Trước khi lũ đến, huyện Can Lộc đã huy động nhân dân gặt lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tuy nhiên, ở một số xã: Xuân Lộc, thị trấn Nghèn, Tiến Lộc, Kim Lộc, Vượng Lộc... do địa hình thấp trũng, xuống giống muộn nên lúa còn xanh chưa thể gặt khiến toàn bộ diện tích Hè thu bị ngâm dài ngày trong nước dẫn đến thiệt hại thất lớn.
Ngày 7/9, bà con đồng loạt xuống đồng, thu hoạch lúa trong nước. Những cánh đồng lúa chìm nghỉm trong nước, nhô lên bông lúa dài nhưng đã mọc mầm trắng tinh, rễ đổ chùm. Xót của, nhưng có còn hơn không, bà con nông dân chèo thuyền, ngụp lặn xuống dòng nước mênh mông để gặt từng bông lúa đã ra “giá đỗ”. Tổn thất về năng suất và chất lượng là khó đong đếm.
Bà Trần Thị Tâm (70 tuổi) cùng 3 người con ở thôn Đồng Yên, xã Xuân Lộc nước ngập quá bụng, bà Tâm vừa gặt vừa buồn rầu chia sẻ: “Tôi già rồi mà thấy lúa của con dâu bị lên mộng hết nên huy động toàn gia đình tập trung vớt vát. Lúa chín ngâm trong nước 5 ngày, giờ gặp nắng mộng nhô lên như tằm ăn rỗi, chậm giờ nào thiệt hại giờ đó. Con dâu tôi là bác sĩ làm trưởng khoa ở bệnh viện huyện sáng nay cũng phải xin nghỉ để gặt giúp chị”.
Ông Nguyễn Vinh, thôn Mỹ Yên xã Xuân Lộc nhễ nhại mồ hôi kéo thuyền lúa đầy mộng lên bờ ngán ngẩm: “Có gì khổ hơn không cô chú? Làm một mẫu ruộng mà còn 9 sào rưỡi chưa gặt. Nhìn lúa mộng lên trắng hớn mà xót xa. Loại lúa này về phơi rồi nghiền cho lợn ăn chứ còn biết để làm gì nữa”.
“Sáng nay, học xong là em chạy về đi mượn xuồng mang ra để gặt cho bố mẹ ngay”, em Đậu Viết Đoàn, học sinh lớp 10 Trường THPT Nghèn vừa hạ thuyền tôn trên vai thả xuống ruộng cho biết.
Vì sao nước chưa rút hết mà vẫn phải gặt? - chúng tôi hỏi. Ông Thân Văn Huyền thôn Mỹ Yên mệt mỏi nói: “Khổ thế đó. Giờ nước to đang bỏ lên thuyền mà kéo, mà đẩy chứ nước xuống đến đâu, lúa gục xuống đến đó, chờ nước cạn, lúa thành mạ, không đẩy được thuyền thì ai mà gánh lên cho được. Sáng tôi phải ngậm đắng nuốt cay đi mua con thuyền 600 nghìn để gặt. Đúng là thiệt đơn thiệt kép”.
Vậy đề xuất của các bác là gì? Chúng tôi đặt câu hỏi cho những người nông dân đang thu hoạch trên đồng. Họ đồng thanh: Sức chúng tôi có hạn, lúa mọc mầm như nấm sau mưa, giờ cần nhất là lực lượng hỗ trợ chứ để chậm ngày nào thiệt ngày đó.
Ông Nguyễn Như Dũng, Bí thư Huyện ủy Can Lộc cho biết: “Huyện đã bố trí sẵn 3 lực lượng chính gồm quân đội, công an, đoàn thanh niên và lực lượng dân quân các xã sẵn sàng giúp đỡ bà con. Lực lượng hiện có thể huy động hàng nghìn người cùng lúc.
Sáng 7/9, 35 cán bộ chiến sĩ của huyện đội đã xuống xã Tiến Lộc giúp dân gặt lúa. Nhưng để huyện có cơ sở điều động nhân lực thì phía địa phương phải có đề nghị lên là giúp ở đâu? Giúp cho những ai? Cần bao nhiêu người. Lực lượng hỗ trợ về giúp phải có người của gia đình tại chân ruộng chứ không thể gặt lúa lên bờ rồi bỏ mặc được”.
“Trong hôm nay và ngày mai, bằng mọi giá cũng phải huy động lực lượng hỗ trợ, tuyên truyền vận động bà con tập trung thu hoạch cơ bản xong các diện tích còn lại chứ lúa ngâm trong nước lâu ngày, gặp nắng ráo sẽ lên mộng rất nhanh” – ông Dũng nói.
Ông Mai Khắc Sáng, Bí thư Huyện đoàn cung cấp thêm thông tin: “Chiều nay, hơn 300 đoàn viên của các trường THPT sẽ trực tiếp xuống thu hoạch lúa giúp bà con ở 2 xã Tiến Lộc và Kim Lộc. Ngày mai chủ nhật, dự định sẽ có hơn 500 đoàn viên sẽ giúp bà con ở Thị trấn Nghèn và Xuân Lộc”.
Một số hình ảnh phóng viên ghi lại sáng 7/9:
Chèo thuyền ra đồng gặt lúa mộng. |
Ngâm mình xuống nước. |
Gặt từng bông lúa nhô lên trên mặt nước. |
Cánh đồng lúa Hè thu ngập trong nước lũ. |
Lực lượng bộ đội giúp dân gặt lúa. |
Lúa mọc mầm trắng tinh. |
Đoàn viên thanh niên giúp người dân thu hoạch lúa trong nước lũ. |