Những con gió cuối mùa thổi hun hút theo chân chúng tôi vào bản Nà Phung xã Tân Tiến, xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Yên, thăm gia đình em Sùng Seo Sang, dân tộc Mông, học sinh lớp 11A3 - Trường THPT số III huyện Bảo Yên.
Qua trò chuyện với bố em Sang là anh Sùng Seo Giáo, chúng tôi được biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Hai vợ chồng làm nông nghiệp, vợ thường xuyên đau ốm, anh Giáo thi thoảng đi làm thuê, cũng chỉ đủ tiền trang trải nuôi 4 con ăn học. Sang học lớp 11 còn các em lần lượt học lớp 7, lớp 2 và em út đang học mẫu giáo.
Anh Sùng Seo Giáo tâm sự: Có nhà nước hỗ trợ, nên các con mình đều được đi học. Gia đình biết ơn nhà nước lắm! Mình không được học đầy đủ, thì mình phải cố gắng cho con được đi học chứ! Học cái chữ cho sau này đỡ vất vả...
Công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, tiếp xúc với nhiều gia đình học sinh đặc biệt là những gia đình người Mông, càng thấy anh Sùng Seo Giáo có tư duy tiến bộ, quyết tâm cho con đi học. Chưa gặp học sinh nên tôi hỏi mẹ Sang – chị Giàng Thị Diễm: Sang đâu hả chị? Mẹ Sang trả lời: Lên đồi rồi!Giờ toàn lên đồi để học thôi!
Thấy tôi ngạc nhiên chừng như chưa hiểu, mẹ Sang giải thích tiếp: Từ hôm có dịch Covid-19, bọn trẻ nghỉ học, nhà góp tiền mua điện thoại thông minh, nhưng mạng ở nhà yếu không học được, vậy là Sang lên đồi dựng lán để học, nghe cô giáo giảng bài. Cùng học với Sang còn có hai bạn cùng lớp tên là Dìn, Tấn thì phải!
Ngày nào cũng thế, Sang dậy sớm làm việc nhà giúp mẹ, rồi đi bộ lên lán để học. Lán ở rừng cách xa nhà ở hơn 3 km. Từ hôm trường triển khai học trực tuyến, Sang cùng các bạn của mình chưa nghỉ buổi học nào, dù nắng hay mưa...
Câu chuyện về Sùng Seo Sang cho chúng tôi thấy được những tấm gương hiếu học giữa mùa “Covid-19” của học sinh Trường THPT số 3 Bảo Yên.
Đặc biệt hơn, những gia đình ở vùng cao đã thay đổi nếp nghĩ, dù còn khó khăn vất vả vẫn tạo điều kiện cho con học tập đầy đủ. Một chiếc điện thoại thông minh với gia đình có kinh tế là điều bình thường, nhưng với gia đình anh chị Giáo - Diễm, lại là cả một nỗ lực cố gắng lớn lao.