Ngành Xiếc cũng nằm trong vòng quay khắc nghiệt đó. Một trong những nỗi lo của giới làm nghề cho nghệ thuật xiếc hiện nay bắt đầu từ khâu tuyển sinh nhân lực theo học nghề. Không nhiều bạn trẻ còn hào hứng cũng như các gia đình có mong muốn cho con em gắn bó với bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự tập luyện, cống hiến như nghề Xiếc.
Thách thức tuyển sinh
Với nhiều ngành nghề trong xã hội, việc tuyển sinh hàng năm vẫn luôn trong tình trạng nóng và thậm chí tuyển không hết thì với nghệ thuật truyền xiếc khâu tuyển sinh luôn khó khăn, nhà trường phải chủ động tìm đến thí sinh để tuyển.
Đạo diễn, NSƯT Hoàng Minh Khánh – Hiệu trưởng Trường TC Nghệ thuật Xiếc và Tạp kĩ Việt Nam cho biết: Khi mức sống chung của nhân được nâng cao thì ngành nghề xiếc không còn “hot” như ngày xưa. Học sinh vào trường được tuyển theo năng khiếu tài năng. Trong khi nhiều học sinh có năng khiếu thì không phải em nào cũng thích xiếc, không phải bố mẹ nào cũng mang con đến trường Xiếc để tham dự tuyển sinh.
Chính vì vậy, nhiều năm nay để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh nhà trường phải vận động trước từ nhiều tháng. Đội ngũ cán bộ tuyển sinh sơ loại của trường đến từng cơ sở giáo dục đào tạo văn hóa phổ thông, các trường TH, THCS, TT- GDTX ở nhiều tỉnh thành để tìm học sinh. Việc tiếp cận học sinh không chỉ duy nhất mục đích là đi tìm nhân tài, mà còn là cách đánh thức, khơi dậy trong nhiều em sự đam mê, tình yêu với xiếc khi các em chưa có cơ hội thử thách bản thân.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó phòng Đào tạo Trường Xiếc, khó của tuyển sinh ngành xiếc là phải biết lựa chọn trong hàng nghìn học sinh để loại ra một vài em. Ở mùa tuyển sinh năm ngoái, trong hơn 8.000 học sinh đến tuyển ở các vòng thì trường chỉ lấy được 36 em. Năm nay từ vòng sơ tuyển được gần 6.000 học sinh thì đã có hơn 500 em trúng tuyển vòng 1 nhưng qua tuyển chọn vòng 2, vòng 3 cũng chỉ lấy 35 học sinh. Việc tuyển sinh ngành Xiếc khó khăn và khắc nghiệt vô cùng.
Khâu tuyển sinh học sinh của trường xiếc diễn ra ở nhiều vùng sâu vùng xa nên thời gian tuyển sinh khá dài. Thường đội ngũ tuyển sinh phải vận động từ tháng 3 và kết thúc vào cuối tháng 7 thậm chí sang đầu tháng 8. Bởi khâu tuyển sinh càng làm kĩ ở diện rộng và trong khoảng thời gian dài mới đảm bảo được việc lựa chọn những tài năng thực thụ.
Bên cạnh những khó khăn thực tế trong quá trình tìm “nhân tài” cho ngành Xiếc thì bản thân nhà trường cũng tồn tại không ít khó khăn về phương tiện tuyển sinh. Đến nay giáo viên nhà trường vẫn phải sử dụng phương tiện di chuyển tuyển sinh có từ năm 98. Trong vòng tuyển sinh ở ngoại thành Hà Nội, phạm vi vài chục cây số thì giáo viên vẫn phải trực tiếp đi xe máy…
Cùng đó, chế độ dành cho học sinh trường xiếc không có đặc thù. Đơn cử học sinh dù chỉ mới 11 tuổi đã vào trường học nhưng các em lại sống chung trong KTX với các học sinh lớn tuổi mà không có chế độ quản lý riêng. Điều đó tác động tới lối sống, tâm sinh lý khi các em bị ảnh hưởng từ học sinh lớn tuổi. Nếu học sinh trường xiếc không được quản lý, định hướng trong học tập và giáo dục sẽ không trở thành một sản phẩm đào tạo tốt mà thậm chí có thể bị hư hỏng. Để tháo gỡ những khó khăn này nhà trường đang trông đợi vào sự đầu tư, ưu tiên hơn nữa từ Bộ VH-TT&DL; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư…
Nỗ lực cho sản phẩm đầu ra
Những khó khăn thách thức từ vòng tuyển sinh ngành nghệ thuật Xiếc đến nay vẫn chưa tìm được hướng đi mới. Tuy nhiên, đạo diễn, TS. Hoàng Minh Khánh, cho biết cho dù khó khăn như vậy song khâu tuyển sinh luôn được nhà trường quan tâm hàng đầu bởi đây là khâu quyết định tới chất lượng giáo dục trong quá trình đào tạo tại trường.
Quả thực, ví mỗi thí sinh sẽ là những sản phẩm trực tiếp của đào tạo không quá bởi giáo viên giỏi, tác giả kịch bản có vẽ ra các động tác kĩ thuật cao, có thể xây dựng một tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện, tròn trịa đến mấy nhưng học sinh không đáp ứng được yêu cầu thì tác phẩm đó cũng xếp xó. Để đào tạo ra được các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng còn phụ thuộc phần lớn vào học sinh, bởi các em có thực hiện được hay không, có tài năng hay không mới thực hiện được đề án tiết mục.
Để đảm bảo cho một sản phẩm đầu ra đạt chất lượng, hiện nay trường Xiếc không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy mà vấn đề giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh cũng được đặt lên quan tâm hàng đầu.
Vấn đề giáo dục học sinh một cách toàn diện cả về nghề lẫn đạo đức lối sống đang được trường Xiếc quan tâm chú trọng. Và một trong những quan tâm đó đươc thể hiện từ khâu đổi mới của giáo viên. Ngoài ra vấn đề đặt ra cho giáo viên khi xây dựng một đề án, tiết xiếc thì nội dung tư tưởng chủ đề phải hướng vào cái thiện, phải xây dựng được hình ảnh con người VN, diễn viên xiếc VN. Mỗi khâu, mỗi tiết mục đều hướng tới giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Vì vậy sự tin tưởng những thế hệ học sinh diễn viên xiếc đang đào tạo trong nhiều năm trở lại đây sẽ trở thành những diễn viên xiếc thực thụ ngày mai.
Nhà trường luôn coi mỗi học sinh khi trải qua những vòng tuyển khắc nghiệt và được tuyển vào học tập như tài sản quý giá của nhà trường và quốc gia sau này. Vì vậy, không chỉ dạy học sinh về chuyên môn ngành Xiếc, nhà trường còn dạy về tư tưởng lối sống, đạo đức cho học sinh ngay từ khi bắt đầu học tập qua các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn thanh niên…
Công tác quản lý học sinh được tiến hành chặt chẽ từ tổ chức đoàn thanh niên, giáo viên chuyên ngành Xiếc, giáo viên văn hóa phổ thông; Chủ nhiệm lớp; đội ngũ quản lý học sinh ngoài giờ riêng biệt…