Hướng về bài thi với sự tự tin
Ngày 7/7, hơn 1 triệu thí sinh cả nước chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ về cách ứng phó với cảm giác hồi hộp, lo lắng trước thi.
Theo chuyên gia, đến thời điểm này, dù thế nào, các sĩ tử cũng nên hướng về kỳ thi và bài thi với sự tự tin. Hãy hình dung lại xem đã ôn tập và giải các dạng bài như thế nào trong thời gian qua. Mình đã làm tốt những gì, phát huy được điều gì và học được từ những sai sót nào.
Đồng thời, hãy dành thời gian suy ngẫm về những gì có thể giúp các sĩ tử thành công hơn khi làm bài, như: Đọc và quan sát kỹ, ghi chép ngay những ý tưởng chợt lóe lên, tự nhủ với bản thân, tư thế nào thoải mái nhất để ngồi làm bài thi, mình muốn làm điều gì trước khi bắt tay vào giải đề. Xác định trước những nguyên tắc thành công sẽ thực hiện trong phòng thi.
“Lên kế hoạch để ngủ thật ngon vào đêm trước ngày thi. Sáng dậy không được để đói bụng vào phòng thi, nhưng tránh ăn những thực phẩm có nhiều đường hay dầu mỡ. Bởi, những thực phẩm đó sẽ khiến các em cảm thấy khó chịu. Đừng cố gắng nhồi nhét thêm kiến thức trước ngày thi vì đường cong của sự quên sẽ khiến bạn chỉ nhớ được 33%. Tuy nhiên, để tạo cảm giác an tâm, bạn có thể liệt kê ra một danh mục những điều quan trọng và cần thiết trước vào giấy. Sau đó, đọc lướt qua chúng một chút vào buổi sáng”, PGS Nam gợi ý.
Các sĩ tử cũng được khuyến khích đến điểm thi sớm và tìm chỗ để yên lặng thư giãn. Không nên bàn bạc nói chuyện với những bạn khác, đặc biệt là những bạn đang lo lắng, hoặc có thái độ hay niềm tin không đúng về kỳ thi… Điều đó sẽ làm xao nhãng sự chuẩn bị của thí sinh.
PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, cha mẹ cần bảo vệ sức khoẻ tâm lý của con. |
Tập trung một cách thoải mái
“Ngay khi vào phòng thi, hãy cố gắng tập trung một cách thoải mái. Các bạn có thể nhắm mắt thư giãn hít thở. Thử một số tư thế và chọn tư thế thoải mái nhất để làm bài thi. Nếu chỗ ngồi bị chiếu sáng quá gắt hoặc thiếu sáng, các em có thể đề nghị các thầy cô giám thị hỗ trợ giải quyết. Khi nhận đề thi, hãy dành cho mình một chút thoải mái về thời gian để đọc thật kỹ yêu cầu, lên kế hoạch quỹ thời gian làm bài cho hợp lý. Viết giấy nhắc mình không dừng quá lâu ở một câu hỏi chưa thể trả lời”, chuyên gia chia sẻ.
Trong trường hợp bỗng “không thể nhớ gì”, thí sinh hãy viết tiếp một điều gì đó khác ra giấy nháp. Việc tiếp tục viết sẽ giúp liên kết và nhớ lại những gì bị quên một cách nhanh hơn. Cũng theo PGS Nam, các thí sinh hãy tranh thủ những lúc phải dừng lại suy nghĩ để thay đổi tư thế cho dễ chịu hơn. Nhờ đó, giúp tăng tuần hoàn máu, tăng cường oxy lên não để tỉnh táo hơn. Cảm giác dễ chịu về thân thể cũng giúp thí sinh dễ hồi tưởng những gì đã học hơn.
“Trong trường hợp bỗng thấy quá căng thẳng và lo lắng khi đang làm bài thi, cách tốt nhất là tự nhủ tích cực: “Thoải mái đi, mình vẫn đang kiểm soát được mọi việc mà”. Hãy hít thở thật sâu, thở ra thật chậm. Sau đó, nghĩ về bước tiếp theo mình sẽ thực hiện là gì. Đó có thể là tiếp tục giải quyết vấn đề này hay tìm một câu hỏi khác để bắt đầu”, PGS Nam nói.
Theo chuyên gia này, sĩ tử hãy nhớ về những thành công trước đây khi giải các câu hỏi khó. Hãy kiên trì với những nguyên tắc thành công đã vạch ra. Hãy tự nhủ rằng, điều này dẫu có nhỏ đến đâu thì cũng đang giúp các em lát những viên gạch tiến tới thành công. Đồng thời, tự động viên bản thân bằng những suy nghĩ tích cực như: “Kết quả thế nào cũng không sao, miễn là tôi đã cố gắng hết sức”…
PGS Trần Thành Nam chia sẻ, cha mẹ là người đồng hành quan trọng nhất bên trẻ. Do đó, bên cạnh việc cần phải kiểm soát chính lo lắng của mình về kỳ thi hay kết quả, cha mẹ cũng cần bảo vệ sức khỏe tâm lý của con. Đồng thời, chuẩn bị sự tự tin tốt nhất cho con. Vì thế, ở thời điểm này, phụ huynh nên bớt nói về kỳ thi. Đồng thời, không để con tiếp xúc quá nhiều thông tin, cuộc chuyện trò về số lượng đăng ký thi, bình luận về định hướng hay giới hạn nội dung…
“Hãy để con bày tỏ cảm xúc và chấp nhận cảm xúc của con. Bình thường hóa nỗi lo mà bất cứ ai cũng có và nhìn ra những khía cạnh tích cực của nỗi lo. Qua đó, dạy con cách kiểm soát cảm xúc của mình, như cùng thực hành với con kỹ năng hít thở sâu. Hướng dẫn con ngắt mạch lo âu để đem sự chú ý về hiện tại bằng cách kể tên 5 đồ vật con nhìn thấy trong phòng, 4 vật có thể cảm nhận qua động chạm, 3 âm thanh nghe được tại thời điểm này để định hướng tập trung chú ý của bản thân”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.