Xu hướng “gia đình một thành viên”

GD&TĐ - Theo số liệu thống kê của chính phủ Hàn Quốc, số lượng những gia đình chỉ có một thành viên duy nhất hiện nay chiếm đa số tại nước này và tăng 27% so với năm 2015.

Xu hướng “gia đình một thành viên”

Nguyên nhân chính dẫn đến trào lưu này là nhiều người không thiết tha hôn nhân, ngày càng có nhiều phụ nữ chỉ miệt mài tập trung lo cho sự nghiệp, bản thân hơn là lấy chồng sinh con.

Do đó, đa số các “gia đình đơn thân” thì hầu hết thành viên duy nhất chỉ là một phụ nữ.

Đáng chú ý hơn là sự gia tăng này diễn ra khá nhanh: Chỉ một thập niên trước đây, đa số các gia đình tại Hàn Quốc là có 4 thành viên. Số liệu chính thức cũng cho thấy tỉ lệ kết hôn ở Hàn Quốc đã giảm 17% trong giai đoạn 2011 - 2016, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974. Đứng trước thực trạng trên, Tổng thống Hàn Quốc lên tiếng rằng việc sống một mình có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cá nhân. Và đưa ra đề xuất cả đất nước Hàn Quốc trở thành “một ngôi nhà chung cho các bạn trẻ thích sống đơn độc”. Theo đó, chính phủ sẽ cho tổ chức các bếp ăn cộng đồng mở và triển khai trên mọi vùng miền của đất nước, cốt sao để tất cả “gia đình đơn thân” có thể đến đó ăn uống và cùng nhau sinh hoạt chung.

Đám cưới không cần chú rể

Khi nghĩ về hôn nhân, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giờ đây tuyên bố hùng hồn rằng mình chỉ muốn làm “đám cưới đơn thân” mà thôi. Không có gì là lạ khi trong tiệc cưới đều có áo cưới, có khách mời, có tiền mừng nhưng trên sân khấu chỉ có… cô dâu. Mới đây, cô Yang Eun-joo (32 tuổi), làm việc cho hãng LG Electronics, đã tự mình đi chụp ảnh cưới sau khi hủy lễ hỏi với bạn trai và bạn trai cô cũng không có ý định kết hôn nữa. Tương tự, Công ty kinh doanh mỹ phẩm Lush của Anh tại Hàn Quốc mới đây đã “ủng hộ phong trào” khi chúc mừng đám cưới đơn thân của một nam nhân viên làm việc tại công ty, trao quà cưới hẳn hoi và ông chủ còn ký duyệt cho anh này một kỳ nghỉ để hưởng tuần trăng mật.

Không chỉ xuất hiện ở một số nước châu Á, kết hôn với bản thân là một trào lưu khởi nguồn cách đây gần 24 năm và gần đây, nó đã được nhiều phụ nữ phương Tây độc thân hưởng ứng. Một "người trong cuộc" có tên Joelle Bourdeau, sống tại Canada, là một bà mẹ đơn thân ở độ tuổi 30, từng một lần đổ vỡ hôn nhân, bày tỏ: “Cuộc sống của tôi đã viên mãn, tất cả ngõ ngách của cuộc đời đều đã được trải nghiệm, nhưng nay tôi muốn làm một cô dâu hạnh phúc”.

Bà Alexandra Gill - từ Công ty Marry Yourself Vancouver, chuyên giúp phụ nữ độc lập biến những đám cưới mơ ước thành hiện thực - cho rằng xu hướng đám cưới Sologamy đã nhen nhóm ở Canada từ 10 năm trước nhưng tới vài năm gần đây mới trở thành trào lưu chính. Bà Gill đã sáng lập ra công ty trên cùng với một đối tác có tên Tallulah sau khi 2 người nằm trong số 7 cô dâu gây chú ý trên báo giới hồi năm 2006 vì làm đám cưới chỉ có cô dâu. Họ nhận ra rằng hôn nhân thường đại diện cho sự trưởng thành của một cá nhân, đánh dấu một người trở thành “người lớn” và những phụ nữ không lên xe hoa đã bị tước bỏ “dấu mốc đó trong cuộc đời”.

Nhà văn Anh Sophie Tanner đã dành thời gian đi sâu vào cuộc sống của những cô dâu độc thân để tích lũy chất liệu cho cuốn sách về chủ đề Sologamy của mình có tên "Happily" (tạm dịch: Hạnh phúc). Điều lý thú là sau khi cuốn sách ra đời, nữ văn sĩ quyết định tự làm đám cưới với chính mình hồi tháng 5/2015. Bà giải thích rằng đám cưới Sologamy giúp bản thân hạnh phúc mà không cần phải một ai khác mới cảm thấy cuộc sống hoàn thiện.

Cuộc sống bớt áp lực

Không thể chối bỏ thực trạng ngày càng có nhiều thanh niên muốn sống đơn độc để tìm kiếm “thời gian riêng”, thoát ra khỏi áp lực, để dành thời gian nhiều hơn cho chính bản thân mình. Để mô tả cách sống này, giới trẻ Hàn Quốc có từ “YOLO”, viết tắt từ tiếng Anh “You Only Live Once” (đời chỉ có một lần). Số thanh niên chọn cách sống như thế ngày càng tăng và khác với chỉ vài năm trước đây, người Hàn Quốc giờ không còn xem hiện tượng này là “khó coi” nữa. Theo Giáo sư Jeon Mi-young thuộc Đại học Quốc gia Seoul, đây là một bước ngoặt chưa từng có trong cách tiếp cận cuộc sống của giới trẻ hiện nay tại Hàn Quốc, họ quan tâm hiện tại hơn là tương lai với cách sống đầy cảm xúc, không bó buộc về lý trí. Họ có những trải nghiệm theo xu hướng cá nhân chủ nghĩa.

Một sinh viên Hàn Quốc chia sẻ: “Một phần văn hóa ứng xử khá là tiêu cực trong xã hội Hàn Quốc là không tôn trọng thời gian riêng và những giá trị riêng của bạn. Cho nên khi bạn đi ăn một mình thì bạn sẽ ít mất thời gian hơn và tiết kiệm được tiền bạc hơn”. Một nhân viên ngân hàng cũng thừa nhận: “Trước đây, mọi người thường nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lẫm khi tôi đi ăn một mình nhưng giờ thì tôi nghĩ rằng không ai cho đó là chuyện kỳ lạ nữa. Đây đã trở thành một xu hướng mang tính xã hội tại Hàn Quốc rồi”.

Trái ngược với sự lo ngại của chính phủ, nhiều dịch vụ từ ăn uống đến bán lẻ thực phẩm, đồ gia dụng, điện tử… lại đang ủng hộ xu hướng “gia đình một thành viên” bằng cách nhanh chóng cung cấp dịch vụ và sản phẩm dành cho 1 người. “Chúng tôi chào đón những người tới uống rượu một mình”, quán bar Gitteol ở khu Hongdae, nơi giải trí thời thượng của thanh niên Hàn Quốc, tại thủ đô Seoul viết trên tấm biển quảng cáo treo ngoài cửa. Bên trong, những chiếc bàn dành cho khách hàng đi theo nhóm đã bị giảm bớt và thay bằng nhiều chỗ ngồi đơn lẻ.

Các ngân hàng Hàn Quốc đã bắt đầu cung cấp dịch vụ “YOLO credit card” giảm giá tại Starbucks, các rạp chiếu phim và cửa hàng tiện lợi hoặc các hoạt động khác như lớp học làm bánh, săn kho báu, đọc tạp chí… nhằm giúp người độc thân hạnh phúc hơn và tự tin hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.