Xóa tâm lý GD thể chất là môn phụ

GD&TĐ - Để xóa bỏ quan niệm Giáo dục thể chất là môn phụ, theo nhiều giáo viên, bộ môn này phải đi vào thực chất, thay đổi từ nhận thức của lãnh đạo nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh, qua đó “hút” người học...

Học sinh Trường Tiểu học Trưng Trắc, Quận 11 trong giờ học thể dục. Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Trưng Trắc, Quận 11 trong giờ học thể dục. Ảnh: TG

Khó đổi mới nếu vẫn bị coi là môn phụ 

Một giáo viên dạy Thể dục tại quận Thủ Đức (TPHCM) chia sẻ, không biết từ bao giờ trong suy nghĩ của cha mẹ học sinh, các em, Thể dục và một số môn như Mĩ thuật, Giáo dục công dân… là môn phụ. Thậm chí có nhiều nơi, trong đội ngũ giáo viên, cả ban giám hiệu cũng có quan niệm này, chính vì thế, nhiều trường thường tôn vinh các giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi môn này, môn kia vì… đem về thành tích, uy tín cho trường. Cuối năm, việc tổng kết năm học cũng chỉ nhấn mạnh vào việc, học sinh đỗ tốt nghiệp tỷ lệ ra sao, vào ĐH, CĐ như thế nào; còn những thành tích về thể thao, về phong trào… coi như là chuyện “phải làm”. Khi vẫn còn nặng về quan niệm, rất khó để đổi mới bộ môn này, hướng đến sự phát triển thực chất, góp phần giáo dục phát triển toàn diện đức – trí - thể - mĩ cho học sinh. 

Đồng quan điểm này, thầy Trần Trung Sơn, giáo viên thể dục Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TPHCM) cho biết: Nhiều phụ huynh, học sinh vẫn còn quan niệm môn chính, môn phụ. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vì bản thân bộ môn chưa đổi mới, chưa đi vào thực chất tạo sức hút với học sinh. Chương trình học tập các môn học khác của các em còn nặng, thi cử vẫn còn quá áp lực;  phụ huynh quá đặt nặng chuyện học văn hóa, môn Thể dục như là môn để các em… học cho vui.

Thầy Sơn chia sẻ thêm: Trừ những em có năng lực, sở trường ở mặt thể chất, vận động mới thực sự quan tâm, nhưng đa phần tham gia các CLB. Bởi hiện nay, một số trường vẫn đưa những nội dung học thể dục khá “xưa cũ”, khiến học sinh nhàm chán, chưa kể cơ sở vật chất như sân bãi, nhà thi đấu, hồ bơi… đều thiếu ở nhiều trường. Chính vì vậy, thay đổi trong nhận thức từ cấp lãnh đạo, đến giáo viên bộ môn và sự đầu tư về cơ sở vật chất, sự quan tâm của phụ huynh, học sinh của xã hội đối với thể dục thể thao học đường rất quan trọng. 

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân trong giờ tập Yoga. Ảnh: Phương Thảo
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân trong giờ tập Yoga. Ảnh: Phương Thảo

Cần sự thay đổi

Để góp phần giáo dục toàn diện học sinh, nhiều trường học tại TPHCM đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục thể chất, phát triển thể thao học đường. Theo các nhà quản lý, thay đổi từ nhận thức của lãnh đạo nhà trường là vô cùng quan trọng. 

Thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1, TPHCM) cho rằng: Song song với dạy học văn hóa, việc phát triển về thể chất cho học sinh được nhà trường rất chú trọng. Từ năm học 2018 - 2019, nhà trường thí điểm chương trình năng khiếu tự chọn cho học sinh nhằm mục đích đẩy mạnh hoạt động thể chất trong trường học. 

Cụ thể, song song với 2 tiết thể dục/tuần theo quy định, trường tổ chức thêm các môn Aerobic, Taewondo… để học sinh tự chọn tham gia và bố trí theo thời khóa biểu thêm 2 tiết/tuần. Theo thầy Nguyễn Minh, mục đích của chương trình là nâng cao hoạt động thể chất cho học sinh. Thêm vào đó ưu tiên sở trường, năng lực của các em cho từng bộ môn để có niềm say mê, hứng thú trong rèn luyện thể dục thể thao và phát triển khả năng của mình. Đây cũng là cơ sở để nhà trường phát hiện, bồi dưỡng những em có năng khiếu tham gia các cuộc thi, tạo nguồn cho thể thao đỉnh cao học đường. Bên cạnh đó, các em đăng kí theo sở thích, từng khối sẽ có cơ hội làm quen với nhiều bạn bè trong trường, tạo niềm vui cho các em.

Với sự đầu tư mạnh mẽ từ cơ sở vật chất và thay đổi trong dạy học bộ môn này, những năm qua, trường giành được nhiều giải thưởng trong phong trào thể dục thể thao toàn ngành. Năm học 2019 - 2020, trường vinh dự được Sở Văn hóa Thể thao TPHCM trao tặng danh hiệu Đơn vị tiên tiến thể dục thể thao khối trường học. 

Nhận thấy tầm quan trọng của môn Giáo dục thể chất, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) cũng tích cực đổi mới, đưa vào nhiều môn thể thao tự chọn cho học sinh tham gia. Song song với các tiết học theo quy định, nhà trường mạnh dạn đưa bộ môn Yoga, Dance Sports để giảng dạy cho học sinh. Với sự đổi mới này, học sinh vô cùng hào hứng, phụ huynh đồng tình. Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, với sự đầu tư bài bản và chú trọng phát triển thể thao học đường, năm học vừa qua, trường đạt nhiều thành tích ở cuộc thi cấp thành phố gồm 1 Huy chương Vàng môn Pencatsilat, 1 Huy chương Vàng môn Taekwondo và 2 Huy chương Bạc môn Bóng bàn; 1 Huy chương Bạc môn võ Teakwondo; 1 Huy chương Bạc môn Bơi lội; 2 Huy chương Đồng môn Bóng ném.

Thầy Trần Trung Sơn, từng là vận động viên quốc gia giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, đồng thời là cựu huấn luyện viên quốc gia môn Muay Thai chia sẻ: Ban giám hiệu Trường THPT Ngô Gia Tự đã chú trọng đến giáo dục thể chất cho học sinh. Nhà trường đưa vào nhiều môn thể dục tự chọn cho các em tham gia, từ bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền, võ thuật… tạo niềm vui, hứng thú khi theo học. Các giáo viên cũng từng bước đổi mới việc dạy học của mình. Song song với giảng dạy về kiến thức, kỹ năng, hoạt động… thầy cô đều thay đổi khi lồng ghép các chuyên đề, câu chuyện, ví dụ sinh động giúp học sinh có giờ học thoải mái, bổ ích. Trường THPT Ngô Gia Tự là một trong những trường có phong trào thể dục thể thao đứng đầu Quận 8, đặc biệt là môn Võ thuật với nhiều Huy chương Vàng cấp quận, thành phố và cả quốc gia. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.