Giáo dục - tiền đề để hiện thực hóa khát vọng dân tộc

GD&TĐ - Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), điều làm nên thành công của mỗi quốc gia chính là giáo dục.

Chú trọng phát huy năng lực, phẩm chất của HS.
Chú trọng phát huy năng lực, phẩm chất của HS.

Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), giáo dục không thể chần chừ, bị động đồng thời phải tạo ra được những nhà trường dạy học kiến tạo để có nguồn nhân lực có nhân cách, năng lực hành động hiệu quả và tinh thần hợp tác trong một môi trường đa văn hóa của thế giới toàn cầu hóa.

Tinh thần “Thực học - thực nghiệp” 

- PGS nhìn nhận thế nào về tác động của CMCN 4.0 với hoạt động giáo dục, đào tạo?

PGS.TS Đặng Quốc Bảo.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo.

- CMCN 4.0 là một cách gọi cho xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống thực ảo (Cyber – Physical Systems CPS) mạng lưới Internet vạn vật (Internet of things – IOT), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo... Nói tới CMCN 4.0 là nói tới thời đại tri thức của các nhà quản lý. Và điều làm nên thành công hay thất bại cho mỗi nước chính là nhân tố giáo dục. Nước nào bắt kịp với CMCN 4.0, nước nào lờ lững, bàng quan hay chậm chạp cũng do nhân tố giáo dục. 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế, CMCN 4.0 tác động đến mọi mặt đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó dịch vụ GD-ĐT bị tác động mạnh. Với hình thức GD-ĐT qua mạng, chi phí sẽ giảm mạnh, người học tiếp cận được với người dạy giỏi nhất, mở ra khả năng học tập mọi lúc, mọi nơi, không biên giới. Trong tương lai không xa, nhiều “ngôi trường truyền thống” sẽ bị thay thế bằng các lớp học qua mạng với hàng triệu người tham gia cùng lúc.

Giáo dục Việt Nam trước động thái CMCN 4.0 có sự khác biệt so với nhiều nước. Đó là nhân dân ta rất hiếu học, người Việt có minh triết sống “con hơn cha là nhà có phúc”. Tuy nhiên, mặt bằng kinh tế của chúng ta hiện thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Nhiều nhiệm vụ của ba cuộc CMCN trước đây còn chưa hoàn thành. Nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, môi trường ngổn ngang dang dở… Nhưng giáo dục đất nước lại không thể chần chừ, bị động trước xu thế sôi nổi của thời đại. Thực hiện giáo dục vừa đòi hỏi sự khẩn trương lại cần sự bình tĩnh, đam mê nhưng phải thận trọng, quyết liệt lại biết tỉnh táo.   

- Trước những thời cơ và thách thức của cuộc CMCN 4.0, theo PGS, ngành GD phải làm gì để bắt kịp yêu cầu đặt ra?

- Thách thức và thời cơ luôn đi song hành với nhau, đây là một phạm trù trùng. Thời cơ là tất cả các thành tựu tiến bộ của thế giới đều có thể vào Việt Nam. Còn thách thức, giáo dục của chúng ta bị giao thoa trong những nền sư phạm (sư phạm quyền uy, ban ơn (thời Khổng tử), kiêu ngạo thời Pháp, còn dưới thời bao cấp là sư phạm tư duy đồng phục). 3 điều này tác động vào nền giáo dục, khiến cho chúng ta thấy giáo dục bên cạnh nét đẹp lại có nét xấu, bên cạnh điều hài lòng lại có những điều làm ta băn khoăn. 

Có thể nêu ra đây năm vấn đề then chốt của phát triển giáo dục trước động thái CMCN 4.0: Xây dựng hệ thống giáo dục quán triệt tinh thần dân chủ; Tổ chức nhà trường kiến tạo; Tiến hành các hoạt động dạy học hiệu quả; Rèn luyện thế hệ trẻ thực hiện hệ thống giá trị đúng đắn và đào tạo, bồi dưỡng được lực lượng hiệu trưởng năng động. 

Từ năm 1976, ở nước ta ra đời hệ thống đào tạo và bồi dưỡng hiệu trưởng với nhận thức: Họ là các “sĩ quan” của ngành.

Ngày nay, trong cuộc đổi mới, họ phấn đấu không chỉ là người lãnh đạo bao quát, quản lý cụ thể mà còn là người quản trị tỉ mỉ đối với quá trình giáo dục. Người hiệu trưởng bất kể lãnh đạo nhà trường loại hình nào cũng phải hài hòa ba năng lực: Năng lực công việc: Chọn việc đúng mà làm, làm khéo việc đã chọn; Năng lực quan hệ với con người: Đưa đối thủ thành đối tác, đưa đối tác thành đồng minh, đưa đồng minh thành đồng chí, đưa đồng chí thành tri âm; Năng lực tư duy phản biện.

- Người thầy đóng vai trò thế nào trong vấn đề kiến tạo nhà trường, tổ chức lớp học không biên giới?

- Trong vấn đề kiến tạo nhà trường, trước tiên phải hướng đến hoạt động của người thầy. Người thầy trong nhà trường của CMCN 4.0 phải đóng được cả 4 vai: Người chỉ huy,  thiết kế,  dẫn dắt,  cố vấn giúp học trò khám phá sáng tạo.

Theo minh triết của nền giáo dục cách mạng, đất nước đã xây dựng được hệ thống giáo dục quốc dân theo các tiêu chí Dân tộc – Dân chủ - Khoa học. Ngày nay theo động thái CMCN 4.0, hệ thống này đòi hỏi phải quán triệt tinh thần dân chủ sâu sắc, bảo đảm mọi công dân đều được đi học, học được, được phát triển phẩm chất – năng lực một cách toàn vẹn. Tinh thần “Thực học - Thực nghiệp” phải được thấm vào tiến trình đào tạo của mọi loại hình nhà trường trong hệ thống này.   

Ngoài ra phải xác định hệ giá trị phù hợp với biến đổi của thời đại, bảo toàn văn hóa dân tộc và rèn luyện thế hệ trẻ thực hiện: Tu thân đúng, xử thế sáng khôn, dưỡng sinh tích cực theo chân - thiện - mỹ và tình nghĩa.

Lý luận giá trị học ở nước ta khẳng định: Tình người, tính người – hai giá trị cội nguồn của đạo làm người là tấm lòng và trách nhiệm. Hai nhân tố này không tồn tại vu vơ mà phải quyện vào nhau, gắn với đời sống thực tiễn của cộng đồng, xã hội; là giá đỡ cho “nhân cách”, giá đỡ cho con người tu thân đúng, xử thế sáng khôn, dưỡng sinh tích cực.

Người thầy phải có quyền uy và sự bao dung.
Người thầy phải có quyền uy và sự bao dung.

Tạo ra những nhà trường dạy học kiến tạo

- Cuộc CMCN 4.0  đặt ra yêu cầu phải phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước. Điều này khiến chúng ta sẽ gặp khó khăn?

- Yêu cầu phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một nhiệm vụ kép: Nhân lực và nhân cách. Chúng ta sốt ruột mong muốn có được nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng trước tiên họ phải là những người có nhân cách. Nếu nhân cách dương mà nhân lực âm thì sẽ tụt hậu còn nếu nhân lực dương, nhân cách chưa đạt cũng sẽ lệch lạc. 

Bác Hồ trong bài viết ngày 13/9/1958 có nêu: Nền giáo dục phải đào tạo ra những người công dân tốt – cán bộ tốt cho nước nhà. Có công dân tốt mà không chuyển thành cán bộ tốt thì không được, mà chỉ có cán bộ tốt nhưng không phải là công dân tốt cũng nguy hiểm. 

Ngay Hà Nội cũng vậy, chúng ta hay nói Hà Nội phải vươn lên thành thành phố thông minh, hiện đại nhưng trước hết người Hà Nội phải là những người công dân thủ đô thanh lịch văn minh. Nhưng nếu chỉ thanh lịch, văn minh mà không vươn lên hiện đại sẽ trở thành “trâu chậm uống nước đục”. 

- Sự phát triển nhanh của nguồn nhân lực chất lượng cao đồng nghĩa với việc nguồn nhân lực phổ thông trình độ thấp sẽ bị đẩy ra khỏi guồng máy sản xuất, PGS nghĩ gì về điều này?

- Chúng ta chỉ có thể có được Nhà nước kiến tạo khi trong lòng nó có một nền giáo dục kiến tạo. Cái lõi của Nhà nước kiến tạo là nền giáo dục kiến tạo. Nhưng muốn có nền giáo dục kiến tạo phải có nhà trường kiến tạo. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sau này Cách mạng công nghiệp lần thứ 5, lần thứ 6… cũng vậy phải có dạy học kiến tạo. Vậy, dạy học kiến tạo là gì? Trong dạy học kiến tạo thầy là người cố vấn, trò là người khám phá. Thầy chủ đạo, trò chủ động (tự phục vụ và tự học). 

Chúng ta hay nói sản phẩm của giáo dục là tạo ra khả năng bắt chước, tái hiện, tái tạo, sáng tạo. Đầu tiên là phải biết bắt chước, nhưng bên cạnh bắt chước phải có sự sáng tạo. Không phải học một cách máy móc. 

Bên cạnh đó cần nhấn mạnh “Tiên học lễ hậu học văn”. Học trò ngày nay rất khả úy,  đáng nể trọng. Người thầy trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải có quyền uy và sự bao dung. Nếu người thầy quá ân thì học trò sẽ nhờn, nhưng nếu uy quá, học trò sẽ bị “thui chột” khả năng sáng tạo, vì vậy người thầy phải có ân – uy hài hòa mới tạo ra được lớp học sinh sáng tạo. 

Người thầy nào cũng phải có sư đạo – sư đức và sư thuật. Lao động người thầy cho đúng với người thầy có đủ “Tam sư” như tôi nói ở trên là vô cùng vất vả. Vì vậy, cơ chế chính sách của chúng ta cần phải thực sự tôn vinh được người thầy vì họ chịu sức ép rất lớn. Có sư đạo, sư đức nhưng không có sư thuật không thể truyền lửa được cho học trò và ngược lại.

- Xin cảm ơn PGS.TS!

Chúng ta chỉ có thể có được Nhà nước kiến tạo khi trong lòng nó có một nền giáo dục kiến tạo. Cái lõi của nhà nước kiến tạo là nền giáo dục kiến tạo. Nhưng muốn có nền giáo dục kiến tạo phải có nhà trường kiến tạo. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sau này Cách mạng công nghiệp lần thứ 5, lần thứ 6… cũng vậy phải có dạy học kiến tạo. Vậy, dạy học kiến tạo là gì? Trong dạy học kiến tạo thầy là người cố vấn, trò là người khám phá. Thầy chủ đạo, trò chủ động (tự phục vụ và tự học). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.