Thanh tra vụ Trưởng phòng GD&ĐT ở Nam Định bị tố cáo

GD&TĐ - Báo GD&TĐ lược trích file ghi âm cuộc nói chuyện được cho là của ông Phạm Mạnh Tuân và cô giáo N.V.T. (xin được viết tắt tên).

Trụ sở Phòng GD&ĐT huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Trụ sở Phòng GD&ĐT huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

“Cái việc em thi như thế nào thầy biết hết chứ không phải là không đâu. Thầy là chủ khảo, em làm như thế nào? Em sửa như thế nào… nhé? Thầy không nói cho em biết, nhưng tất cả mọi cái thầy làm vẫn tiếp tục giúp để em đỗ…” - lời được cho là của ông Phạm Mạnh Tuân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên (Nam Định) khi trao đổi “công việc” với cô giáo N.V.T. (file tài liệu ghi âm bạn đọc cung cấp).

Dọa dẫm chuyển giáo viên đi trường khác

Báo GD&TĐ số 112, ra ngày 11/5 có bài viết về việc ông Phạm Mạnh Tuân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên (Nam Định) có dấu hiệu thể hiện hành vi lạm dụng chức quyền, dọa nạt giáo viên.

Ngày 16/5, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Sinh Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên, Nam Định, cho biết, UBND huyện đã giao cho Thanh tra huyện tiến hành xác minh thông tin.

“Vì có đơn thư nên sẽ tiến hành xác minh theo đơn, bên phía Thanh tra huyện đang làm các bước. Đối với người bị tố cáo là anh Tuân (ông Phạm Mạnh Tuân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên) sẽ yêu cầu giải trình làm rõ những gì cần xác minh”, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên thông tin.

Theo phản ánh, những dấu hiệu sai phạm của ông Tuân trong quá trình công tác đã diễn ra suốt nhiều năm nhưng không bị phát hiện, ngăn chặn, tạo ra tâm lý bức xúc cho đội ngũ nhà giáo đã nhiều năm công tác trong ngành.

Báo GD&TĐ lược trích file ghi âm cuộc nói chuyện được cho là của ông Phạm Mạnh Tuân và cô giáo N.V.T. (xin được viết tắt tên).

Mở đầu cuộc nói chuyện, giọng nam giới - được cho là ông Tuân - hỏi cô T. “Ngày xưa em biết em đỗ ở thị trấn này là ai giúp em không? Em không biết à? Chị em không nói với em là chị em nhờ ông… à? Em không biết à? Thật sự không biết? Không biết gì cả? Vừa rồi đi thi có làm được bài không?”.

Sau khi cô T. trả lời không biết về việc ai giúp mình, người đàn ông tiếp tục trách mắng: “Thế trước đấy em được chuyển vào trường thị trấn em không biết là ai giúp em à? Thứ nhất là phải ăn nói cho cẩn thận, tới đây là em biết em đỗ rồi chứ gì? Nguyện vọng muốn ở thị trấn hay đi trường khác? Hay là chuyển sang trường khác? Em làm công tác ở đây phải cho cẩn thận”.

“Từ cái việc nói năng, tiếp đến là cách sống trong tập thể ở đây phải chú ý. Tôi nghe nhiều giáo viên nói cách cư xử của em với giáo viên trong trường... Để thầy xem xét, không phải em ở thị trấn thì em đỗ là em ở thị trấn đâu. Hôm nay thầy nhắc cho em nhớ và phải làm việc, nói năng, cư xử với mọi người cho đúng mực. Không phải dương oai, cậy mình vì không biết ai giúp em...”, người đàn ông nói.

Trong đoạn hội thoại, người đàn ông cũng khẳng định rằng việc cô T. đỗ công chức là do mình nhắm mắt cho qua: “Cái việc em thi như thế nào thầy biết hết chứ không phải là không đâu. Thầy là chủ khảo, em làm như thế nào? Em sửa như thế nào… nhé? Thầy không nói cho em biết, nhưng tất cả mọi cái thầy làm vẫn tiếp tục giúp để em đỗ đấy nhé. Không phải em nói là không biết gì cả đâu? Cái việc đó, nếu hôm nay thầy không gọi em lên không bao giờ thầy nói”.

Theo cô N.V.T., ngay sau buổi gặp mặt, cô đã gặp rất nhiều khó khăn với các đồng nghiệp trong quá trình công tác tại trường: “Thật sự tôi rất buồn, bản chất không có sự chỉ đạo trực tiếp của ông Tuân, nhưng khi về trường làm việc, kể từ sau buổi nói chuyện, trong suốt một khoảng thời gian dài tôi đều bị các giáo viên trong trường ghét bỏ, xa lánh. Vì đó, tôi có tâm lý hoang mang, lo sợ mỗi khi đi làm”, cô T. buồn bã nói.

Cần điều tra việc mua bán thiết bị giáo dục

Cũng liên quan nội dung phản ánh Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, tạo điều kiện để bà Lâm Thị Hải Yến (hộ kinh doanh cá thể) ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị giáo dục với 30/30 trường mẫu giáo trên địa bàn huyện từ năm 2021 đến nay.

Song, việc ký kết này chỉ nhằm hợp thức hóa thủ tục giấy tờ chứ không hề có việc bà Yến cung cấp thiết bị vào trường học mà do một hộ kinh doanh khác có địa chỉ tại TP Nam Định cung cấp.

Lần theo những thông tin, phóng viên Báo GD&TĐ đã có mặt tại địa chỉ bán thiết bị giáo dục trên đường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định. Đây được cho là cơ sở cung cấp đồ dùng vào các trường thay bà Lâm Thị Hải Yến.

Trong vai người có nhu cầu mua thiết bị, phóng viên được người đàn ông tên Đ., chủ cửa hàng giới thiệu, các sản phẩm thiết bị ở đây được lấy từ nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TPHCM... thậm chí là Trung Quốc.

Ông Đ. cũng chia sẻ, hiện nay đang cung cấp thiết bị cho nhiều đơn vị, trong đó có các trường mầm non thuộc huyện Ý Yên. Điều đặc biệt, tại huyện Ý Yên, việc cung cấp phải qua Công ty Hải Yến… do không thể xuất hóa đơn đỏ (hóa đơn giá trị gia tăng).

“Công ty đấy người ta đứng ra làm việc với Phòng GD&ĐT chứ mình không được làm việc trực tiếp vì mình không xuất được hóa đơn… nên có sự chênh lệch giá”, ông Đ. nói.

“Ngày xưa mình vẫn bán trực tiếp cho trường vì thời điểm đó hóa đơn dễ xử lý, sau khi Công ty Thuận Thành nhảy vào một thời gian rồi đến Công ty Hải Yến ở thị trấn Lâm thì mình phải phụ thuộc vào họ”, ông Đ. cho biết thêm.

Việc ký kết hợp đồng giữa các trường mầm non với bà Lâm Thị Hải Yến có dựa trên cơ sở uy tín hay chất lượng của thiết bị hay không? Liệu có hay không “thế lực” đằng sau thao túng khiến các trường mầm non phải đặt bút ký khi không nắm rõ được chất lượng sản phẩm?

Mặt khác, thời điểm hiện tại các trường mầm non trên địa bàn huyện Ý Yên do chưa có cán bộ kế toán nên việc thu chi đều nằm dưới sự quản lý của Phòng GD&ĐT huyện.

Những vấn đề này cần được cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định vào cuộc điều tra làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ