Xóa khoảng cách để thành chỗ dựa của học trò nội trú

GD&TĐ - Để xóa đi khoảng cách giữa thầy và trò, nhiều cô giáo trường DTNT không ngần ngại vượt hàng chục cây số đến tận nhà để động viên...

Giờ dạy của cô Nguyễn Thị Hoài Thanh – giáo viên Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: NVCC
Giờ dạy của cô Nguyễn Thị Hoài Thanh – giáo viên Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: NVCC

Nhiều cô đã lấy danh dự của bản thân bảo lãnh, giúp trò có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, thay đổi cuộc đời.

Chủ động xóa khoảng cách

18 năm công tác trong ngành Giáo dục, trong đó có 12 năm gắn bó với học sinh DTNT, cô Thái Thị Lương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (tỉnh Đắk Lắk) trải lòng: “Học sinh trường DTNT chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Các em đi học xa nhà, xa bố mẹ, sinh hoạt trong khuôn viên nhà trường, ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Vì vậy, tôi cùng các đồng nghiệp đứng ở vị trí người bạn, người anh, người chị hoặc cha mẹ tiếp cận và giáo dục học sinh để giữa thầy và trò không còn khoảng cách”.

Với phương châm đó, nhiều năm qua, cô Lương luôn trong tâm thế “cho đi mà không mong nhận lại”. Cô tận dụng tối đa thời gian bên trò, lắng nghe, quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn hay những thay đổi tâm lý để các em yên tâm học hành. Bên cạnh đó, nữ nhà giáo thường xuyên chia sẻ giúp học sinh xác định ước mơ, định hướng cho tương lai và lấy đó làm động lực phấn đấu.

“Nhiều em xa nhà lúc hơn 10 tuổi, độ tuổi cần sự bao bọc của gia đình, người thân. Bắt đầu sống tự lập trong môi trường nội trú, các em còn nhiều bỡ ngỡ, rụt rè, ngần ngại. Chính vì thế, thầy cô đã trở thành chỗ dựa, là người cha, người mẹ thứ hai”, cô Lương chia sẻ.

Riêng với học sinh nữ, cô Lương thường dành nhiều thời gian lắng nghe hơn và tư vấn để các em có đủ kiến thức, tự tin đón nhận những thay đổi của tuổi dậy thì, ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời. Cô cũng tận tình hướng dẫn các em cách vệ sinh, chăm sóc và bảo vệ cơ thể.

Từng dạy nhiều khóa học, cô Lương nhớ mãi hai học trò có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Một em mồ côi cha lẫn mẹ, phải sống nhờ nhà dì ruột. Vì cuộc sống khó khăn, em đã mất phương hướng, thậm chí nhiều lần có suy nghĩ tìm đến cái chết. Hiểu được hoàn cảnh lẫn tâm lý của trò, cô Lương đã sát sao, đồng hành và dành nhiều thời gian để hỗ trợ học tập cũng như tư vấn tâm lý. Sau khi tốt nghiệp THPT, em theo học ngành Báo chí và hiện là phóng viên.

Một trường hợp khác, học sinh này có bố mẹ ly hôn, em trai không may tai nạn qua đời dẫn đến cú sốc tâm lý nặng. Nhiều lần, em trốn khỏi ký túc xá đi hút thuốc, uống rượu và khóc một mình, dẫn đến bị nhà trường kỷ luật. Cô Lương đã lấy danh dự của bản thân bảo đảm cho trò không bị thôi học và dành thời gian quan tâm, động viên, đưa em trở lại quỹ đạo. Hiện, em là sinh viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Cô Thái Thị Lương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (tỉnh Đắk Lắk) cùng học trò. Ảnh: NVCC

Cô Thái Thị Lương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (tỉnh Đắk Lắk) cùng học trò. Ảnh: NVCC

Không cam lòng trước nạn tảo hôn

Giống như cô Lương, để học sinh nắm được kiến thức, ngoài giảng dạy trên lớp, cô Nguyễn Thị Hoài Thanh – giáo viên Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) còn tranh thủ thời gian ra chơi, giờ tự học để phụ đạo, gia cố lại nội dung học sinh chưa hiểu. Với đặc thù ngôi trường DTNT, học sinh có thể bỏ về nhà bất cứ lúc nào nên giáo viên luôn trong trạng thái sẵn sàng đi tìm và vận động trò trở lại trường.

“Có một lần, trong lúc đi vận động học sinh quay trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, tôi vô tình bắt gặp học trò của mình đang mang bầu. Em mới học lớp 9, nhìn xót xa vô cùng. Cơ thể các em chưa phát triển hoàn thiện, ở độ tuổi đẹp thì phải làm mẹ, trong khi các bạn cùng trang lứa đang cắp sách đến trường”, cô Thanh nghẹn ngào kể.

Ngày chưa nhận công tác tại trường DTNT, cô Thanh được nghe kể rất nhiều câu chuyện thương tâm về học sinh đang đi học phải nghỉ để lấy vợ, lấy chồng. Nhiều em chỉ mới lớp 7, lớp 8 đang đi học, ở nhà có người mang sính lễ đến để dạm hỏi... Dù không thích nhưng cha mẹ đã nhận nên các em đành bỏ dở chuyện học hành.

Do vậy, được phân công về Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch, cô Thanh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho học sinh nữ. Cô tận dụng tối đa thời gian trống ở trường để tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, cách để bảo vệ bản thân trước cám dỗ, hủ tục; đặc biệt là thay đổi nhận thức, hình thành ước mơ nơi các em. Nữ nhà giáo đồng thời lồng ghép bài học về giá trị của học tập, tinh thần chăm chỉ... cùng tấm gương sáng vượt khó vươn lên trong giờ dạy với mong muốn truyền cảm hứng và khích lệ học sinh vượt lên hoàn cảnh, nuôi dưỡng ước mơ.

“Tại trường nội trú, giáo viên luôn đóng nhiều vai. Ở vai nào, nhà giáo luôn tâm niệm tất cả vì học sinh, cho đi mà không màng nhận lại, sống bằng sự bao dung, thấu hiểu như vậy mới có thể chăm sóc, giáo dục, đồng hành cùng trò trên bước đường trưởng thành”, cô Thái Thị Lương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng (tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.