Học sinh dựng lán giữa rừng bắt "sóng rơi" học trực tuyến

Bài học chập chờn qua "sóng rơi"

Nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn hiện nay có điện thoại dùng được vào việc học trực tuyến đã là quý nhưng lại ở những nơi không có sóng điện thoại, các em phải dựng lán giữa rừng bắt "sóng rơi" để học trực tuyến. Hình ảnh trong bài học trực tuyến của các em luôn bị chập chờn, gián đoạn liên tục do sóng yếu. Do vậy, việc học của các em bình thường đã rất khó khăn khi nhà ở xa trường, nay trong thời gian tạm dừng đến trường, học theo hình thức trực tuyến thì không có sóng điện thoại, những khó khăn lại nối dài thêm cách trở, ngăn các em đến với chân trời tri thức.

Là một học sinh trong số đó, năm nay em Vù A Dũng- Học sinh lớp 12A Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bát Xát có ước mơ là đỗ xét tuyển vào ngành Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH Công nghệ Đông Á. Nhưng từ tháng 2 đến tuần gần đây, em phải tạm nghỉ ở nhà, ảnh hưởng nhiều đến việc học.

Trong thời gian này, thực hiện phương châm "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học" của ngành Giáo dục cả nước cũng như tỉnh Lào Cai, Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bát Xát đã xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến qua các nền tảng công nghệ: Zoom, Gmail, nhóm facebook, zalo tùy từng điều kiện phù hợp với giáo viên, học sinh.

Học sinh dựng lán giữa rừng bắt sóng rơi học trực tuyến - Ảnh 1.

Vù A Dũng- Học sinh lớp 12A Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bát Xát dựng lán giữa dừng ở điểm có "sóng rơi" để học trực tuyến. Ảnh: NVCC

Tuy là giải pháp tình thế nhưng hình thức dạy học từ xa lại là lựa chọn duy nhất để theo được việc học đối với các em vùng sâu, vùng xa. Như em Dũng, nhà ở thôn San Hồ, xã Trịnh Tường cách trường học 60 km, quãng đường quá xa để giáo viên có thể giao bài tập trực tiếp cho học sinh trong thời gian tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19. Việc học của học sinh ở đây đã khó lại càng khó khăn hơn khi không thể tiếp cận hình thức học trực tuyến do ở nơi không có sóng điện thoại, không đường truyền internet.

Theo chia sẻ của cô Trịnh Thị Thảo - Giáo viên môn Lịch Sử, trong số 67 học sinh cuối cấp của Trường, có đến hơn 60% các em gặp khó khăn về đường truyền, tín hiệu viễn thông để có thể tiếp cận hình thức dạy học trực tuyến.

Nhà Dũng ở bản San Hồ, xã Trịnh Tường cũng không có sóng điện thoại, nếu không theo học trực tuyến được thì học lực của em sẽ sa sút, ước mơ vào đại học của em sẽ phải bỏ dở giữa chừng. Không đành cam chịu, Dũng đã đi tìm khắp các vạt đồi và ven núi để tìm điểm "sóng rơi". Cuối cùng em cũng tìm được nơi có "sóng rơi" cách nhà 2 km, dù chỉ là 2G, ít khi điện thoại bắt được sóng 3G. Em cho biết hai bố con quyết định chặt bương, hạ nứa đánh liếp dựng lều giữa rừng để theo được thời khóa biểu học trực tuyến của Trường.

Hằng ngày, em phải đi về quãng đường này hơn 2 lần để lên lán học trực tuyến qua điện thoại. Do lịch học thường được bố trí vào buổi tối nên Dũng ở hẳn qua đêm trên lán giữa rừng. Nhờ vậy bạn bè, thầy cô mới liên lạc được với Dũng qua điện thoại. Em chia sẻ: Học theo hình thức trực tuyến mới được hơn 5 buổi nhưng sóng điện thoại chập chờn nên khi vào nhóm học trực tuyến của các thầy, cô, Dũng thường hay bị "out" văng ra khỏi nhóm; Mỗi giờ học bị "out" rồi vào lại cả chục lần là bình thường. Tuy vậy em vẫn quyết tâm theo học và theo đuổi ước mơ thành cử nhân Quản trị Kinh doanh.

Nghị lực của nam sinh người Mông- Không dừng việc học

Học sinh dựng lán giữa rừng bắt sóng rơi học trực tuyến - Ảnh 2.

Vắt cơm nắm Dũng thường mang theo mỗi khi lên lán ăn để học qua điện thoại khi bắt được "sóng rơi".

Dũng chia sẻ: "Bố mẹ em là nông dân, tuy gia đình em đã thoát nghèo rồi nhưng điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nên việc đi lại còn khó. Thấy em học hành vất vả đêm hôm "một mình một lán" giữa rừng, bố đã động viên em là "cố gắng học xong để kiếm cái nghề ổn định cho bố là được"! Đó là động lực giúp em vượt qua những khó khăn, "không dừng việc học" trong lúc này.

Em kể: "Thời gian dành cho việc học của em không nhiều vì cả ngày phải giúp bố mẹ việc nương, rẫy; Tối đến ăn cơm, tắm rửa xong, vào khoảng 19 giờ em mới lên lán theo lịch học trực tuyến".

Về các tiết học trực tuyến, em cho biết: Các thầy, cô giáo giảng bài trực tuyến rất dễ hiểu; Nhưng có nhiều môn, em bị gián đoạn nhiều bài về trước nên khó khăn trong việc nắm bắt kiến thức, hơi khó để theo kịp lớp. Bài tập được các cô giao cũng không nhiều. Có những bài khó làm nên em cần nhiều thời gian để hoàn thành. Những lúc rảnh, Dũng thường xem thêm bài giảng của các thầy, cô giáo giải đề, chữa bài để nắm sâu thêm kiến thức, cách làm các dạng bài tập.

Cô Phạm Minh Huệ - Giáo viên chủ nhiệm lớp của Dũng cho biết: Vù A Dũng là học sinh có nghị lực, có chí vươn lên. Năm lớp 10 học lực xếp loại trung bình, lớp 11 và học kỳ 1 năm học này học lực của em xếp loại tiên tiến.

Chuyện đi bắt "sóng rơi" để học trực tuyến của các nữ sinh người dân tộc thiểu số

Học sinh dựng lán giữa rừng bắt sóng rơi học trực tuyến - Ảnh 3.

Em Phàng Thị Cú đang học bài ở điểm có sóng điện thoại cách xa nhà. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Bài viết của cô Huệ đăng trên mạng xã hội facebook, chia sẻ những hình ảnh học sinh của mình "một mình một lều" giữa rừng để theo học trực tuyến, cô thông tin: "Nhiều em còn có hoàn cảnh khó khăn hơn Dũng vì phần lớn các em ở vùng không có sóng mạng điện thoại phủ đến, các em phải đi xa vài km đến chợ hay trụ sở ủy ban nhân dân xã để bắt sóng wifi, tối thì đành ngủ luôn ở đấy đến sáng mới về... Tội hơn là nhiều em đến giờ cũng không có phương tiện gì để học, không có sóng điện thoại để liên lạc, như cách biệt với thế giới.... con đường đến với ước mơ như xa hơn, xa hơn...".

Dòng trạng thái này của cô giáo Huệ đã được hàng trăm người bày tỏ thái độ đồng tình, hàng chục lượt người chia sẻ và những lời cổ vũ, động viên tinh thần để cô và trò vượt qua khó khăn trong lúc này.

Cô Trịnh Thị Thảo- Giáo viên chủ nhiệm lớp 12B (Trường PTDT nội trú THCS và THPT Bát Xát chỉ có 2 lớp 12 với 67 học sinh) lại chia sẻ về nghị lực học tập, vượt khó của các nữ sinh. Cô cho biết, trong lớp có rất nhiều gương sáng vượt khó trong học tập như em Phàng Thị Cú (người Mông) ở thôn Sảng Ma Sáo, xã Sảng Ma Sáo, cách trường 60km; Hoặc như các em Thào Thị Xua (người Mông), em Phàn Tả Mẩy (người Dao)… nhà đều ở xa không có sóng.

Học sinh dựng lán giữa rừng bắt "sóng rơi" học trực tuyến - Ảnh 4.
Học sinh dựng lán giữa rừng bắt "sóng rơi" học trực tuyến - Ảnh 4.
Học sinh dựng lán giữa rừng bắt "sóng rơi" học trực tuyến - Ảnh 4.
Học sinh dựng lán giữa rừng bắt "sóng rơi" học trực tuyến - Ảnh 4.
Học sinh dựng lán giữa rừng bắt "sóng rơi" học trực tuyến - Ảnh 4.

Ảnh hàng trên: tay của Vù A Dũng bị cật nứa cứa đứt tay khi dựng lán và bàn học của em. Hàng dưới từ trái qua: em Phàn Tả Mẩy và em Thào Thị Xua học bài tại nơi có điểm "sóng rơi". Ảnh: NVCC

Các em này phải xuống núi, nơi cách nhà 2-3km mới có sóng điện thoại để theo học trực tuyến. Đến chỗ có sóng là một quãng đường xa, đi lại khó khăn, các em còn là nữ sinh nữa nên không thể dựng lán để ở qua đêm được. Đến đây các em tận dụng mọi thứ để kê vở, để viết được. Em thì dùng ghế ngồi làm bàn, em kê vở lên tảng đá, khúc gỗ để ghi bài.

Đặc biệt vất vả là khi đang học giữa chừng trời đổ mưa thì không thể học tiếp được giữa nơi không có gì che mưa, che nắng giữa rừng. Thêm vào đó là ban ngày học sinh phải làm việc giúp gia đình nên lịch học trực tuyến được xếp vào buổi tối, từ 19h30- 21h30; Là nữ nên các em phải có người đi kèm đến điểm "sóng rơi" để học.

Cô Thảo chia sẻ, để học sinh của mình có phương tiện để học, các thầy, cô giáo phải rất vất vả khi vận động phụ huynh trang bị thiết bị cho các em học trực tuyến. Vì dịp này trường không họp mặt phụ huynh trực tiếp được nên giáo viên phải gọi điện thoại cho từng phụ huynh. Câu chuyện trao đổi qua điện thoại thực sự gặp khó khăn khi nhiều phụ huynh còn chưa nghe, nói sõi tiếng Kinh nên các cô phải rất kiên nhẫn thuyết phục, phân tích cho phụ huynh hiểu được vấn đề.

Theo cô Thảo, với các em gặp khó khăn trong học tập trực tuyến, thường các thầy, cô phải rất linh động với nhiều hình thức. Ngoài việc giao bài chung từ hôm trước cho cả lớp, với các em không tham gia được lớp học trên nền tảng zoom, các cô giáo bộ môn hoặc nhắn tin, gọi điện nhắc lịch cập nhật bài giảng, bài tập hoặc chụp lại phiếu giao bài tập rồi gửi qua zalo, facebook.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...