Nội dung này được trả lời trong Talk show “Xóa bỏ khủng hoảng tâm lý cho người trẻ hậu Covid-19 và săn học bổng danh giá - lợi thế của học sinh Việt hậu Covid-19” tổ chức tại Trường THPT Marie Curie Hà Nội sáng ngày 24/10/2020.
Chương trình do Công ty Cổ phần Khám phá Giáo dục Thành công (DES Group) phối hợp với Trường THPT Marie Curie Hà Nội tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại bảo trợ thông tin cho chương trình. Talk show đã được live (phát trực tiếp) trên các fanpage: Marie Curie Hanoi School và khamphagiaoducthanhcongDESgroup.
Tham gia chương trình có nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại; ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT; đại diện Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các chuyên gia, nhà giáo, những gương mặt học sinh đã xuất sắc đã giành được học bổng giá trị của các trường đại học trong nước và nước ngoài; các thầy cô giáo, các học sinh Trường THPT Marie Curie Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam khẳng định vai trò quan trọng của sức khỏe tâm thần; giáo dục 4.0 càng yêu cầu phải có sức khỏe tâm thần tốt.
PGS Trần Thành Nam cho rằng, năng lực công dân thế kỷ 21 phải biết quản lý sức khỏe toàn diện (sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội. Ai có sức khỏe tâm thần tốt, người đó dễ dàng thích nghi với sự thay đổi, dễ dàng tập trung hơn, dễ dàng lập kế hoạch, quản lý thời gian và cần bằng hơn.
Những kỹ năng được đề cao là sáng tạo, đổi mới, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề phức tạp, trí tuệ cảm xúc – đó chính là sức khỏe tâm thần, khả năng kiểm soát cảm xúc.
Covid cũng cho chúng ta thấy kỹ năng tự học là quan trọng. Trong bối cảnh kiến thức tăng trưởng nhanh hơn những gì mỗi cá nhân có thể thu nhận được, việc quyết định học cái gì, học thế nào rất quan trọng cho thành công trong tương lai.
Chia sẻ những giải pháp giúp học sinh vượt qua khủng hoảng, tổn thương tâm lý từ biến động bởi Covid-19, PGS Trần Thành Nam lưu ý học sinh trước hết cần trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại, tập trung hoạt động cần làm trong khoảnh khắc hiện tại; sẵn sàng chia sẻ những băn khoăn, lo lắng với người mình tin tưởng, trong đó có thầy cô làm công tác tư vấn tâm lý của nhà trường; dành thời gian để lo lắng, đừng gán nhãn việc lo lắng là xấu, bản thân mình không được phép lo lắng...
“Khi quay trở lại trường học sau thời gian giãn cách xã hội, chắc chắn các em cần thời gian để thích ứng. Chúng ta không thể tự “gian lận” trong đầu rằng không được phép lo lắng nữa và càng có suy nghĩ ấy sẽ càng lo lắng hơn. Cách của tôi là hãy dành 10 phút trong ngày để dành cho tất cả những suy nghĩ về sự bất định, lo lắng. Nếu cảm xúc này ập đến vào những lúc khác, hãy tự nhủ tạm bỏ qua để dành cho 10 phút đã xác định nói trên.” - PGS Trần Thành Nam đưa lời khuyên.
Nhận định chủ đề chương trình đưa ra rất ý nghĩa, ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên cho biết: Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang gây ảnh hưởng nặng nề trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Riêng Bộ GD&ĐT đã ban hành khoảng 50 văn bản, 2 lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, thực hiện tinh giản chương trình, hướng dẫn dạy học trực tuyến…
Nhờ nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, ngành Giáo dục đã thành công trong phòng chống dịch bệnh, đồng thời thực hiện “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” và hoàn thành chương trình học đúng kế hoạch.
“Mặc dù Việt Nam đang khống chế tốt Covid-19, nhưng tình hình trên thế giới vẫn rất phức tạp, việc tiếp tục trang bị kiến thức để phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị hành trang tâm lý để thích ứng với trạng thái bình thường mới là rất quan trọng. Chính bởi vậy, tọa đàm hôm nay với sự tham gia của chuyên gia tâm lý, các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm sẽ mang lại cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích, đặc biệt các em có nguyện vọng tìm cơ hội du học.” – ông Doãn Hồng Hà chia sẻ.
Tại buổi giao lưu, đại diện đến từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chia sẻ về ý thức cộng đồng của người Việt trong thời gian Covid-19 bùng phát. Theo đó, trong khuôn khổ chương trình “Kết nối triệu con tim” do Chính phủ phát động đã mở ra chiến dịch quyên góp điện thoại thông minh, máy tính bảng vẫn còn sử dụng được cho trẻ em nghèo vùng cao. Học sinh tham gia chương trình này cũng là góp phần thực hiện trách nhiệm cộng đồng.
Cũng tại chương trình, các khách mời, cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Marie Curie Hà Nội đã cùng nhắn tin ủng hộ miền Trung đang thiệt hại nặng nề vì mưa lũ.