Thông tin tới Báo GD&TĐ, lãnh đạo tỉnh Nam Định cho biết đã chỉ đạo UBND huyện Ý Yên về những vấn đề liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong quá trình công tác của Trưởng phòng GD&ĐT Phạm Mạnh Tuân.
Đã dừng luân chuyển công tác
Trước đó, Báo GD&TĐ có loạt bài viết, phản ánh về những dấu hiệu sai phạm trong quá trình công tác của ông Phạm Mạnh Tuân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên. Theo phản ánh, việc làm này của ông Tuân đã diễn ra suốt nhiều năm, nhưng không bị phát hiện, ngăn chặn, tạo ra tâm lý bức xúc cho đội ngũ nhà giáo.
Ngày 18/5/2023, UBND huyện Ý Yên có Văn bản số 450/UBND-NV gửi các cơ quan ban, ngành về việc đề xuất chuyển đổi vị trí công tác đối với Trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện. Theo nội dung văn bản, UBND huyện Ý Yên đề xuất chuyển công tác đối với ông Phạm Mạnh Tuân - Huyện ủy viên, Trưởng phòng GD&ĐT Ý Yên đến công tác tại Phòng GD&ĐT huyện Nam Trực.
Ngày 26/5, trao đổi với Báo GD&TĐ về nội dung văn bản, ông Nguyễn Sinh Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên, cho biết quy trình luân chuyển công tác của ông Tuân đã được dừng lại và chờ xem xét.
“Nội dung văn bản được huyện họp bàn vào trước thời điểm có phản ánh, tuy nhiên, khi có thông tin báo chí đưa tin về các nội dung thể hiện dấu hiệu sai phạm của ông Tuân thì huyện đã dừng lại, chờ báo cáo cụ thể”, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên thông tin.
Ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường giáo dục
Bà Nguyễn Thị Hà, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV. |
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV, những dấu hiệu sai phạm của Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên (Nam Định) đang trong quá trình thanh tra. Với trường hợp này, các cơ quan chức năng cần khẩn trương xác minh thông tin, làm rõ các nội dung tố cáo để nhân dân nắm được và có hình thức xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng nêu quan điểm, với những nội dung tố cáo (nếu có), chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường giáo dục và dẫn đến dư luận xấu về uy tín của ngành Giáo dục huyện Ý Yên nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung.
“Là một người quản lý giáo dục, cần có hiểu biết rộng, vững vàng kiến thức chuyên môn, năng lực quản lý. Họ phải có trách nhiệm với vị trí công tác và có tâm với ngành Giáo dục. Người quản lý giáo dục cần là tấm gương về việc học tập, bồi dưỡng thường xuyên và rèn luyện phẩm chất đạo đức, đại biểu Hà nhìn nhận.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đưa ra lời khuyên, người dân và cán bộ giáo viên, nhân viên trường học cần dũng cảm phản ánh, cung cấp đầy đủ các bằng chứng liên quan đến sai phạm để làm căn cứ cho cơ quan chức năng tiếp nhận, điều tra vụ việc. Đồng thời, người dân nên giám sát tiến độ xác minh, giải quyết vụ việc của các cơ quan thanh tra, kiểm tra để có thông tin kịp thời.
Xử lý hình sự nếu đủ căn cứ
Luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng. |
Trước đó, theo cô N.V.T., giáo viên một trường mầm non trên địa bàn huyện Ý Yên, vào kì thi tuyển công chức trước khi về làm việc tại đơn vị hiện nay, mặc dù toàn bộ bài thi đều do mình tự thực hiện, nhưng cô vẫn bị ông Phạm Mạnh Tuân, gọi lên phòng làm việc trách mắng do không “biết điều” . Ông Tuân cho rằng cô T. trúng tuyển công chức là do có sự “can thiệp” của ông.
Cùng đó, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên có dấu hiệu lợi dụng chức vụ để bà Lâm Thị Hải Yến (hộ kinh doanh cá thể) ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị giáo dục với 30/30 trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Ý Yên từ năm 2021 đến nay.
Việc ký kết này chỉ nhằm hợp thức hóa thủ tục giấy tờ chứ không hề có việc bà Yến cung cấp thiết bị vào trường học mà do một hộ kinh doanh khác có địa chỉ tại TP Nam Định cung cấp.
Việc ký kết hợp đồng giữa các trường mầm non với bà Lâm Thị Hải Yến có dựa trên cơ sở uy tín hay chất lượng của thiết bị hay không? Liệu có hay không “thế lực” đằng sau thao túng các trường mầm non đặt bút ký khi không nắm rõ được chất lượng sản phẩm? Những nội dung trên đang được cơ quan hữu trách huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định làm rõ.
Thời điểm hiện tại, các trường mầm non trên địa bàn huyện Ý Yên do chưa có cán bộ kế toán nên việc thu chi đều nằm dưới sự quản lý của Phòng GD&ĐT huyện.
Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật Tinh Thông, đánh giá, trước khi cung cấp thiết bị vào các trường mầm non, các sản phẩm thiết bị cần được rà soát, kiểm tra chất lượng nhằm đảm bảo an toàn và đáp ứng về mặt tiêu chuẩn.
“Nếu quá trình xác minh những mặt hàng là sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, hàng lậu được cung cấp vào các trường mầm non thì chủ thể vi phạm và những người có liên quan sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự”, luật sư Bình nói.
Luật sư Bình cho rằng, sau quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có đủ căn cứ cấu thành tội phạm thì tùy vào tính chất mức độ sai phạm của việc mua bán hóa đơn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế hoặc tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.
Luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, cho rằng sự việc cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan có thẩm quyền để xác minh thông tin, làm rõ sự việc nhằm đảm bảo các hoạt động cần được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
“Việc cố ý vi phạm các tiêu chuẩn, chất lượng đồ dùng, đồ chơi cho trẻ không chỉ là câu chuyện vi phạm quy định pháp luật. Sự việc này còn nhắc nhở về đạo đức, trách nhiệm trong kinh doanh và trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định lựa chọn đơn vị cung cấp đối với thế hệ tương lai của đất nước.
Nếu sai phạm xảy ra, cần nghiêm túc xử lý để đảm bảo chất lượng cuộc sống, an toàn cho trẻ nhỏ và giảm tình trạng thất thoát ngân sách Nhà nước”, luật sư Hậu cho biết.