Xuân tri thức về bản

GD&TĐ - Nhiều học trò ở vùng cao đã vượt núi, băng rừng (theo đúng nghĩa đen) với khao khát chinh phục con chữ. Các em đã làm nên mùa xuân tri thức ở bản làng còn nhiều gian khó nhưng cũng ấm áp tình người.

Xuân tri thức về bản

Băng rừng vượt núi đến trường

Còn nhớ, mấy năm trước, Phó hiệu trưởng Trường THCS xã Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An) Bùi Xuân Bắc mời tôi vào thăm trường.

Chao ôi, cứ tưởng có vài ba chục cây số, sẵn có máu chinh chiến đường rừng rồi nên tôi gật đầu rất nhanh. Nào ngờ, từ thị trấn Mường Xén xuôi về Khe Kiền đã ngót 30km, lại đi qua hết xã Nậm Càn 40 km rồi mới đến Na Ngoi. 70km!

Người ê ẩm vì xe xóc ổ voi, chân rã rời vì lội bùn, tim bải hoải vì sợ ngã xuống thung lũng bạt ngàn lau trắng. Tóm lại là khiếp!

Ấy thế mà chẳng nhằm nhò gì so với cậu học trò 11 tuổi đã vượt núi băng rừng theo đúng nghĩa đen của nó để xuống học trường huyện. Đó là Và Bá Chia ở bản Ka Trên của xã Na Ngoi.

Nhà đông anh em, bố mẹ chữ biết chữ không, gạo Chính phủ cũng chẳng ở mãi được trong nồi mùa giáp hạt. Thế là Chia quyết định đi bộ. Gà chưa gáy tàn canh thì Chia đã lên đường, băng qua rừng, lội qua suối, vượt qua núi… hết một ngày thì em cũng kịp có mặt tại trường cho buổi học ngày mai.

Cũng giống như Chia, em Lầu Y Mò ở bản Sơn Hà xã Tà Cạ lại phải để đôi bàn chân làm bạn với mặt đường dài 10km suốt 4 năm trời đi học dưới trường huyện.

Bản thân người viết bài không tin được một cô bé gầy nhỏ, tóc cháy sém vì chẳng bao giờ có mũ nón để đội và rất chi là kiệm lời lại có nhiều cố gắng đến vậy!

Chẳng bao giờ ngại nắng mưa, giá rét; cũng chẳng một lời than thở. Cứ như thể nghèo khó, thiếu thốn ấy chẳng nhằm nhò gì so với việc Y Mò được hàng ngày đến trường .

Bạn bè, thầy cô giáo rất khâm phục nghị lực của Chia, Mò. Đến bây giờ, câu chuyện đi học của hai em vẫn được thầy cô kể để tiếp sức cho học trò bước qua khó khăn, gian khổ.

Hay như em Thò Bá Lỉa ở xã Đoọc Mạy lại chẳng bao giờ được về thăm nhà hoặc được bố mẹ ra thăm như bao đứa bạn khác. Bố mẹ quanh năm lên rẫy, vào rừng, không có khái niệm ngày cuối tuần hay nghỉ lễ. Biết bố mẹ cực nhọc nên Lỉa chẳng đòi hỏi điều gì. Một năm, em chỉ về nhà vào dịp Tết và hè.

Có những dịp trường học nghỉ dài ngày, trường vắng tanh nhưng Lỉa vẫn ở lại vì “Nếu có muốn về cũng không ai đón”.

Bước qua đỉnh núi

Còn nhớ mấy lời của nhà thơ Y Phương nói với con trong bài thơ cùng tên:

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh.

Sống trong thung không chê thung nghèo khó

Chắc rằng mỗi học trò sinh ra và lớn lên trên đá núi gập ghềnh đã không ngại khó, ngại khổ để tự mình vươn lên làm chủ cuộc đời. Bằng chứng rõ ràng nhất là kết quả học tập của các em.

Thò Bá Lỉa liên tục là đạt giải nhất trong các vòng thi học sinh giỏi cấp huyện và ẵm luôn giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử.

Với học trò vùng cao, “chạm” được khuyến khích cấp tỉnh cũng vui lắm rồi. Và Lỉa đã làm tốt hơn cả điều thầy cô mong đợi. Năm nay, em đã xuống học trường THPT nội trú tỉnh. Lỉa nói trong vui sướng “Thế là em đã bước được những bậc thang đầu tiên vào ngưỡng cửa đại học. Nó không dễ như trèo đèo, lội suối nhưng em sẽ quyết tâm “san bằng” những đỉnh núi trí thức”.

Gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng cao dễ đến 30 năm, cô Hiệu trưởng Trường PT DTNT THCS Kỳ Sơn Bùi Thị Hưng chia sẻ “Dù không trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng tôi vẫn luôn tâm sự với học trò, rằng cuộc sống ở đâu cũng có khó khăn, nếu bỏ cuộc vì khó khăn trước mắt thì cả cuộc đời ta sẽ khổ.

Ít ra các em còn được đi học, được mặc lành, có cơm mà ăn, có thầy cô và bạn bè bên cạnh. Dù có em còn thua thiệt bè bạn vì hoàn cảnh nhưng chính vì thế mà các em mới cần cố gắng, nỗ lực nhiều hơn.

Không có gì là không thể làm được. Chỉ cần các em muốn thoát khỏi đói nghèo, muốn không khổ như cha mẹ thì hãy mạnh mẽ đứng lên”.

Theo cô Bùi Thị Hưng đến thăm Vừ Y Mò (bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn) phòng ở nội trú, vô tình nhìn được bảng chi tiết điểm số các môn mà Vừ Y Mò viết trong vở, phía trên là dòng chữ in đậm “Y MÒ –MUS TXOG NPAU SUAV” (Nghĩa tiếng Việt là "Y Mò - Chạm tới ước mơ”).

Khi được hỏi lí do em viết như vậy, Y Mò nói “Dòng chữ đó là “người thầy im lặng” hối thúc em, khích lệ em nếu em sao nhãng việc học; Còn bảng điểm em viết để so sánh kết quả học của mình tiến bộ hay không. Cô giáo nói điểm số không đánh giá được tất cả nhưng em vẫn muốn những bài kiểm tra sau của em điểm phải cao hơn trước”.

Đánh giá về chất lượng học sinh vùng cao, thầy giáo Nguyễn Cảnh Hoạt, Phó trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn (Nghệ An) thành thật trải lòng: “Bức tranh giáo dục Kỳ Sơn chắc còn mất một thời gian dài mới hài hòa những gam màu đẹp. Tuy nhiên, đã có những điểm sángtươi rất đáng mừng.

Sự quan tâm của Nhà nước thì đã rõ, sự nỗ lực của tập thể giáo viên của ngành cũng đã rõ, nhưng điều đáng ghi nhận là sự chuyển biến trong nhận thức và nghị lực vượt khó của học sinh đối với sự học. Đó mới là điều tuyệt vời.

Chẳng ai có thế thay đổi cuộc đời các em bằng chính bản thân các em. Thành công của học trò vùng cao không đơn giản chút nào. Chúng ta cần trân trọng những gì mà các em đã dành được bằng tất cả nội lực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ