Xử lý hình sự 'vụ Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên' nếu đủ căn cứ

GD&TĐ - Nếu việc cung cấp thiết bị cho 30 trường mầm non ở huyện Ý Yên, Nam Định có sai phạm, tuỳ mức độ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ.

Hộ kinh doanh cá thể của bà Lâm Thị Hải Yến tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Hộ kinh doanh cá thể của bà Lâm Thị Hải Yến tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Theo đánh giá của luật sư, việc cố ý vi phạm (nếu có) các tiêu chuẩn, chất lượng đồ dùng, đồ chơi cho trẻ không chỉ là câu chuyện vi phạm pháp luật, mà còn là vấn đề đạo đức của người có thẩm quyền trong việc lựa chọn nhà cung cấp.

Đã giải trình với thanh tra

Liên quan những dấu hiệu sai phạm của ông Phạm Mạnh Tuân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, trao đổi với Báo GD&TĐ sáng 22/5, ông Nguyễn Văn Đức, Chánh Thanh tra huyện Ý Yên, cho biết, đơn vị đã làm việc với người bị tố cáo và bước đầu đã có kết quả.

“Hiện nay, phía thanh tra huyện đã làm việc với ông Tuân và ông Tuân đã có báo cáo giải trình. Cụ thể nội dung giải trình chưa thể cung cấp cho cơ quan báo chí cho đến khi có kết luận rõ ràng sự việc.

Tới đây, thanh tra huyện sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để tiếp tục xác minh. Chúng tôi cũng rất muốn có những thông tin đa chiều để xử lý sự việc thật nhanh và chính xác”, Chánh Thanh tra huyện Ý Yên thông tin.

Theo ông Đức, đối với các nội dung Báo GD&TĐ phản ánh, thẩm quyền của cơ quan Thanh tra huyện Ý Yên tới đâu sẽ xác minh sự việc đến đó. Nếu ngoài thẩm quyền sẽ chuyển sang đơn vị có chức năng cụ thể để tiếp tục kiểm tra.

Có thể xử lý hình sự

Liên quan đến nội dung phản ánh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên có dấu hiệu lợi dụng chức vụ để bà Lâm Thị Hải Yến (hộ kinh doanh cá thể) ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị giáo dục với 30/30 trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Ý Yên từ năm 2021 đến nay.

Việc ký kết này chỉ nhằm hợp thức hóa thủ tục giấy tờ chứ không hề có việc bà Yến cung cấp thiết bị vào trường học mà do một hộ kinh doanh khác có địa chỉ tại TP Nam Định cung cấp.

Việc ký kết hợp đồng giữa các trường mầm non với bà Lâm Thị Hải Yến có dựa trên cơ sở uy tín hay chất lượng của thiết bị hay không? Liệu có hay không “thế lực” đằng sau thao túng các trường mầm non đặt bút ký khi không nắm rõ được chất lượng sản phẩm?

Hiện nay các trường mầm non trên địa bàn huyện Ý Yên do chưa có cán bộ kế toán nên việc thu chi đều nằm dưới sự quản lý của Phòng Giáo dục huyện.

Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật Tinh Thông, đánh giá, trước khi cung cấp thiết bị vào các trường mầm non, các sản phẩm thiết bị cần được rà soát, kiểm tra chất lượng nhằm đảm bảo an toàn và đáp ứng về mặt tiêu chuẩn.

“Nếu quá trình xác minh những mặt hàng là sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, hàng lậu được cung cấp vào các trường mầm non thì chủ thể vi phạm và những người có liên quan sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự”, luật sư Bình nói.

Luật sư Bình cho rằng, sau quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có đủ căn cứ cấu thành tội phạm thì tùy vào tính chất mức độ sai phạm của việc mua bán hóa đơn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế hoặc tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng.

Luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng.

Cùng quan điểm, luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, cho rằng sự việc cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan có thẩm quyền để xác minh thông tin, làm rõ sự việc nhằm đảm bảo các hoạt động cần được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

“Việc cố ý vi phạm các tiêu chuẩn, chất lượng đồ dùng, đồ chơi cho trẻ không chỉ là câu chuyện vi phạm quy định pháp luật. Sự việc này còn nhắc nhở về đạo đức, trách nhiệm trong kinh doanh và trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định lựa chọn đơn vị cung cấp đối với thế hệ tương lai của đất nước.

Nếu sai phạm xảy ra, cần nghiêm túc xử lý để đảm bảo chất lượng cuộc sống, an toàn cho trẻ nhỏ và giảm tình trạng thất thoát ngân sách Nhà nước”, luật sư Hậu cho biết.

Trước đó, Báo GD&TĐ có bài viết phản ánh việc ông Phạm Mạnh Tuân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên (Nam Định) có dấu hiệu thể hiện hành vi lạm dụng chức quyền, dọa nạt giáo viên.

Theo phản ánh, những dấu hiệu sai phạm của ông Tuân trong quá trình công tác đã diễn ra suốt nhiều năm nhưng không bị phát hiện, ngăn chặn, tạo ra tâm lý bức xúc cho đội ngũ nhà giáo đã nhiều năm công tác trong ngành.

Theo cô N.V.T., giáo viên một trường mầm non trên địa bàn huyện Ý Yên, vào kì thi tuyển công chức trước khi về làm việc tại đơn vị hiện nay, mặc dù toàn bộ bài thi đều do mình tự thực hiện, nhưng cô T. vẫn bị ông Phạm Mạnh Tuân, gọi lên phòng làm việc trách mắng do không “biết điều” và cho rằng cô T. trúng tuyển công chức là do có sự “can thiệp” của ông Tuân.

Ngay sau buổi gặp mặt, cô T. đã gặp rất nhiều khó khăn với các đồng nghiệp trong quá trình công tác tại trường: “Thật sự tôi rất buồn, bản chất không có sự chỉ đạo trực tiếp của ông Tuân, nhưng khi về trường làm việc, kể từ sau buổi nói chuyện, trong suốt một khoảng thời gian dài tôi đều bị các giáo viên trong trường ghét bỏ, xa lánh. Vì đó, tôi có tâm lý hoang mang, lo sợ mỗi khi đi làm”, cô T. cho biết.

Sự việc đang được dư luận quan tâm, những vấn đề đang rất cần được cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Ý Yên vào cuộc làm rõ. Nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ