Tiếp sức học trò nghèo
Thầy Thạch Sa Quên là giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Thầy có hơn 17 năm gắn bó với nghề dạy học, đặc biệt là dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.
Thầy Sa Quên cho biết, quê thầy ở ấp Giồng Chanh, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Cách đây hơn 20 năm, khi còn là một học sinh, thầy Sa Quên có cuộc sống rất khó khăn, trường ở xa nhà. “Đến cấp 3 tôi phải đạp xe hơn 10 cây số để đi học. Đường đất, mùa mưa thì lầy, mùa khô thì cát bụi, xe đạp thì thường xuyên hư hỏng. Vì trường xa nhà, nên tôi phải đi sớm về trễ, gặp ngày trời mưa thì ướt nhem. Khi học được 1 năm thì tôi xin vào ở chùa, một ngôi chùa gần trường để tiện đi học, cuối tuần mới về nhà”.
Dù khó khăn nhưng cậu học trò Sa Quên không ngừng phấn đấu để thi đạt vào ngành Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ. Khi tốt nghiệp, thầy được phân công giảng dạy tại Trường THPT Cầu Ngang A. Địa điểm trường thuộc ấp Bến Đáy B, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang. Đây là nơi thuộc vùng biên giới biển của tỉnh Trà Vinh. Từ nhà đến trường công tác hơn 20 cây số nên thầy phải tìm nhà ở trọ gần trường để tiện công tác.
Trưởng thành trong gian khó, thầy Sa Quên càng cảm thông, chia sẻ với khó khăn của học trò. Thầy luôn nỗ lực dạy tốt, quan tâm học trò, đặc biệt là học trò nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Bản thân thầy, cùng kết nối với đồng nghiệp, bạn bè, các nhà hảo tâm hỗ trợ nhiều học sinh vượt qua khó khăn.
“Các em học sinh nghèo, học sinh khó khăn, là người dân tộc Khmer, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn thiếu rất nhiều thứ. Thiếu đồng phục, thiếu gạo để ăn, thiếu tiền để trang trải, thiếu xe để đi học… Thế nhưng nhiều em rất có ý chí, nỗ lực vượt khó, hướng tới tương lai. Do đó rất cần sự nỗ lực, cảm thông, hỗ trợ của thầy cô giáo, nhà trường và cộng đồng”, thầy Sa Quên chia sẻ.
Kết nối các nguồn lực xã hội đến với HS nghèo
Thầy Sa Quên chia sẻ: “Trường tôi là trường thuộc biên giới vùng ven biển. Có nhiều học sinh gặp khó khăn trong quá trình học tập. Nơi đây người dân chủ yếu làm kinh tế biển, phần lớn cha mẹ đi làm xa, con cái ở nhà với ông bà để đi học. Có gia đình cha mẹ bước theo con đường riêng của mình, bỏ lại con cái cho ông bà.
Nhiều em học sinh gặp khó khăn về vật chất, thiếu tình thương yêu của cha mẹ… Vì vậy trong quá trình học tập các em cũng gặp rất nhiều khó khăn từ quần áo, sách vở, tiền bạc… Có em đi học nhờ bạn chở do không có xe đạp”.
Trước khó khăn của học trò, thầy Thạch Sa Quên luôn tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ. Thầy trở thành Đại sứ Chương trình Điều ước cho em tỉnh Trà Vinh, là giáo viên của tỉnh tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và phát động Chương trình Điều ước cho em năm 2020 tại Hà Nội.
“Sau khi tham dự Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020, tôi nhớ mãi chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất phát động phong trào ‘5 điều ước’.
Trong đó, 63 thầy cô giáo được tuyên dương dịp này trở thành những đại sứ đầu tiên của chương trình. Bản thân tôi luôn nỗ lực vận động toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số”, thầy Sa Quên cho biết.
Vừa là thầy giáo, vừa là Đại sứ Chương trình Điều ước cho em, thầy Sa Quên không ngừng kết nối, vận động với mong muốn học sinh được quan tâm hơn nữa. "Mong các em được giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, để các em thấy rằng tuy khó khăn nhưng các em còn có sự quan tâm của xã hội...", thầy Sa Quên chia sẻ.