Giới trẻ chọn nghề trong thế giới phẳng

GD&TĐ - Chịu ảnh hưởng nặng nề sau hai năm dịch Covid-19, học sinh, sinh viên trên thế giới đã thay đổi định hướng nghề nghiệp.

Nhiều sinh viên chuyển ngành học vì tác động của Covid-19.
Nhiều sinh viên chuyển ngành học vì tác động của Covid-19.

Nhiều học sinh chọn học nghề trong khi sinh viên bỏ học, đổi ngành vì không còn thấy phù hợp.

Đổi trường, đổi nghề, bỏ học

Tại Anh, để lựa chọn nghề nghiệp tương lai, học sinh, sinh viên thường cân nhắc đến ba yếu tố gồm cơ hội đào tạo và phát triển, khả năng thăng tiến trong công việc và khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đại dịch đã khiến 3 trụ cột này lung lay.

Nabilah Thagia, 17 tuổi, đang học chương trình phổ thông bậc cao A-level, cho biết: Năm lớp 10, em dự định học đại học nhưng trong thời gian nghỉ dịch, em đã suy nghĩ lại về điều mình thực sự thích. Khi đọc tin tức, em bị ấn tượng trước những đóng góp của các kỹ sư trong đại dịch như sản xuất máy thở, thiết bị bảo hộ thông minh… Do đó, em quyết định chuyển sang học nghề để vừa có bằng cấp vừa có kinh nghiệm làm việc.

Thagia đánh giá chương trình đào tạo nghề tại Anh có chất lượng tương đối cao nên không ngần ngại thay đổi định hướng cho tương lai của mình. Câu chuyện của Thagia cũng là trải nghiệm của đông đảo người trẻ Anh sau hai năm dịch Covid-19.

Năm 2021, Trung tâm hỗ trợ việc làm Prospects, trụ sở tại Anh, đã khảo sát hơn 6.500 học sinh, sinh viên tốt nghiệp nhằm tìm hiểu tác động của Covid-19 lên quyết định nghề nghiệp. Hơn 1/4 số người được hỏi tiết lộ đã thay đổi kế hoạch nghề nghiệp do đại dịch và 37% vẫn chưa chắc chắn về công việc tương lai.

Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến kết quả này. Nhiều người được truyền cảm hứng từ y, bác sĩ tham gia chống dịch nên chuyển hướng chọn ngành y. Số khác muốn rời khỏi những ngành đang gặp khó khăn như du lịch, khách sạn.

Một số học sinh phổ thông chọn học nghề thay vì học đại học để sớm bước vào thị trường lao động. 3/4 số người được hỏi cho biết từng tham khảo các chương trình đào tạo nghề.

Còn tại Mỹ, theo khảo sát của Tổ chức Giáo dục Student Voice trên 2.000 sinh viên đại học cho thấy, đại dịch tác động quan trọng trong định hướng nghề nghiệp tương lai của các em. 1/4 người được hỏi tốt nghiệp sớm hoặc muộn hơn dự kiến. 1/4 muốn thay đổi công việc sau khi tốt nghiệp trong khi 17% sinh viên đã thay đổi chuyên ngành học; 16% chuyển trường, ngành học hoặc nghỉ học.

Việc đổi ngành, đổi nghề, thậm chí là bỏ học, cũng là xu hướng chung của học sinh, sinh viên hiện nay sau 2 năm chịu tác động từ Covid-19. Tuy nhiên, không ít sinh viên nhìn nhận Covid-19 đã mang lại một điểm tích cực là các em có nhiều thời gian hơn để cân nhắc về lựa chọn nghề nghiệp.

Ông Kevin Grubb, Phó Giám đốc phát triển chuyên môn tại Trường Đại học Villanova, cho biết: “Khoảng thời gian giãn cách xã hội là cơ hội để học sinh, sinh viên lắng nghe bản thân nhiều hơn, nhận biết những điều quan trọng và mục tiêu trong tương lai. Nhờ tập trung vào bản thân, người trẻ có thể rõ ràng hơn về công việc muốn làm hay ngôi trường thực sự muốn theo đuổi”.

Mô hình hội chợ việc làm online giúp sinh viên tìm hiểu đa dạng các ngành nghề.
Mô hình hội chợ việc làm online giúp sinh viên tìm hiểu đa dạng các ngành nghề.

Cần sự hỗ trợ từ chuyên gia

Ông Charlie Ball, Trưởng bộ phận Triển vọng Trí tuệ Giáo dục đại học tại Tổ chức Giáo dục Jisc, Anh, nhận định: Ngay lúc này, sự hỗ trợ của các chuyên gia về chọn trường, chọn nghề là rất quan trọng với học sinh, sinh viên đang mất phương hướng sau khi trải qua xáo trộn của dịch Covid-19. Khi kinh tế thế giới bị tác động, nghề nghiệp bị ảnh hưởng, những người trẻ sẽ cảm thấy bị cô lập và lo lắng nếu phải ra quyết định cho tương lai. Do đó, các chuyên gia giáo dục, cố vấn học tập cần đưa ra nhiều giải pháp, lời khuyên và hỗ trợ tích cực cho thanh, thiếu niên, đặc biệt là những nhóm yếu thế.

“Hãy luôn nhớ rằng dù học sinh, sinh viên đã thích ứng với những xáo trộn suốt thời gian qua, triển vọng việc làm và nghề nghiệp của các em đã bị ảnh hưởng nặng nề. Các em xứng đáng được hỗ trợ để chọn trường, chọn nghề phù hợp nhất với bản thân”, ông Charlie bày tỏ.

Theo ông Charlie, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà trường, học sinh, sinh viên nên chủ động cập nhật thông tin về thị trường lao động. Đơn cử, các doanh nghiệp đang bắt đầu mở cửa lại. Nhiều nhà tuyển dụng xây dựng chương trình trải nghiệm làm việc ảo, cho phép học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp tìm hiểu về doanh nghiệp và ngành nghề. Nắm bắt các thông tin này là cơ hội giúp các em tìm hiểu kỹ càng hơn về những ngành nghề quan tâm.

Ngoài ra, ông Charlie nhấn mạnh hiện nay nhiều trường học, nhà tuyển dụng chuyển sang hình thức tư vấn trực tuyến. Các hội chợ việc làm, hội chợ tuyển sinh online là cơ hội tốt để học sinh, sinh viên tìm hiểu đa dạng ngành nghề và có cái nhìn khái quát về công việc mình hướng tới.

Tiếp đó, hãy dành thời gian xem xét điểm mạnh và thành tích cá nhân thông qua một số câu hỏi như điều gì khiến các em vui vẻ/sợ hãi; điều gì đang khiến bạn tiêu tốn thời gian; nếu không phải quan tâm đến tiền bạc, các em sẽ dành cả ngày làm gì… Từ đó, đánh giá điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để cải thiện và nghiêm túc suy nghĩ về nghề nghiệp mong muốn.

Với thanh, thiếu niên, đặc biệt là học sinh phổ thông, các em vẫn còn thời gian để trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng đáp ứng sự đổi mới của thị trường lao động. Dù lựa chọn bất kỳ ngành nghề nào, những kỹ năng như làm việc nhóm, tin học ứng dụng, ngoại ngữ… đều rất quan trọng. Thay vì mải mê lo lắng cho tương lai, hãy tận dụng thời gian này để phát triển bản thân và tâm thế bước vào xã hội.

Theo Prospects, IH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.