Xuân về nhớ lời Bác dạy: Trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài

GD&TĐ - Tư tưởng về trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và mãi mãi soi đường cho chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập.

Bác Hồ với HS Trường Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ với HS Trường Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh: Tư liệu

Tìm người tài để xây dựng đất nước

Nhận thức rõ hiền tài là nguyên khí quốc gia, quốc gia hưng thịnh hay suy vong phụ thuộc rất lớn vào việc trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhân tố con người là quan điểm, là phương pháp luận quan trọng nhất, Người coi nhân tài có vai trò to lớn, là một động lực để phát triển đất nước, phải được phát hiện, ươm trồng, phát huy, trọng dụng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nước, vì dân.

Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, trong lúc còn bộn bề khó khăn, thù trong, giặc ngoài, Bác đã quan tâm tìm người tài để xây dựng đất nước và Người chính là tấm gương sáng cho việc tìm nhân tài và trọng dụng nhân tài. 

Bác xem việc đào tạo nhân tài là một quá trình liên tục và việc đào tạo này không chỉ nhằm mục đích giải phóng đất nước, giải phóng con người, mà còn phát triển năng lực của mỗi con người.

Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Bác viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. 

Trong những năm tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của công chức, thể hiện rõ tư tưởng của Người về sự tôn vinh tài năng, đạo đức và yêu cầu về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

Từ năm 1950, Người đã chỉ thị phải tuyển chọn những thanh niên có đủ những tiêu chí cần thiết, gửi sang Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu học tập để đào tạo thành trí thức bậc cao cho đất nước; ra quyết định mở Trường khoa học cơ bản, Trường sư phạm cao cấp trên đất bạn... để tạo dựng một lớp người có tài có đức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi hòa bình lập lại.

Bác cho rằng một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm lớn, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết. 

Để tìm được người tài, Bác đã yêu cầu các địa phương trong vòng một tháng phải điều tra và báo cáo với Chính phủ những “người tài đức, những người có thể làm được những việc ích nước, lợi dân” để trọng dụng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc bồi đắp về tri thức, đạo đức cho thế hệ trẻ. Ảnh: Thiên Thanh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc bồi đắp về tri thức, đạo đức cho thế hệ trẻ. Ảnh: Thiên Thanh 

Phải biết trọng dụng nhân tài

Đi đôi với việc tìm người tài, đức giúp ích cho đất nước, Bác yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. 

Người cho rằng phải biết chăm lo phát hiện nhân tài, phải biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Bác là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.

Bác cho rằng, trọng dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. 

Việc dùng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. 

Dùng người tài mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng và nó cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác thật sự quan tâm và tin tưởng đội ngũ trí thức - những nhân tài của đất nước, không chỉ bằng lời nói mà bằng việc làm cụ thể. 

Bác cho rằng, để phát huy sự sáng tạo của trí thức, cần đưa họ vào phong trào cách mạng, đi vào đời sống nhân dân, coi đó là trường học lớn để học tập, rèn luyện và trưởng thành. Người đòi hỏi trí thức cách mạng phải là những người vừa có đức, vừa có tài. 

Cán bộ lãnh đạo và quản lý phải được đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên để có tri thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực mình đang phụ trách, có như vậy mới có thể hoàn thành công việc ngày càng tốt. 

Chính nhờ tư tưởng sáng suốt của Bác mà đến nay, nhiều con em giai cấp công nhân, nông dân được đào tạo trở thành những cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học tài năng, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Ngày nay, trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ với kinh tế tri thức và xu thế toàn cầu hóa, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển của nước ta. 

Nhất là từ khi nước ta gia nhập WTO đặt ra nhiều thách thức buộc chúng ta phải thay đổi để tồn tại và phát triển, đồng thời cũng mở ra cơ hội lớn để nước ta vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu. 

Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu đó nếu đất nước có một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đảm lãnh nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Song việc phát hiện, tuyển chọn đội ngũ cán bộ tài năng là công việc đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức với cái nhìn thực sự công tâm, sáng suốt. Đây là công việc không đơn giản được ví như việc “đãi cát tìm vàng”. 

Chính vì thế, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài luôn là những bài học vô cùng quý giá để chúng ta học tập, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho chúng ta làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, lựa chọn nhân tài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ