Xóa 'vùng mờ' trong giáo dục giới tính

GD&TĐ - Người Việt theo phong cách sống của người Á Đông, từ trước đến nay vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo

Giáo dục giới tính ở trường cho trẻ là việc cần thiết. Ảnh: ITN
Giáo dục giới tính ở trường cho trẻ là việc cần thiết. Ảnh: ITN

Người Việt theo phong cách sống của người Á Đông, từ trước đến nay vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo nên chuyện giới tính, tình dục vẫn có xu hướng được xem là chuyện “kín”. “Kín” trong cách nghĩ, trong lối sống và đến mức… bưng bít cả những thông tin đáng lẽ ra phải cho con trẻ hiểu và biết để đối xử với cơ thể mình tốt hơn.

Hiện nay, hình ảnh và thông tin giới tính, tình dục xuất hiện rất nhiều trên sách báo, truyền hình, phim ảnh, quảng cáo và mạng xã hội. Ấy vậy mà trong các cuộc chuyện trò giữa cha mẹ và con cái, đề tài này vẫn là một vùng mờ, đến mức trẻ có thắc mắc về giới tính cũng không dám hỏi, vì sợ bị đánh giá là “tầm bậy, hư hỏng”.

Các bậc phụ huynh thường lảng tránh và bỏ qua việc dạy con về giới tính, vì cho rằng “không nên vẽ đường cho hươu chạy”. “Nhưng nghĩ cho kỹ, hươu chạy khi nào? Hay đến khi nó bị con thú khác rượt đuổi thì do không biết đường thoát nên cứ vô tư… chui đầu vào bẫy?” (Theo BS tâm lý Nguyên Lan Hải).

Có thể cũng vì một lý do như tôi đã nói ở trên, do quen với nếp nghĩ, nên các bậc cha mẹ rất ngại ngùng khi nói với con về vấn đề này. Chúng ta, những người trưởng thành, thường hay trò chuyện với trẻ về những quy tắc, những giá trị, về đúng hay sai.

Thật dễ dàng để giải thích cho chúng hiểu thế nào là sai trái khi đánh nhau, khi lấy đồ của người khác hoặc khi nói bậy. Cũng không khó khăn mấy khi phải dạy cho con làm thế nào để trở thành một người bạn tốt hay dạy trẻ về những mặt trái và mối nguy hiểm từ Internet.

Tuy nhiên, có những chủ đề mà chính người lớn chúng ta cũng cảm thấy rất khó để chia sẻ với trẻ, ví dụ như các mối quan hệ trong cuộc sống, về các vùng kín trên cơ thể, và về những gì mà chúng có thể làm hoặc không được làm với cơ thể của người khác, hay vấn đề tình dục an toàn.

Khi vấn đề bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em được bàn luận công khai trên các phương tiện truyền thông thì các bậc phụ huynh lại vô cùng hoang mang, lo lắng, nhưng họ lại không biết nên bắt đầu nói với con thế nào? H

ọ chỉ biết đưa ra vài lời căn dặn kèm theo ngữ điệu kiểu đe nẹt dọa dẫm: “Con gái lớn rồi đấy, liệu lo mà giữ thân, đừng sống dễ dàng, buông thả kẻo rồi có ngày hối không kịp đó!”, hoặc là kiểu dạy con như cha mẹ tôi hồi trước: Này! Đi đâu, làm gì cũng lo mà giữ thân, kẻo rồi: “Khôn ba năm dại một giờ” là hỏng cả đời đấy!

Có nghĩa là thường ngày thì bưng bít thông tin, đưa con vào một vùng mờ, khó hiểu chỉ để khiến cho trẻ tò mò thêm, rồi đến khi lo lắng thì dạy qua loa vài ba câu vậy. Vậy là trẻ cứ lớn lên một cách “tự nhiên, hoang dã” cùng với sự tò mò muốn được khám phá của chúng.

Chính quan niệm này đã gây nên những hậu quả khôn lường. Thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên ở lứa tuổi dậy thì thường tự khám phá những hiểu biết về bản thân, giới tính qua nhiều con đường khác nhau, vì thế không tránh khỏi những sai lầm cơ bản dẫn đến những sự việc đáng tiếc, không ai mong muốn.

Vì vậy, giáo dục giới tính một cách chính thống sẽ là “người dẫn đường” để trẻ không lạc lối giữa vô vàn thông tin cũng như “cạm bẫy” ở cả thế giới ảo lẫn thế giới thực.

Với Trường Albert Einstein, thì những năm học gần đây, chúng tôi đã đưa giáo dục giới tính vào trong chương trình dạy học ngoại khóa. Khối tiểu học gồm 10 tiết dạy trong 3 buổi và hơn 20 tiết dạy chia làm 6 buổi ngoại khóa đối với cấp THCS và THPT. Ngoài ra còn lồng ghép tích hợp vào trong các môn học như Sinh học và Giáo dục công dân...

Tôi là một trong những giáo viên đứng lớp phụ trách những tiết dạy học này. Qua những buổi giáo dục giới tính, cô trò cùng nhau trao đổi và thảo luận. Trong sự háo hức, tìm hiểu của học trò, tôi nhận ra rằng các em còn rất “đói” thông tin, có nhiều em còn hiểu một cách ngờ nghệch, lệch lạc do tìm hiểu và tiếp nhận qua những trang mạng xã hội không chính thống, qua những truyện ngôn tình vớ vẩn… Khi được cô giáo đưa ra những số liệu, những hình ảnh thực tế và những cách xử lý tình huống một cách rất gần gũi với những câu chuyện thầm kín hàng ngày thì các em rút ra cho mình được những bài học rất bổ ích, thiết thực.

Trường chúng tôi thành lập một tổ giáo dục giới tính gồm các cô dạy Sinh học và Giáo dục công dân để cùng nhau lên kế hoạch, chương trình, soạn giáo án, phối hợp hỗ trợ nhau trong quá trình giảng dạy… Nội dung học tập được chúng tôi xác định cụ thể, phù hợp với từng cấp học.

Như cấp mầm non, tiểu học là những kiến thức cơ bản về giới tính, và quan trọng nhất là dạy trẻ biết cách bảo vệ bản thân, tránh bị xâm hại. Với cấp THCS, THPT là những kiến thức nâng cao dần, từ các mối quan hệ bạn bè, tình yêu, đến xu hướng tính dục, thông tin về cộng đồng LGBT để trẻ thực sự thấu hiểu bản thân, tránh bị lôi cuốn bởi các trào lưu xung quanh; tình dục và những hậu quả có thể xảy ra, các biện pháp tránh thai và phòng bệnh; các quy định của pháp luật và cách tự vệ trước bạo lực, sự xâm hại…

Không chỉ nội dung, phương pháp học tập cũng cần thay đổi theo hướng cụ thể và thiết thực hơn. Những hình ảnh, video, mô hình minh họa phù hợp sẽ giúp học sinh tiếp nhận kiến thức hiệu quả, thay vì mơ hồ với con chữ trong sách vở hay “lời nói gió bay” mà thầy cô dạy.

Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi không tách riêng hai đối tượng nam và nữ, mà để các em học chung. Việc này giúp các em được hiểu rõ và tự mình nhận thức, khám phá sự khác biệt về giới tính. Qua đó, các em không phải tò mò và biết tôn trọng, ứng xử văn minh, phù hợp với bạn khác giới. Chúng tôi chỉ tách riêng theo độ tuổi, theo khối lớp. Mỗi khối lớp, mỗi độ tuổi một chương trình khác nhau phù hợp với tâm sinh lý và mỗi độ tuổi có một phương pháp giảng dạy khác nhau, cách tiếp cận khác nhau.

Thực ra, việc dạy giáo dục giới tính cho học sinh trong thời đại công nghệ thông tin như bây giờ không khó. Chỉ cần chúng ta lưu tâm, xem đây là một vấn đề cần thiết, quan trọng trong việc giáo dục con trẻ thì có thể thực hiện một cách dễ dàng. Chúng tôi tổ chức các hoạt động cho học sinh khám phá, tìm hiểu qua các thông tin và các video minh họa trên Internet, qua các tài liệu giáo dục giới tính của các chuyên gia. Rồi cho học sinh cùng nhau trao đổi, thảo luận và đặt câu hỏi để giáo viên giải đáp.

Có những nội dung chúng tôi phải mời thêm chuyên gia để có thể giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của các em một cách tường tận hơn. Để tránh cho các em khỏi phải ngượng ngùng khi đặt câu hỏi, chúng tôi cho các em viết câu hỏi vào những mảnh bìa hình trái tim đã được chuẩn bị sẵn. Chúng tôi tổng hợp lại rồi cùng các em giải đáp. Cứ như thế, sau những buổi học, các em đã tự mình đúc kết được những bài học cho bản thân.

Thời đại bùng nổ thông tin, phim ảnh, quảng cáo trên mạng Internet chứa nội dung thiếu lành mạnh tràn lan, con trẻ dễ dàng đón nhận, chẳng khác nào cạm bẫy giăng ra xung quanh các em. Hơn nữa, do điều kiện cuộc sống ngày càng no đủ, nên các em phát triển dậy thì sớm cả về tâm, sinh lý. Chỉ cần một chút mơ hồ, một phút thiếu kiểm soát cảm xúc là các em có thể bị sập bẫy và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Ở gia đình thì do khoảng cách thế hệ nên các em ngại chia sẻ với bố mẹ, người thân. Chỉ còn cách tốt nhất là các em phải được dạy, được học giáo dục về giới tính ngay khi các em bước chân vào trường học. Chúng ta hãy từ bỏ quan niệm giáo dục giới tính là “vẽ đường cho hươu chạy”. Thà vẽ cho chạy đúng đường còn hơn là không vẽ nhưng hươu vẫn cứ chạy và chạy sai đường. Trong mọi trường hợp, phòng ngừa bao giờ cũng là biện pháp tốt nhất để phòng tránh.

Do vậy, chúng ta cần sớm triển khai, đưa nội dung giáo dục giới tính vào chương trình học một cách sâu rộng, chính thức trong nhà trường phổ thông thì sẽ giúp các em nâng cao được nhận thức về giới tính và cư xử văn minh. Mong các bậc cha mẹ và thầy cô luôn ghi nhớ một điều rằng: “Giáo dục giới tính: Đừng cấm đoán, hãy chia sẻ, giải thích cùng con trẻ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.