Xu hướng nghề nghiệp tự do ở giới trẻ: Góc khuất

GD&TĐ - Làm việc tự do là nghề nghiệp được xem là xu hướng mới của những người đề cao sự tự do, ghét sự gò bó của công việc văn phòng truyền thống.

Thừa nhận gặp nhiều rắc rối khi làm việc tự do, nhiều người trẻ quay trở lại công việc toàn thời gian.
Thừa nhận gặp nhiều rắc rối khi làm việc tự do, nhiều người trẻ quay trở lại công việc toàn thời gian.

Thế nhưng, đằng sau sự thoải mái, lao động tự do cũng phải đối mặt với khó khăn, áp lực riêng. Vì đó, người trẻ nên cần cân nhắc và chuẩn bị kỹ càng trước khi quyết định gia nhập thị trường lao động này.

Áp lực không tên

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu và tư vấn về các giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Anphabe, khoảng 11% nguồn nhân lực của thị trường lao động Việt Nam sẽ lựa chọn trở thành lao động tự do tính đến năm 2025, trong đó có 26% là lực lượng lao động trẻ. Dù là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn để phát triển, song mô hình làm việc này cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, nhất là khi thế hệ đi trước chưa có cái nhìn thật sự cởi mở với thị trường việc làm này.

Bà Nguyễn Thị Ánh (60 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Trước đây tôi là giáo viên dạy văn, vậy nên tôi đã định hướng cho con gái học ngành Sư phạm và ra trường cũng theo nghề mẹ đi làm giáo viên. Thế nhưng sau khi đi thực tập xong, con gái tôi đòi ở nhà dạy gia sư trực tuyến chứ không đi làm.

Tôi phản đối vô cùng, nuôi con ăn học từng đấy năm chỉ mong con có công việc ổn định, cuộc sống tốt. Vậy mà con tôi lại đòi làm việc lông bông, không có môi trường như vậy khiến tôi rất phiền lòng”. Theo bà Ánh, không nhận được sự đồng ý từ phía gia đình, con gái bà hiện đã xin việc làm tại một trường trung học phổ thông.

Có thể thấy đối với nhiều bậc phụ huynh, những người thuộc thế hệ đi trước, việc làm tự do đi ngược lại quan niệm truyền thống về sự thành công. Dưới góc nhìn của những người lớn tuổi đề cao tính chất ổn định, việc không có chức vị, không làm việc cho một công ty hay tổ chức nào là rất khó để họ đón nhận. Sẽ là một hành trình dài và không dễ dàng để những người trẻ thuyết phục, minh chứng được với cha mẹ về con đường theo đuổi sự tự do của mình.

Bên cạnh đó, những người chọn công việc này cũng phải chấp nhận rằng cái giá của sự tự do khi tách ra làm việc độc lập là sẽ không được hưởng các phúc lợi của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Không hợp đồng lao động, không có lương ngoài giờ, không thưởng ngày lễ, Tết là những điều các lao động tự do phải chấp nhận để đánh đổi tính chất thoải mái, chủ động trong công việc. Đôi khi, lao động tự do phải tự chịu trách nhiệm thiệt hại cho những dự án, giao dịch, hợp đồng không thành công.

Người làm việc tự do còn bị hạn chế trong việc kết nối với đồng nghiệp, với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Họ phải đối mặt với áp lực “đơn thương độc mã” trong hành trình phát triển bản thân. Đối với những người trẻ chịu áp lực kém, họ sẽ rất dễ quay đầu hoặc mất phương hướng trong cái thế giới tự do ấy.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Không có sự miễn phí

Sau gần nửa năm làm việc tự do, Nguyễn Quỳnh Thư (26 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định quay trở lại xin việc toàn thời gian tại một công ty quảng cáo. Bạn trẻ này cho biết, việc xin nghỉ công ty để về làm tự do hoàn toàn là một quyết định bồng bột sau khi bất đồng quan điểm với lãnh đạo. Thư hào hứng khi nghĩ tới việc không còn phải đối mặt với những cơn thịnh nộ của cấp trên. Quỳnh Thư đã mơ đến tương lai sẽ là những ngày được làm chủ mọi thứ, vừa được làm công việc thoải mái, tự do vừa có thu nhập cao vì không phải thông qua trung gian là công ty.

Thế nhưng hiện thực cuộc sống khắc nghiệt khiến Nguyễn Quỳnh Thư hoàn toàn “vỡ mộng”. Tuổi đời còn non trẻ, thiếu mối quan hệ, không có nhiều kinh nghiệm làm việc khiến Thư nhận ra cái giá của sự tự do là quá đắt. Công việc tự do khi đó đối với cô gái trẻ này chỉ là chuỗi ngày dài chờ việc, thiếu tiền và không có chế độ đãi ngộ.

Việc viết quảng cáo thuê vẫn giúp bạn trẻ này có chi phí để duy trì sinh hoạt, tuy nhiên so với mặt bằng chung của thị trường làm việc thì mức phí này hơi thấp. Không còn sự chỉ đạo của cấp trên, cũng không có sự hỗ trợ từ đội nhóm, mọi công việc Thư đều phải trao đổi trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên do kinh nghiệm làm việc còn non nớt, Thư liên tục mắc lỗi và khiến khách hàng không hài lòng.

“Không đáp ứng được tiến độ và chất lượng sản phẩm từ phía khách hàng yêu cầu thì họ chỉ làm việc với mình một lần duy nhất thôi. Hiện nay thị trường lao động tự do khá rộng mở, những công việc đơn giản thì nhân lực nhiều, không khó để các doanh nghiệp, tổ chức thuê người làm, thế nên nếu không cạnh tranh được thì rất dễ rơi vào tình trạng không có việc”, Quỳnh Thư trăn trở.

Rủi ro về pháp lý cũng là điều mà các lao động tự do cần hết sức lưu ý. Trên thực tế không ít trường hợp các lao động bị huỷ ngang hợp đồng, chậm thanh toán, thậm chí quỵt tiền lương. Lý giải điều này, TS Bùi Nguyệt Quỳnh (Phó Giám đốc vận hành Công ty TNHH Gami Lab) cho biết, việc hợp tác của các lao động tự do với phía khách hàng đôi khi chỉ thông qua thoả thuận bằng tin nhắn, cuộc gọi, email chứ rất hiếm khi ký hợp đồng dịch vụ.

Điều này dẫn đến việc các lao động tự do bị “bùng” tiền, không có điều khoản bảo vệ khi làm việc và thực hiện dịch vụ. Việc không có kinh nghiệm khiến nhiều bạn trẻ phải chịu cảnh “ngậm đắng, nuốt cay” khi gặp rắc rối về các vấn đề pháp lý.

Rõ ràng, bên cạnh những điểm mạnh của công việc không gò bó thì các lao động tự do phải chấp nhận sự thật rằng không có sự tự do nào là miễn phí. Để làm một công việc tự do về nhiều mặt đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận tự lo cho chính mình như một “nhà thầu độc lập”, tự tìm khách hàng, tự đàm phán, tự hoàn thành công việc, tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Vậy cơ hội nào cho những người trẻ chuẩn bị bước vào thị trường lao động cũng như những người mong muốn từ bỏ công việc “ổn định” để phát triển bản thân ở lĩnh vực này? Câu trả lời ở đây là sự cân đối, lựa chọn dựa trên định hình giữa được và mất của mỗi cá nhân người lao động trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cho định hướng tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ