Xôn xao thương hiệu áo dài gắn mác “Phong cách Trung Quốc”

GD&TĐ - Dư luận, các nhà thiết kế, chuyên gia... trong nước đồng loạt lên tiếng về Ne.Tiger – thương hiệu Trung Quốc đưa ra những bộ trang phục thiết kế giống hệt áo dài truyền thống Việt Nam.

Dư luận lên án thương hiệu thời trang Trung Quốc Ne.Tiger “nhận vơ” áo dài truyền thống của Việt Nam là “China style”. Ảnh: chinadaily.com.cn.
Dư luận lên án thương hiệu thời trang Trung Quốc Ne.Tiger “nhận vơ” áo dài truyền thống của Việt Nam là “China style”. Ảnh: chinadaily.com.cn.

 Sự vô tình hay hữu ý đó được Ne.Tiger “ngộ nhận” gọi đó là “China Style” - “phong cách Trung Quốc”. 

“Nhận vơ” trang phục áo dài Việt là của mình

Ngày 21/11, cộng đồng mạng dậy sóng khi xem trang Facebook cá nhân của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Ông đã đăng tải dòng trạng thái về thương hiệu thời trang Ne.Tiger nhận áo dài truyền thống của Việt Nam là một “China style” – “phong cách Trung Quốc”.

Sự nhận vơ này thể hiện qua bài viết “Chinese style delights China S/S Fashion Week”. Nó được đăng tải trên trang Chinadaily.com.cn. Nội dung nói về tuần lễ thời trang xuân hè 2019 tại Bắc Kinh, diễn cuối tháng 10/2018.

Một số báo điện tử uy tín của Việt Nam đã đưa tin, thương hiệu áo dài Thủy Nguyễn phản ứng với thương hiệu Ne.Tiger. Nguyên nhân là thương hiệu thời trang này đạo, nhái mẫu áo dài năm 2018 của Thủy Nguyễn.

Thông tin này cùng dòng trạng thái của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đã rất thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trước sự việc đó, phần đông ý kiến đều cho rằng, không thể chấp nhận được cái gọi là “phong cách Trung Quốc”. Bởi bản chất là sao chép mẫu áo dài truyền thống Việt Nam.

Nhiều người bày tỏ rằng, Ne.Tiger ngang nhiên, không biết xấu hổ khi “nhận vơ” trang phục áo dài Việt là của mình. Cộng đồng lên án hành động ngang nhiên này. Thậm chí, nếu quan sát kỹ thì tất cả các mẫu thời trang giống hệt áo dài truyền thống của Việt Nam của Ne.Tiger đều được trình diễn ở trước tấm phông biển đảo. Liệu họ có dụng ý gì không đây? – dư luận đặt câu hỏi.

“Khi nhìn những tấm hình đó, tôi cứ ngỡ là một tiết mục trình diễn áo dài Việt Nam do người mẫu Trung Quốc biểu diễn trong một chương trình giao lưu văn hóa! Lấy cái có sẵn lại nói là sáng tạo. Lấy trang phục truyền thống của Việt Nam lại nói là phẩm giá trang phục nước mình. Ne.Tiger đang làm xấu hình ảnh của văn hóa Trung Quốc” – nick name Nguyễn Uyên bức xúc bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, nick name Pham Thanh Liem nhấn mạnh về sự công nhận của thế giới đối với những sáng tạo văn hóa thuần Việt: “Không phải ngẫu nhiên mà trong từ điển Oxford có 3 từ được để nguyên Tiếng Việt. Vì nó thể hiện đặc trưng chỉ văn hoá Việt mới có, không dịch sang tiếng Anh có từ tương đương là Áo dài, Phở và Bánh mì”.

Tuy nhiên, còn có một luồng dư luận khác cho rằng có sự “hiểu lầm”. Theo đó, tại tuần lễ thời trang “Hướng dương nhi sinh”, Tập đoàn thời trang Ne.Tiger đã mang đến bộ sưu tập “xúc hợp tất cả trang phục truyền thống của các quốc gia Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia để tạo nên các trang phục trong triển lãm lần này bằng chất kiệu vải tơ tằm với ý tưởng xâu chuỗi toàn bộ các nền văn hóa của các quốc gia nằm trên con đường tơ lụa trên biển”.

Trách nhiệm bảo vệ văn hóa Việt

Nhiều chuyên gia, nhà thiết kế đồng tình với niềm tự hào áo dài là trang phục truyền thống – một sáng tạo văn hóa của người Việt. Thế nhưng, việc trân trọng, nâng niu và gìn giữ nó bấy lâu nay đã được quan tâm đúng mức.

Nhiều ý kiến coi áo dài là trang phục truyền thống. Thậm chí nó còn được dân gian tôn xưng là “Quốc phục”. Thế nhưng sao vẫn thấy thiếu nhiều hình ảnh áo dài trong đời sống hằng ngày. Vì sao đến giờ vẫn chưa công nhận áo dài là Quốc phục?

Nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng đã từng khiến bao người xúc động khi được đọc những dòng trạng thái trên trang cá nhân của anh. Khi đó, anh chia sẻ những tâm huyết của mình trong việc bảo vệ, gìn giữ áo dài Việt Nam. Không chỉ qua các thiết kế, mà còn là những nỗ lực xây dựng Bảo tàng Áo dài (khánh thành năm 2014).

Lê Sĩ Hoàng từng thấy bộ áo dài lụa xanh ngọc, nón lá và đôi guốc mộc được trưng bày tại triển lãm mang tên “Lịch sử trang phục 5.000 năm Trung Quốc” với dòng chú dẫn: “Trang phục hiện đại Trung Quốc”.

“Trong giây phút chứng kiến ấy, dù phải vay mượn tiền để hoàn thành nhanh sớm bảo tàng áo dài cũng phải vay. Thực tế là tôi đã nợ đến con số gần 40 tỷ mà nhiều năm sau trong nỗi nhọc nhằn vẫn chưa trả hết…”, nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho hay.

GS.TS Thái Kim Lan khi triển lãm “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” (2015), giới thiệu bộ sưu tập áo dài xưa của mình đã chia sẻ rằng, bà luôn nâng niu những chiếc áo dài được gia đình truyền lại như là “báu vật” trong suốt gần 40 năm qua.

Theo bà, Việt Nam cần giáo dục thế hệ trẻ ý thức về việc trân trọng di sản truyền thống. Bởi vậy, đối với bà cuộc triển lãm chỉ là bước đầu của một dự tính lớn hơn.

“Chúng tôi, những người thuộc thế hệ “áo dài”, dự tính sẽ cùng nhau nói chuyện về áo dài rộng hơn tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Tôi đang đề nghị với các bạn của tôi viết về áo dài trải qua nhiều thời kỳ trên đất nước Việt Nam, áo dài Việt độc đáo như ẩm thực Việt, cũng cần kinh nghiệm của những người đã từng “ở trong” chiếc áo dài như hơi thở của họ...” – GS.TS Thái Kim Lan từng chia sẻ.

“Suốt bao năm qua có dịp giao lưu với HSSV các trường, khi tôi có câu hỏi ngoài đồng phục áo dài mà một số trường còn duy trì, học sinh nữ mặc vào lễ chào cờ sáng thứ Hai, bạn nào có riêng mình một bộ áo dài không, thì rất ít cánh tay đưa lên! Tôi đã phải chia sẻ với các bạn trẻ ấy: Áo dài các bạn mặc không chỉ là đẹp đâu, mà còn là trách nhiệm công dân khi thế hệ trẻ phải nối tiếp giữ gìn văn hóa.

Chúng ta người Việt, dù ở nơi đâu hãy xem việc mặc áo dài là cùng nhau góp tâm giữ được cho người Việt tấm áo của quê hương đất nước!” - Nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ