Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng): Có gian lận trong xét, cấp văn bằng tốt nghiệp?

GD&TĐ - Tổ xác minh của ĐH Đà Nẵng vẫn đang làm việc với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật để làm rõ có hay không các nội dung tố cáo về dấu hiệu gian lận trong xét và cấp văn bằng tốt nghiệp, thu học phí trái quy định tại trường này theo phiếu chuyển của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng

Không bao che, dung túng sai phạm

Theo nội dung đơn tố cáo của ông L.V, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Đà Nẵng thì ông Nguyễn Văn Lành - Thư ký Hội đồng trường, giảng viên của nhà trường có các dấu hiệu như gian lận trong xét, cấp văn bằng tốt nghiệp, không thể hiện công khai đầy đủ thông tin đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tin học của SV khi tốt nghiệp; bảo lưu điểm không đúng quy định, kéo dài thời gian học trái quy định; có dấu hiệu thiên vị trong quản lý học vụ; thu thêm học phí các tín chỉ thực hành, đồ án của SV trái quy định…

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã đề nghị ĐH Đà Nẵng làm rõ nội dung tố giác theo phản ánh là đúng hay sai? Nếu đúng thì thuộc vào những sai phạm gì, gây thiệt hại đến nhà trường ra sao, trách nhiệm thuộc về cá nhân, tổ chức nào? Trong phiếu chuyển cũng nêu rõ, “nếu có dấu hiệu tội phạm, đề nghị ĐH Đà Nẵng chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để thụ lý giải quyết theo đúng quy định pháp luật”.

PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, tổ xác minh đã yêu cầu nhà trường phải cung cấp hồ sơ, phiếu thu gốc; do cán bộ, giảng viên của nhà trường được điều động làm nhiệm vụ trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019 nên công việc có sự gián đoạn, dự kiến trong tuần tới sẽ có kết luận. “Trong số hơn 55 trường hợp SV được đề cập trong đơn tố cáo, nằm rải rác từ năm 2007 - 2017, quá trình đó, nhà trường đã chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, quy chế đào tạo, chính sách cũng có sự thay đổi nên việc đối chiếu, sao lục mất khá nhiều thời gian” - PGS.TS Lê Thành Bắc cho biết. Ông Bắc cũng nêu quan điểm: “ĐH Đà Nẵng sẽ xử lý trên cơ sở kết luận của tổ xác minh, không bao che, dung túng cho cá nhân nào. Nhưng việc các cơ quan báo chí chỉ đưa thông tin một chiều dựa vào nội dung đơn thư tố cáo là không khách quan”.

Phụ thu nhằm nâng cao chất lượng

Trước đó, tháng 8/2018, ông L.V cũng đã có đơn thư gửi đến một số cơ quan báo chí tố cáo về một số khoản thu trái quy định tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (tiền thân là Trường CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng) như phụ thu học phí, lệ phí xét tuyển tốt nghiệp, SV trong quá trình học muốn cấp bảng điểm thì phải nộp 5.000 đồng/lần cấp và không có phiếu thu. Cụ thể: Đối với các tín chỉ thực hành, Trường CĐ Công nghệ đều có thu học phí với hệ số phụ thu là 1,2 so với mức học phí quy định. Việc phụ thu học phí này kéo dài từ năm 2006, từ khi nhà trường chuyển sang phương thức đào tạo tín chỉ và chỉ chấm dứt vào năm 2017.

Những nội dung phản ánh trên đã được Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy ĐH Đà Nẵng thành lập đoàn công tác để kiểm tra tình hình và đã có kết luận đề nghị Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật dừng các khoản thu sai quy định.

Phần phụ thu học phí, theo như giải thích của Ban giám hiệu nhà trường khi làm việc với báo chí thời điểm 8/2018 là để bù đắp cho chi phí tiêu hao vật tư trong quá trình SV thực hành. PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với đặc thù đào tạo kỹ sư thực hành của bậc cao đẳng, do thời lượng thực hành nhiều kéo theo vật tư tiêu hao lớn. Hơn nữa, nếu vẫn duy trì nhóm thực hành 30 SV/nhóm thì không bảo đảm chất lượng đầu ra, SV khó hình thành được kỹ năng nên nhà trường chia nhỏ nhóm thực hành khoảng 10 - 20 em/nhóm.

Vật tư, vật liệu tiêu hao nhiều hơn, số giờ dạy thực hành của giảng viên cũng tăng lên nên thời điểm đó, Ban giám hiệu nhà trường đã xin ý kiến từ các khoa về vấn đề phụ thu học phí cũng như mức thu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Số tiền thu được từ nguồn phụ thu học phí được sử dụng để mua sắm thêm vật tư, thiết bị thực hành và chi trả thêm giờ cho giảng viên”.

PGS.TS Ngô Văn Dưỡng - Phó GĐ ĐH Đà Nẵng cho biết: “Về khoản thu lệ phí rút lui học phần là theo quy định của thu học phí. Khoản thu này cũng được nhập vào nguồn thu học phí và chi theo quy định. Về mặt nguyên tắc, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật là trường tự chủ một phần tài chính, Hiệu trưởng có quyền quyết định một số khoản chi”. Về khoản thu cấp bảng điểm và lệ phí xét tốt nghiệp, theo như PGS.TS Ngô Văn Dưỡng thì đã được Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật công bố trên website của nhà trường và cũng chỉ phục vụ cho chi phí văn phòng phẩm, mua phôi bằng… “Tuy nhiên, những khoản thu này nhà trường không đưa vào quy định dù đã có thông báo nên ĐH Đà Nẵng cũng yêu cầu dừng thu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.