Đổi mới kiểm tra đánh giá: Hội nhập vào giáo dục hiện đại

GD&TĐ - Giáo dục phổ thông Việt Nam đã hội nhập nội dung đánh giá học sinh - một trong những thành tố quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông mới - theo xu hướng giáo dục hiện đại thế giới.

Cô và trò Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Lâm
Cô và trò Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Lâm

Phù hợp, hiện đại, nhân văn

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, việc kiểm tra đánh giá học sinh, chưa được chú trọng, hoặc chưa hiểu hết ý nghĩa và tác động của đánh giá tới phát triển trí lực, đạo đức của học sinh. Mục đích chủ yếu của hoạt động giai đoạn này nhằm phân loại học tập của học sinh, đối chiếu với các tiêu chí, chuẩn mực về hạnh kiểm để áp đặt, xếp loại học sinh.

Để xác định học lực của học sinh, giáo viên phải tính điểm trung bình cộng tất cả  bài kiểm tra viết và các môn học sinh được học; sau đó phân thành các mức: Giỏi – khá - trung bình - yếu - kém. Học sinh mỗi lớp được sắp xếp theo thứ tự, từ có điểm trung bình cộng học lực cao nhất tới “đội sổ”. Tương tự, trên cơ sở bảng các tiêu chí về hạnh kiểm, vào cuối kỳ và cuối năm học, giáo viên cũng đối chiếu, so sánh, sắp xếp hạnh kiểm của mỗi học sinh từ tốt – khá - trung bình - yếu và kém. Học sinh xếp loại hạnh kiểm loại kém hoặc xếp loại học lực và hạnh kiểm cùng loại yếu sẽ ở lại lớp.

Sau khi Chính phủ cho phép Bộ GD&DT thành lập Vụ Giáo dục Tiểu học (ngày 15/7/1994), hoạt động kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học có sự thay đổi, phát triển liên tục và ngày càng phù hợp, tiệm cận, với quan điểm hiện đại về đánh giá học sinh của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Chúng ta tạm thời phân chia sự thay đổi kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học (trong thời gian khoảng 20 năm), thành 3 giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn chủ yếu dựa trên cơ sở thời gian ban hành các quyết định, thông tư về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học của Bộ GD&ĐT.

Giai đoạn 1: Thông tư số 15/GD-ĐT, ngày 2/8/1995, về việc hướng dẫn đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Quy định đánh giá học sinh tiểu học trong giai đoạn này đã phát triển và tiến bộ hơn nhiều giai đoạn những năm 1990, nhất là về đánh giá hạnh kiểm của học sinh và chỉ đánh giá định tính học sinh lớp 1 học kỳ I. Tuy nhiên, đánh giá học lực yêu cầu quá chính xác để phân loại và mang nặng tính bình quân trong đánh giá thường xuyên và định kỳ. Duy trì xếp loại học lực từng môn, các môn cũng như thi tốt nghiệp tiểu học.

Giai đoạn 2: Quyết định số 30/2005/QĐ-BGD&ĐT, ngày 30/9/2005 về việc ban hành quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Sau đó, Quyết định này phát triển, bổ sung thành Thông tư số 32/2009/TT-BGD&ĐT, ngày 27/10/2009, về việc ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học. Giai đoạn này có bước phát triển đi lên về quan điểm đánh giá và đã tiếp cận phương pháp đánh giá đổi mới. Chú trọng đánh giá thường xuyên bằng hình thức nhận xét để giúp đỡ, khuyến khích động viên học sinh học tập tiến bộ không ngừng. Không đánh giá bình quân chung về học lực các môn học. Tiếp tục duy trì đánh giá 9 hoặc 11 môn học ở tiểu học. Vẫn coi trọng đánh giá bằng kiểm tra viết cho điểm số thang 10, tuy nhiên quá trình tính toán xếp loại học lực đơn giản hơn so với giai đoạn trước. Ưu điểm của giai đoạn này là bỏ thi tốt nghiệp ở tiểu học. Duy trì khen thưởng học sinh theo các tiêu chí cụ thể và chặt chẽ.

Giai đoạn 3: Thông tư số 30/2014/TT-BGD&ĐT, ngày 28/8/2014, về việc ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học. Tiếp tục điều chỉnh thành Thông tư số 22/2016 và hiện nay hoàn thiện và áp dụng rộng rãi Thông tư số 27/2020/TT-BGD&ĐT, từ ngày 20/10/2020 để đánh giá học sinh tiểu học. Có thể nói giai đoạn này, việc đổi mới đánh giá học sinh là triệt để nhất và cũng phù hợp nhất với quan điểm đánh giá hiện đại. Theo đó, không còn khái niệm cũng như phân chia riêng biệt đánh giá học lực, hạnh kiểm mà đánh giá tổng hợp chung về hình thành, phát triển nhân cách toàn diện của học sinh. 

Có 3 nội dung đánh giá: Đánh giá quá trình học tập; đánh giá biểu hiện năng lực của học sinh; đánh giá biểu hiện phẩm chất của học sinh. Có 2 hình thức kiểm tra để đánh giá: Đánh giá thường xuyên và định kỳ; trong đó hình thức đánh giá thường xuyên bằng nhận xét là chủ yếu. Các nội dung đánh giá chỉ phân chia thành 2 mức: Đạt, Chưa đạt. Với cách làm này, đánh giá học sinh là ghi nhận sự tiến bộ, không phân loại và xếp loại học sinh một cách cố định như các lần đánh giá giai đoạn trước. Vì sự tiến bộ của học sinh - đó là mục tiêu tối quan trọng của đánh giá theo quy định này. Ngoài đánh giá quá trình học tập, học sinh tiểu học còn được phát hiện, thúc đẩy và phát triển năng lực, phẩm chất - đây cũng chính là xu thế của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Việt Nam. 

Tiết học Tin học của HS Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội). Ảnh: Thiên Thanh
Tiết học Tin học của HS Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội). Ảnh: Thiên Thanh

Hiểu rõ học sinh khi đánh giá

Đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh thực chất là đánh giá quá trình hình thành và phát triển các kỹ năng, hành vi thể hiện của học sinh. Công việc này mới, rất khó và cần sự chuyên cần, tỉ mỉ, công phu của những người tham gia. Nó đòi hỏi kỹ năng riêng của giáo viên, cái tâm sáng của nhà giáo và sự hợp tác có hiệu quả của tất cả thành viên trong nhóm chuyên môn, đứng đầu là hiệu trưởng nhà trường. 

Thông thường có 2 hình thức đánh giá năng lực của học sinh. Đánh giá thông qua quá trình dạy học các môn học/hoạt động giáo dục diễn ra trên lớp hoặc ngoài trường học. Để thực hiện theo hình thức đánh giá này, trước hết các trường phải dựa vào 10 nhóm năng lực chung của Bộ GD&ĐT để cụ thể chuẩn đầu ra năng lực của môn học/hoạt động giáo dục. Nghĩa là mỗi giáo viên có sẵn một bảng nội dung dạy/giáo dục học cơ bản cùng với hệ thống các kỹ năng, hành vi, chứng cứ tương ứng để dựa vào đó tra cứu, đánh giá học sinh. Đây là hình thức chủ yếu để đánh giá năng lực, vì biểu hiện năng lực của học sinh dễ nhận thấy và được xuất hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình dạy học, giáo dục.

Hình thức đánh giá thứ 2 là thông qua quan sát biểu hiện các hành vi năng lực của học sinh. Giáo viên dựa vào các chứng cứ đã được cụ thể hóa, phát triển từ 10 nhóm năng lực chung của Bộ GD&ĐT, dùng làm cơ sở để quan sát và đánh giá học sinh. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin qua quan sát các nhóm năng lực không nhất thiết phải thực hiện với tất cả chứng cứ, hoặc áp dụng cho mọi học sinh trong lớp mà chỉ cần tập trung vào những năng lực nổi trội, hoặc những yếu tố mà giáo viên chưa xác định rõ mức độ năng lực của một số học sinh.

Đối với đánh giá phẩm chất học sinh, thực chất là chú trọng đánh giá nội tâm, phẩm giá của học sinh được dựa theo 5 nhóm phẩm chất của Bộ GD&ĐT đã quy định. Điều này trong thực tế rất khó làm, vì vậy nhà trường hướng dẫn giáo viên chỉ cần đạt tới mục tiêu là nhìn nhận sơ bộ ban đầu về hình thành nhân cách một học sinh vào một thời điểm. Các hình thức để đánh giá phẩm chất học sinh phổ biến thường là:

Quan sát biểu hiện của học sinh mà giáo viên nhìn thấy được; tổ chức thực nghiệm nhằm chủ động làm bộc lộ tính cách học sinh; phỏng vấn, đàm thoại, giao tiếp giữa các giáo viên để phán đoán tình cảm hay tâm lý, nội tâm của học sinh trong mỗi lớp; nghiên cứu sản phẩm hoạt động của học sinh, đây chính là nghiên cứu thế giới tâm lí của các em được biểu hiện trong đó; đo lường xã hội, nhằm nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa các học sinh và vị trí, vai trò của các em trong nhóm bạn hay trong lớp học, trong trường và cộng đồng.

HS Trường Tiểu học Ban Mai (Hà Đông - Hà Nội) trong thư viện. Ảnh: Thiên Thanh
HS Trường Tiểu học Ban Mai (Hà Đông - Hà Nội) trong thư viện. Ảnh: Thiên Thanh

Giáo viên phải đổi mới

Đánh giá quá trình học tập của học sinh thông qua nhận xét là cách đánh giá rất mới, khác so với hình thức đánh giá cũ khi mà giáo viên chỉ dựa hoàn toàn vào điểm số qua các bài kiểm tra. Thực tế ở những nước phát triển, sĩ số lớp học trên dưới 20 học sinh, giáo viên chỉ tập trung vào chuyên môn nên hiểu học sinh rất kỹ, “nắm” rõ từng em. Từ đó, giáo viên thường có những nhận xét rất sâu sắc về học sinh, nêu được đặc điểm của từng em, giúp học sinh biết phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của mình trong quá trình học tập. 

Trên thực tế, vẫn có những giáo viên còn lúng túng khi triển khai đổi mới kiểm tra, đánh giá; đặc biệt là các kĩ thuật thu thập chứng cứ, quan sát và nhận xét. Vì vậy, hiệu quả đánh giá bằng hình thức mới chưa cao, đâu đó vẫn còn mang tính đối phó, chiếu lệ.

Đánh giá bằng nhận xét không có nghĩa là yêu cầu giáo viên phải ghi chép và phải thiết lập một hệ thống hồ sơ, sổ sách để nhận xét. Làm tốt điều này, cần sự tinh tế, nhạy cảm của giáo viên thông qua lời nói và hành vi biểu hiện của học sinh mà nhận xét đánh giá. Các hình thức kiểm tra đánh giá sẽ đa dạng như: Hỏi đáp, viết, thuyết trình, đánh giá bằng sản phẩm học tập. Đồng thời, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá học sinh. Đây thực sự là thách thức không nhỏ cho đội ngũ giáo viên, nhưng các thầy cô phải làm được vì yêu cầu tất yếu của đổi mới giáo dục.

Cần chú ý rằng, những chứng cứ đưa ra để đánh giá sự thể hiện của học sinh cần ở mức độ thấp nhất về năng lực. Giáo viên dựa vào mức độ này để nhận xét học sinh có năng lực ở mức độ cao hơn. Riêng học sinh cấp tiểu học còn non nớt, nhất là học sinh lớp 1, 2, 3, chưa bộc lộ rõ các khả năng, năng lực, nên việc đưa ra chứng cứ ở mức thấp nhất sẽ thuận lợi cho giáo viên khi phát hiện, nhận xét, đánh giá học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.