Xuân đến với trò vùng “rốn lũ”

GD&TĐ - Đặt chân đến những trường học vùng “rốn lũ” ven sông Ngàn Sâu (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), chúng tôi nhận ra ở đây tín hiệu xuân đã về với thầy trò nơi đây.

Xuân đến với trò vùng “rốn lũ”

Xuân sớm sau lũ

Từ Hà Linh ngược lên Hương Liên, từ vùng “rốn lũ” Phương Mỹ đến Hương Trạch, nhân dân đang khắc phục những hậu quả của lũ chồng lũ. Những con đường mới hoàn thành, những quãng sạt lở được kè đá, những ngôi nhà mới xây và đặc biệt, dọc hai bên bãi bờ sông Ngàn Sâu, cải lên xanh ngăn ngắt. Những vườn gió trầm, những vườn bưởi Phúc Trạch đã hồi sinh trở lại.

Phải vất vả qua quãng đường đang rải đá đổ bê tông, chúng tôi đến Trường THCS Phương Điền. Đây là trường học của con em hai xã Phương Điền và Phương Mỹ, vùng “rốn lũ” chịu nhiều thiệt hại do 2 trận lũ liên tiếp vùa qua.

Những tường rào bị đổ, những mái ngói nước mưa tràn vào làm hư hỏng thiết bị đồ dùng dạy học đang được khắc phục, sửa chữa. Cô Phan Thị Thúy Ngân - Hiệu trưởng - phấn khởi cho biết:

“Sau lũ, nhà trường được Ngân hàng hàng hải hỗ trợ 1,3 tỷ đồng xây mới, chỉnh trang khuôn viên, hàng rào, lát gạch sân trường, xây dựng cổng trường và tu sửa các phòng học cho học sinh.

Hiện nay, thợ đang tích cực xây dựng. Dự tính đến ngày 25 tháng Chạp, công trình sẽ hoàn thành. Sang năm mới, trường học sẽ khang trang đẹp đẽ”.

Trường học Ngàn Sâu nơi đây chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ chồng lũ vừa qua. Khác với những ngày sau lũ, bây giờ đến bất cứ trường nào cũng ngăn nắp sạch sẽ.

Những cây bàng đỏ ối, sắp trút hết lá, những cây xà cừ mơn mởn xanh tươi và đặc biệt là những bồn hoa đã chúm chím những sắc vàng, đỏ.

Qua cầu Tân Dừa, chúng tôi đến Trường Mầm non Tân Dừa. Đây là một trong 4 điểm trường MN xã Hương Trạch. Trận đại hồng thủy vừa qua, Trường MN Tân Dừa bị nhấn chìm trong nước lũ.

Tất cả dụng cụ dạy học, đồ chơi của trẻ, dụng cụ tập đoàn, bán trú tại điểm này hoặc là bị lũ cuốn trôi, hoặc là bị nhấn chìm trong bùn non. Nhiều cô giáo đã khóc khi chứng kiến cảnh này.

Cô Lê Thị Hải Yến - Hiệu trưởng- cho biết: “ Sau lũ, chúng em nghĩ không biết bao giờ mới khắc phục được hậu quả lũ lụt. Trường đóng tại địa phương vô vàn khó khăn. Khó khăn lớn nhất là phụ huynh nghèo. Cho nên công tác xã hội hóa rất khó.

Nhưng sau lũ, nhà trường được rất nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cưu mang giúp đỡ về vật chất và tinh thần vô cùng hiệu quả nên cơ sở vật chất của trường sau lũ được các nhà tài trợ trang bị căn bản, hiện đại đầy đủ mà trước lũ chúng em có mơ cũng không được”.

Thầy Trần Đình Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT Hương Khê - cho biết: “Khác với những năm trước, đợt lũ này, có những tổ chức cá nhân đã trực tiếp nắm bắt được thông tin thiệt hại từ các trường chi tiết, chính xác, nên tài trợ đúng mục đích, đúng địa chỉ, ra tấm ra món.

Sau lũ, chúng tôi đã có thống kê và vô cùng cảm ơn đến các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đã cưu mang đùm bọc chúng tôi. Trong “cái rủi có cái may”, giáo dục Hương Khê được giúp đỡ trang bị căn bản và có điều kiện để thực hiện phong trào thi đua hai tốt”.

Cô Nguyễn Thị Phương - Hiệu trưởng Trường MN Hương Đô - cảm động: “Có lần trong cuộc họp cả hội đồng chúng em ước có máy chiếu để dạy cho học sinh, ước mỗi phòng học có một ti vi để dạy chương trình kismat và đặc biệt ước có được một dàn âm thanh để dạy hát cho các em, đồng nghiệp của em bảo: “Có mà đến Tết”.

Còn bây giờ Tết chưa đến, nhưng những gì mà chúng em trông mong, chờ đợi đã có và nhiều hơn thế. Nào bếp nấu, máy lọc nước đến ba cái, tủ lạnh, quạt mát, ti vi…không thiếu thứ gì phục vụ cho học tập”.

Những cánh én báo hiệu mùa xuân

Do cơ sở vật chất được đảm bảo, nên tạo mọi điều kiện để thầy cô giáo đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo Trưởng phòng GD&ĐT Hương Khê, sau lũ, các trường THCS trên địa bàn Hương Khê được UBND huyện đầu tư phòng máy vi tính”.

Đây không chỉ là điều kiện thực hành tin học, ứng dụng công nghệ thông tin thực hành dạy học mà tạo điều kiện để học sinh tham gia giải toán, thi tiếng Anh trên mạng, đảm bảo bình đẳng GD cho các vùng miền".

Cô Cao Thị Lịch - Phụ trách bếp ăn bán trú trường MN Hương Đô - phấn khởi: “ Nhờ các nhà tài trợ mà trường chúng em có đầy đủ các thiết bị hiện đại đúng tiêu chuẩn (từ bếp điện, máy lọc nước, tủ lạnh, nồi niêu, xong chảo, bát ăn, thìa ăn bằng inox phục vụ cho ăn bán trú.

Công việc phục vụ của chúng em thuận tiện, tiết kiệm công sức hơn nhiều”. Có chăn, nệm, gối, màn sạp ngủ đúng chuẩn, các cháu buổi trưa ngủ an lành, sâu giấc hơn”.

Những tín hiệu về dạy học của những trường học vùng “rốn lũ” như cánh én báo hiệu màu xuân.

“Khác với những năm trước, đợt lũ này, có những tổ chức cá nhân đã trực tiếp nắm bắt được thông tin thiệt hại từ các trường chi tiết, chính xác, nên tài trợ đúng mục đích, đúng địa chỉ, ra tấm ra món.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ