Khổ luyện mới ra nghề
Dưới ánh đèn rực rỡ của sân khấu tròn, các diễn viên xiếc tỏa sáng lộng lẫy, chinh phục con tim của hàng nghìn khán giả. Song để gặt hái được thành công cho từng tiết mục, tất cả đều phải đổ xuống sàn tập bao mồ hôi, nước mắt và cả những sự đau đớn vì chấn thương.
Hầu hết diễn viên xiếc được đào tạo chính quy từ khi mới chỉ 11 tuổi và phải chấp nhận cuộc sống tự lập xa gia đình từ lúc bắt đầu vào Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.
Lứa diễn viên đang tỏa sáng ở sân khấu của Liên đoàn xiếc Việt Nam hiện nay có nhiều người đã phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân trong luyện tập. Trong số họ có những cái tên như Bùi Thu Hương, Vũ Thanh Tuấn, Hồng Thúy. Họ đến với nghề xiếc từ khi còn là cậu bé, cô bé học sinh. Qua 15 năm gắn bó, giống như nhiều bạn diễn khác, xiếc không chỉ là nghề mà đó còn là cái nghiệp. Mỗi lần chấn thương, mỗi lần vấp ngã là một bài học để họ phải nỗ lực hơn, chiến thắng bản thân để chinh phục được khán giả.
Lương không đủ sống, công việc nguy hiểm gấp nhiều lần những nghề khác, tuổi nghề lại ngắn... là những khó khăn mà diễn viên xiếc trẻ đang gặp phải. Đã vậy, bị chấn thương trong lúc luyện tập hay biểu diễn là điều chắc chắn sẽ xảy ra chỉ có điều sớm hay muộn và mức độ nặng nhẹ thế nào thôi. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng dễ bị chấn thương. Nhẹ thì xây xước, trật khớp, bong gân... nặng hơn có khi phải bỏ nghề, thậm chí nguy hiểm cả tính mạng.
Trang phục biểu diễn cũng không phải đơn giản, để nhập vai có khi giữa thời tiết lạnh cóng thì mặc bộ đồ diễn mỏng tang, lúc nóng bức đứng không còn vã mồ hôi cũng phải khoác lên mình bộ đồ lông lá xù xì nặng 5-6 kg và chụp chiếc mặt nạ khỉ đột kín mít vào mặt, rồi còn nhào lộn, nhảy nhót di chuyển trên dây, vướng víu, khó khăn thêm.
Thường thì phải trải qua 5 năm học tập và khổ luyện, học viên mới có được vài tiết mục cơ bản. Sau đó, các diễn viên phải liên tục tập luyện nâng cao thì mới có được một tiết mục sở trường và giữ tiết mục đó cho tới khi kết thúc sự nghiệp biểu diễn.
Thế nhưng để khẳng định tài năng của bản thân, họ phải không ngừng tập luyện và sáng tạo ra những tiết mục mới và độc đáo. Khổ luyện là vậy nhưng tuổi nghề của diễn viên xiếc lại khá ngắn ngủi, ở nữ không quá 35 tuổi và nam giới khoảng 40 tuổi là thời điểm phải giải nghệ.
Các động tác trình diễn càng mạo hiểm bao nhiêu càng hấp dẫn người xem bấy nhiêu nhưng nguy cơ tai nạn lại càng dễ đến với diễn viên xiếc. Thế nên, ngoài sự tập trung cao độ, bảo hiểm cẩn thận các nghệ sĩ xiếc luôn phải thuộc lòng kinh nghiệm quý báu của bao lớp đàn anh: “Sàn tập đổ mồ hôi thì sàn diễn khỏi đổ máu”.
Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng trong tiết mục mang hình tượng bộ |
Để nghề không phụ người
Xiếc là môn nghệ thuật đặc thù. Theo nghề là lấy sự nguy hiểm tới cả tính mạng ra để mang đến trải nghiệm mới cho khán giả. Nhắc đến xiếc là nói đến những điều phi thường mà chỉ người nghệ sĩ dày công tập luyện mới làm được.
Thế nhưng, trong thời buổi công nghệ số phát triển chóng mặt, ngay cả người lớn lẫn trẻ nhỏ chỉ cần một thiết bị thông minh đều dễ dàng tiếp cận với mọi loại hình giải trí từ âm nhạc, trò chơi điện tử, phim ảnh... thì việc lôi cuốn khán giả đến rạp xiếc gặp quá nhiều khó khăn.
Để thu hút khán giả, Liên đoàn Xiếc liên tục đổi mới cách dàn dựng chương trình theo hướng hiện đại, bám vào những vấn đề mang hơi thở cuộc sống,đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật; Nỗ lực đổi mới từ kịch mục cho tới phương thức tổ chức biểu diễn nhằm nâng tầm xiếc Việt phát triển và hội nhập quốc tế.
Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng - Phó giám đốc phụ trách Marketting và Truyền thông Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: Trước những áp lực từ cơ chế và hoạt động biểu diễn, Ban giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn kiên trì với định hướng nghệ thuật, nỗ lực sáng tạo xây dựng các chương trình nghệ thuật giải trí chất lượng cao cũng như tìm nhiều phương thức mới trong tổ chức biểu diễn để thu hút khán giả.
Các chương trình biểu diễn phục vụ khán giả, đặc biệt là thiếu nhi đều được đầu tư và dàn dựng kịch bản, có nội dung,có chủ đề, có câu chuyện hấp dẫn với nhiều tình tiết xung đột, nhiều tuyến nhân vật, có lớp lang để liên kết các tiết mục lại thành chuỗi liên hoàn, đậm sắc thái nghệ thuật mà vẫn xuyên suốt đảm bảo tính logic. Xem xiếc các em vẫn thỏa thích thả trí tưởng tượng bay bổng cùng các nhân vật và trầm trồ thán phục những nghệ sĩ trẻ tài năng.
“Chúng tôi muốn loại hình nghệ thuật xiếc được nhìn nhận và tiếp cận ở một góc độ rộng mở hơn. Rằng xiếc không chỉ dành cho trẻ em, xiếc dành cho mọi khán giả. Và xiếc có thể truyền tải được tất cả các vấn đề trong xã hội đương đại” - nghệ sĩ Toàn Thắng khẳng định.
Sau chương trình nghệ thuật “Hà Nội của những giấc mơ” biểu diễn tại Nhà hát Lớn được công chúng tán thưởng, khen ngợi, dịp 27/7 vừa qua, lần đầu tiên Liên đoàn Xiếc dựng chương trình “Đi cùng năm tháng” thành một tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, mang chủ đề hướng về cội nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ và tiếp tục đưa hình ảnh người lính lên sân khấu qua ngôn ngữ xiếc. Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng chính là người viết kịch bản và dàn dựng với sự tham gia của các nghệ sĩ thuộc 4 đoàn biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Thành công của chương trình tạo nên sức mạnh, khích lệ động viên cả tập thể tự tin vào hướng đi mới, thêm động lực gắn bó với nghề.
Việc phát triển địa bàn hoạt động biểu diễn luôn được Ban giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chú trọng. Ngoài việc duy trì sân khấu đỏ đèn vào ngày cuối tuần ở Rạp xiếc trung ương, ba đoàn xiếc người, một đoàn xiếc thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang nỗ lực hoạt động trên nhiều sân khấu khắp trong Nam, ngoài Bắc và cả quốc tế. Ngoài tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế để đưa diễn viên đi lưu diễn dài ngày ở nước ngoài, liên đoàn còn có nhóm 14 nghệ sĩ xiếc kết hợp với Nhà hát Star Galaxy biểu diễn thường xuyên vào các tối thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần.