Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện: Chấm dứt con số đầy ám ảnh

GD&TĐ - Theo GS Lê Anh Vinh, học sinh có nhiều cơ hội thảo luận với những chủ đề mà trước đây chúng ta cho rằng nhạy cảm là cách tự bảo vệ mình tốt nhất. 

Thông qua nhiều góc nhìn, tình huống, các em sẽ được trang bị tốt hơn các kỹ năng cần thiết, để tránh hệ lụy về sau.

Cần tiếp cận đúng

Đặc biệt nhấn mạnh cần có đối thoại chính sách về “Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện”, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng: Cần phải để các em nói lên tiếng nói của mình, các thầy cô lắng nghe để cùng tạo nên sự đổi thay. Các em có quyền tiếp cận sớm, ngay từ nhỏ được cung cấp kiến thức về sức khỏe, giới tính để đáp ứng sự phát triển. Diễn đàn là nơi chia sẻ góc nhìn của các học sinh và giáo viên, phụ huynh về giáo dục giới tính sao cho thiết thực và hiệu quả hơn.

Ông chia sẻ ở thời trẻ, những năm tháng đi học phổ thông, giới tính là những điều vô cùng khó nói, chính bản thân ông cũng không dám thổ lộ bất cứ điều gì với thầy cô và bạn bè. Nhưng giới trẻ ngày nay đã mạnh dạn, tự tin dám nói ra những điều mình nghĩ, biết cách đứng lên tự bảo vệ mình. Chúng ta cần lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm với những suy nghĩ của các em.

Từ thực tế nhiều năm theo dõi những vấn đề về tình dục toàn diện, bà Lê Anh Lan, đại diện UNICEF Việt Nam, nhìn nhận: Giáo dục giới tính, tình yêu, tình dục một cách toàn diện không chỉ là giáo dục cho các em biết về những nguy cơ và cách phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thai ngoài ý muốn, mà còn là chia sẻ về những khía cạnh lành mạnh của giới, bản dạng giới, biểu hiện giới, về tình yêu tình dục an toàn dựa trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng và khác biệt của mỗi người. Cần phải có cách tiếp cận để các thành viên trong cộng đồng nhà trường (bao gồm học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, ban giám hiệu và nhân viên trong trường) có cảm giác an toàn và được coi trọng, cũng như có trách nhiệm tôn trọng người khác.

Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6/2019 - 6/2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại. Báo động hơn là những con số không thể thống kê được, đặc biệt còn rất nhiều nạn nhân bị xâm hại nhưng không biết mình đang bị xâm hại, đều ở lứa tuổi đến trường. Điều đó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, về những mong muốn của bản thân, quyền tự do lựa chọn và cách bảo vệ cơ thể. Do đó, theo bà Lê Anh Lan, tăng cường giáo dục về giới và tình dục toàn diện là điều vô cùng quan trọng. Đây là chủ đề rất phức tạp, ý kiến từ chuyên gia và trực tiếp là học sinh – những người trong cuộc, bằng những trải nghiệm thực tế… là điều để người lớn và các cơ quan quản lý giáo dục phải ngẫm nghĩ.

Học sinh Trường THCS Phương Trung, Hà Nội, thuyết trình về tình dục toàn diện trong một cuộc thi về giới. Học sinh Trường THCS Phương Trung, Hà Nội, thuyết trình về tình dục toàn diện trong một cuộc thi về giới.

Người trong cuộc nói gì?

Nêu lên yếu tố tâm lý, em Đoàn Thị Thanh Thảo, học sinh Trường THPT Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng: Khi không tôn trọng sự đồng thuận, thì ta đang tự biến mình thành kẻ xâm hại. Chúng ta phải hiểu biết về sự đồng thuận trong tình dục. Chỉ một chút kiến thức, ta cũng có thể giảm thiểu đáng kể tần suất xuất hiện của những hành vi xâm hại tình dục trong tương lai.

“Để bảo vệ bản thân cũng như đối phương, mỗi người chúng ta cần nhận thức rõ được, hành vi tình dục của mình là dựa trên sự đồng thuận, chứ không phải đồng thuận do bị cưỡng ép. Qua đó, ta có thể phân biệt được giữa tiếng ‘có’ đầy đam mê, và một tiếng ‘có’ ngại ngùng, cũng như cách chúng ta vinh danh tiếng ‘không’ khi không muốn”, Thảo nhấn mạnh.

Em Châu Giang (Trường Tiểu học số 3 Nam Lý, Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết: Rất nhiều bạn nữ trong trường dậy thì khi còn học tiểu học. Điều đáng nói, nhiều bạn chưa biết gì về giáo dục giới tính và cách giữ gìn vệ sinh thân thể cũng như không hề biết băng vệ sinh phụ nữ sử dụng như thế nào. “Cần phải làm gì để học sinh nữ chúng em được giáo dục và hiểu biết nhiều hơn về giới, giới tính và sức khỏe sinh sản cũng như tránh được sự lo lắng, sợ hãi để vượt qua những khó khăn đầu đời? Chúng em rất mong nhà trường và gia đình, các thầy, cô giáo chủ nhiệm trao đổi với phụ huynh nhiều hơn nữa để nắm bắt được tâm lý lứa tuổi của học sinh, đặc biệt là sự phát triển về tâm sinh lý, kịp thời phát hiện và giúp đỡ những bạn đang gặp khó khăn khi đến kỳ kinh nguyệt”, Giang chia sẻ.

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 1.200 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, đây là con số được báo cáo. Con số thực tế có thể cao hơn. Tức là mỗi tháng có trên 100 trường hợp hay là mỗi ngày có hơn 3 trường hợp. Hơn 30% thanh niên Việt Nam có nhu cầu về tình dục an toàn nhưng không được đáp ứng. Hơn 50% các bạn trẻ chuyển giới hoặc song giới được báo cáo bị bạo lực, bắt nạt khi ở trường. Và nhiều người trong số họ đã tự tử hoặc có ý định tự tử vì những bạo lực và việc bắt nạt mà các bạn đó đã phải chịu đựng. Để giải quyết vấn đề này và để chấm dứt những con số ám ảnh đó, không có cách nào triệt để hơn là một chương trình giáo dục về giới tính, tình dục một cách toàn diện và được bắt đầu càng sớm càng tốt. - Bà Lê Anh Lan (UNICEF Việt Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...