Xu hướng phát triển bền vững đô thị của Việt Nam

GD&TĐ - Muốn phát triển bền vững đô thị Việt Nam, trước hết cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững.

Xu hướng phát triển bền vững đô thị của Việt Nam

Phát triển đô thị xanh là giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Theo Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), trong các tiêu chí về đô thị xanh, tiêu chí về chỉ tiêu diện tích cây xanh đô thị là tiêu chí hướng tới đô thị xanh có hiệu quả cao nhất để tạo nên đô thị xanh.

Hiện nay, tỷ lệ cây xanh đô thị là 2-3m2/ người, trong khi chỉ tiêu cây xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới là 20-25m2/người. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ cây xanh đô thị ở Việt Nam chỉ bằng 1/5-1/10 so với tiêu chuẩn thế giới.

Chính vì thế, quỹ đất vốn có của Việt Nam đang bị lạm dụng rất lãng phí, nếu tính đến vấn đề lâu dài, vô hình trung sẽ khiến môi trường sống bị phá vỡ.

Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là Nghị quyết riêng đầu tiên được ban hành, đánh dấu mốc quan trọng với tầm nhìn chiến lược, có tính thời đại, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với công tác quy hoạch, phát triển đô thị trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Theo đó, Nghị quyết xác định rõ vai trò, vị thế của đô thị, đô thị hóa và kinh tế đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hoá đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt hơn 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 - 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có tỷ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á.

Bên cạnh đó, xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.

Phát triển đô thị xanh là giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.

Phát triển đô thị xanh là giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.

Theo thống kê, năm 1990, cả nước mới có khoảng 500 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa vào khoảng 18%, thì đến nay, cả nước đã có 888 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 42%.

Nhiều đô thị đã được cải tạo, nâng cấp, phát triển mở rộng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn.

Trước yêu cầu phát triển, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị ra đời đã đặt ra mục tiêu là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa. Báo cáo cho thấy, hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị trung bình đạt 12% - 15%/năm. Các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn là nguồn đóng góp ngân sách lớn nhất nước, kinh tế đô thị góp khoảng 70% GDP cả nước. Riêng TP.HCM và TP.Hà Nội chiếm trên 42% tổng nộp ngân sách cả nước.

Trước đó, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, muốn phát triển bền vững đô thị Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, trước hết cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững.

Cụ thể, nhận thức rõ đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới; gắn liền quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.

Cần nắm bắt được quy luật, nhận thức đúng và đầy đủ về đặc thù của đô thị để chủ động, sáng tạo các giải pháp phát triển của địa phương.

Đồng thời, thực hiện kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới; phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị.

Trong những năm qua, quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam. Khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Tuy nhiên, thách thức của đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của đô thị. Trước thực trạng đó, việc quản lý, xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững cần được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm. Đây là xu hướng phát triển bền vững đô thị của Việt Nam và thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ