các tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài vẫn chủ yếu là cổ văn và giai đoạn trước 1945 như: Truyện Kiều, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương, Chinh phụ ngâm, Tố Tâm, Số đỏ, Chí Phèo, Dế mèn phiêu lưu ký.v.v

Ngoài ra có thể kể tên một vài tên một vài nhà văn thuộc giai đoạn sau này như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Nhật Ánh… là vinh dự có tác phẩm thơ và truyện ngắn được dịch ra tiếng nước ngoài. Trong số đó một số nhà văn nhờ mối quan hệ cá nhân mà tác phẩm của họ đã được tiếp cận tới bạn bè quốc tế.

Mặc dù, Việt Nam rất chú trọng tới việc tham gia giao lưu tại các hội chợ sách quốc tế, tuy nhiên chất lượng và hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế.

Tại Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức) cuối năm 2016, chúng ta cũng có tới hàng trăm đầu sách. Song, nếu như giao dịch bản quyền sách là mục tiêu chính của các đơn vị xuất bản đến từ hàng trăm quốc gia tại hội sách quốc tế lớn nhất thế giới này, thì Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu hình ảnh, văn hóa Việt Nam chứ không bán được sách in và bản quyền sách.

Hay như tại Hội chợ Sách quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc), một trong những hội chợ sách quốc tế lớn nhất châu Á, họa sĩ Khoa Lê (NXB Kim Đồng) gây chú ý khi tất cả sách truyện do anh vẽ minh họa được một NXB đại học ở Trung Quốc mua bản quyền. Tuy nhiên, số sách này lại không phải do NXB Kim Đồng, mà do Nuinui, một NXB của Thụy Sĩ thực hiện.

Còn nhiều thách thức

Theo ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản, sách Việt ít cơ hội có mặt ở nước ngoài vì một trong những nhược điểm là các bản in sách của chúng ta chưa đạt chuẩn quốc tế, chưa đăng ký các chỉ số quốc tế.

Tiêu chuẩn về giấy, mực in… chưa được coi trọng và quan trọng hơn cả là sách cần nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc quảng bá, giới thiệu, đưa sách ra nước ngoài…

Rõ ràng lâu nay, tại nhiều hội chợ sách quốc tế, chúng ta mới chỉ tham dự với nhiệm vụ chính là trưng bày, còn việc quảng bá, giao lưu, tiếp thị sách chưa được làm một cách chuyên nghiệp.

Đó là chưa kể đến chúng ta phải có một nguồn kinh phí lớn trong các khâu nghiên cứu lĩnh vực, đề tài mà thị trường nước ngoài quan tâm, đặc biệt là công nghệ in ấn và đầu tư cho chính các tác giả để có thể có được nhiều tác phẩm tốt có chất lượng.

Xuất khẩu sách Việt, ngoài việc giới thiệu đến bạn bè thế giới những tác phẩm văn học hay, lạ của Việt Nam thì đó còn là một cách chúng ta làm du lịch, một cách quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Bởi trong mỗi tác phẩm văn học có giá trị đều in đậm dấu ấn văn hóa vẻ đẹp đặc trưng của đất nước, con người ở mỗi quốc gia. Gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam cũng thành lập Trung tâm Dịch thuật văn học Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga, nhưng trên thực tế sức lan tỏa chưa cao.

Chia sẻ những khó khăn về vấn đề xuất khẩu các ấn phẩm ra nước ngoài, ông Nguyễn Mạnh Hùng đại diện Công ty Sách Thái Hà cho rằng:

Sách Việt khó có cơ hội xuất khẩu, do số lượng sách của các đơn vị xuất bản được viết bằng tiếng Anh hay dịch sang tiếng Anh còn rất ít; Việt Nam cũng chưa có tác giả đủ tầm thế giới hay các dịch giả đủ trình độ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc dịch sách ra tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ phổ thông cần chi phí lớn, trong khi cơ hội bán được bản quyền lại không nhiều, rủi ro thất bại cao. Vì vậy, đối với hầu hết các nhà làm sách trong nước, việc bán bản quyền sách vẫn là câu chuyện quá xa vời.

Để các ấn phẩm sách Việt có cơ hội vươn ra thế giới ngoài vấn đề đầu tư nguồn kinh phí để chất lượng sách tốt hơn, chúng ta cần nâng cao chất lượng của đội ngũ các dịch giả thông hiểu ngôn ngữ quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.