Xóa bỏ định kiến văn bằng

GD&TĐ - Từ tháng 7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học chính thức có hiệu lực. Theo đó, bằng đại học chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau. Quy định này đã tạo nên hai luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, đây là bước tiến xóa bỏ định kiến về hình thức đào tạo chính quy hay tại chức. Nhiều người lo ngại chất lượng đào tạo hệ không chính quy còn nhiều hạn chế, bất cập.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, việc chỉ có một loại văn bằng, không phân biệt chính quy hay tại chức là quy định phổ biến trên thế giới. Điểm sửa đổi này phù hợp và có thể khuyến khích xã hội học tập. Tuy nhiên, chất lượng đầu ra mới là mấu chốt, chứ không phải phân biệt giá trị văn bằng hay hình thức đào tạo.

Ở nhiều quốc gia khác, việc đào tạo và tuyển dụng được thực hiện theo tiêu chuẩn khắt khe. Phương thức đào tạo tiên tiến không cần học nhiều lý thuyết, coi trọng năng lực nghề nghiệp, hướng tới mục tiêu xã hội học tập và học tập suốt đời. Thực tế, nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, phải chuyển sang học hệ vừa làm vừa học. Vì thế, sau này làm chủ doanh nghiệp, khi tuyển nhân viên, họ không quan tâm có bằng chính quy hay tại chức, chỉ cần người lao động làm việc hiệu quả. Với họ, quy định không phân biệt hình thức đào tạo sẽ tạo sự công bằng giữa các loại hình đào tạo.

Học tại chức không có nghĩa chất lượng thấp. Học hệ nào thì tự học cũng là chính. Chúng ta không nên suy diễn về giá trị bằng cấp và hãy thay đổi quan niệm về bằng cấp tích cực hơn. Thực tế hiện nay hình thức đào tạo tại chức hay chính quy chỉ khác về tên gọi còn cách thức đào tạo là như nhau. Nếu bạn có cơ hội học ở những trường danh giá, trường điểm nhưng thái độ, động cơ học tập không tốt thì khi ra trường, bạn không có năng lực làm việc. Như vậy tất cả cũng bằng không.

Vấn đề nhiều người lo ngại nằm ở chỗ việc thực thi đào tạo không đúng, dẫn tới chất lượng đầu ra thấp. Nếu chúng ta xây dựng chương trình tốt, tổ chức đào tạo nghiêm túc, học viên có thái độ học tập tốt thì chất lượng đào tạo tại chức cũng không khác gì chất lượng đào tạo chính quy. Vì thế, trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có hiệu lực, các trường cần phải có nhiều thay đổi về đào tạo để nâng cao chất lượng của hệ tại chức.

Có thể nói, đào tạo tại chức là một cơ hội cho những người đi làm hoặc những người bỏ lỡ giấc mơ học đại học. Song, các hình thức đào tạo tại chức cũng bộc lộ những mặt trái của nó. Khi bằng cấp vẫn là một “tiêu chí cứng” trong tuyển dụng nhân sự cả trong và ngoài khu vực công thì biết đâu sẽ là kẽ hở cho nhiều kẻ cơ hội.

Để làm thay đổi định kiến và tâm lý xã hội về vấn đề “tại chức hay chính quy”, điều cốt lõi là phải thay đổi tiêu chí tuyển dụng. Theo đó, văn bằng tốt nghiệp đại học chỉ nên coi là tiêu chí thứ yếu bên cạnh tiêu chí chính yếu là năng lực đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

Bộ GD&ĐT cùng các cơ sở giáo dục cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để “siết” chất lượng GD - ĐT hệ tại chức để không gây ra những bất công dành cho những người học thật, thi thật, nỗ lực hết mình. Có như vậy những quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước trong đào tạo đại học tại chức mới thực sự đi vào cuộc sống; chúng ta mới có được một thế hệ cán bộ, người lao động thực học - thực nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ