Xử lý nghiêm xe đi sai làn thu phí không dừng

GD&TĐ - Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông xử nghiêm phương tiện đi sai làn thu phí ETC để khuyến khích chủ phương tiện dán thẻ thu phí tự động không dừng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai Công điện số 155/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ triển khai dán thẻ định danh dịch vụ thu phí điện tử không dừng (ETC).

Tại Công điện 155/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho biết, đến nay số xe dán thẻ định danh để sử dụng dịch vụ ETC còn thấp (đạt khoảng 50% số xe trên toàn quốc), điều này chưa phát huy tốt hiệu quả của hệ thống thu phí theo hình thức ETC.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam đồng bộ, chia sẻ dữ liệu phương tiện xe cơ giới để hỗ trợ quá trình vận hành hệ thống thu phí ETC. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về việc dán thẻ định danh cho các phương tiện và lợi ích của dự án để tạo sự đồng thuận của xã hội.

Các nhà đầu tư dự án BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí được yêu cầu hoàn thiện thủ tục liên quan đến hệ thống thu phí điện tử không dừng trước ngày 30/4/2022. Các nhà cung cấp dịch vụ thu phí khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập trong quá trình vận hành hệ thống.

Tổng cục Đường bộ sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị khi xảy ra lỗi kỹ thuật, gây ùn tắc, khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Đặc biệt, để khuyến khích các phương tiện dán thẻ, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các đơn vị phối hợp với Cục CSGT tăng cường phân luồng giao thông, xử nghiêm các phương tiện đi sai làn thu phí ETC tại trạm thu phí.

Liên quan đến tiến độ thực hiện thí điểm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ có thu phí không dừng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết định triển khai thí điểm.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến hết năm 2021, cả nước mới có hơn 2,3 triệu trong tổng số gần 5 triệu phương tiện trên cả nước dán thẻ thu phí không dừng (ETC), trong số này lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 65%.

Để đẩy nhanh tiến độ dán thẻ, ngày 7/3, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; các nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT triển khai Công điện số 155 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai dán thẻ định danh dịch vụ thu phí điện tử không dừng.

Để phát huy hiệu quả hệ thống thu phí theo hình thức ETC, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công, mới đây Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.

Theo quy định hiện hành, người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.