Xét xử vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG: Công bố các vi phạm nghiêm trọng của từng bị cáo

GD&TĐ -Bắt đầu từ 10h sáng nay, cơ quan nắm quyền công tố tại tòa công bố các hành vi vi phạm nghiêm trọng của từng bị cáo trong “thương vụ bẩn” Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Nhật Vũ được HĐXX cho phép ngồi, các bị cáo khác phải đứng để nghe cáo trạng truy tố.

Các bị cáo nghe đại diện cơ quan nắm quyền công tố tại tòa công bố cáo trạng
Các bị cáo nghe đại diện cơ quan nắm quyền công tố tại tòa công bố cáo trạng

Ngày 27/01/2015, Lê Nam Trà có Văn bản số 337/MOBIFONE-ĐHKT trình Bộ TT& TT xin phê duyệt chủ trương cho Mobifone đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số.

Theo sự chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, ngày 03/02/2015, Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp - Bộ TT& TT, lập Phiếu trình đề nghị cho Mobifone được thực hiện chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số mà không yêu cầu Mobifone lập dự án đầu tư mới để có căn cứ so sánh, lựa chọn phương án đầu tư. Đề xuất của Phạm Đình Trọng được Nguyễn Bắc Son đồng ý.

Ngày 05/3/2015, Trương Minh Tuấn, khi đó là Thứ trưởng Bộ TT&TT có văn bản số 44/BTTTT-QLDN gửi Bộ Công an đề xuất đưa dự án vào danh mục tài liệu “Mật”. Ngày 20/3/2015 Nguyễn Bảo Long, Phó Tổng giám đốc Mobifone đã ký bản ghi nhớ với Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG về việc mua bán cổ phần của AVG.

Sau khi ký bản ghi nhớ việc mua bán cổ phần với AVG, Lê Nam Trà với chức vụ Chủ tịch HĐTV Mobifone đã chỉ đạo Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, thành viên HĐTV và Ban Tổng giám đốc thực hiện đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính của AVG, lựa chọn đơn vị tư vấn, tiến hành đàm phán mua cổ phần, lập dự án đầu tư trình Bộ TTTT phê duyệt dự án và ký kết Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, thanh toán các chi phí liên quan đến dự án.

Căn cứ các báo cáo của các Phó Tổng giám đốc và các Ban chức năng, sau khi tổng hợp, Cao Duy Hải, Tổng giám đốc cùng các Phó Tổng giám đốc Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Nguyễn Mạnh Hùng và Phạm Thị Phương Anh cùng ký Văn bản số 5054/MOBIFONE ngày 14/9/2015 trình HĐTVMobifone về việc báo cáo bổ sung danh mục và phê duyệt Dự án đầu tư truyền hình, có nội dung: Về mặt tài chính của AVG, theo báo cáo kiểm toán của Công ty kiểm toán KPMG, ý kiến rà soát của Công ty kiểm toán E&Y và ý kiến đánh giá của VCBS thì đến hết năm 2014, AVG vẫn đang lỗ kế hoạch trên 300 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3/2015, giá trị tài sản là 3.334 tỷ đồng (loại trừ phần ghi lợi nhuận từ Công ty An Viên B.P là 2.943,5 tỷ đồng và một số khoản mục khác); tổng nợ phải trả là 1.334 tỷ đồng; giá trị tài sản ròng là 1.970 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự án là 11.370 tỷ đồng; trong đó 8.898,3 tỷ đồng (90,1% cổ phần cho phần truyền hình); Cơ cấu vốn: 30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay, g =2,42%, NPV=1.778 tỷ đồng>0, IRR=12,55%> 10,89% và thời gian hoàn vốn là 10,4 năm.

Ngày 18/9/2015, Mobifone và AVG tổ chức cuộc họp, theo đó đại diện 02 bên đã thống nhất mức giá mua, bán đề xuất là 11.371,5 tỷ đồng, trong đó gồm: 8.898,3 tỷ đồng là số tiền các cổ đông thực nhận để bán 95% cổ phần công ty AVG cho Mobifone và 2.473,2 tỷ đồng là số tiền các cổ đông AVG nhận để mua lại 02 tài sản ngoài lĩnh vực truyền hình.

Kết quả điều tra đã xác định: Trong quá trình thực hiện dự án, Tổ giúp việc và Ban giám đốc Mobifone đã 05 lần đàm phán với AVG để xác định giá mua bán cổ phần. Quá trình đàm phán, Phạm Nhật Vũ đại diện cho AVG đã đưa ra mức giá chào bán trên cơ sở Công ty nước ngoài trả giá mua AVG 700 triệu đô la Mỹ và AVG đã nhận đặt cọc 10 triệu đô la Mỹ; mặc dù đây chỉ là thông tin do AVG đưa ra và không có cơ sở chứng minh nhưngvẫn được Tổ giúp việc, Ban giám đốc Mobifone đồng ý chấp nhận mà không đánh giá nội dung trên có căn cứ hay không.

Sau khi ký thỏa thuận và hợp đồng, chỉ trong vòng 19 ngày (từ ngày 28/12/2015 đến ngày 15/01/2016) Mobifone đã thanh toán 8.445,324 tỷ đồng(tương đương 95% tổng giá trị hợp đồng) cho các cổ đông AVG.

Hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là: 6.475.324.611.000 đồng (được tính 8.445.324.611.000 đồng là số tiền Mobifone đã thanh toán cho AVG - 1.970.000.000.000 đồng là tài sản ròng của AVG). Ngoài ra, Mobifone còn bị thiệt hại 115.031.655.556 đồng là tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn để thanh toán cho AVG. Như vậy Mobifone đã thiệt hại tổng số là: 6.590.356.266.556 đồng

Trong vụ án này, Nguyễn Bắc Son được xác định là người chỉ đạo trực tiếp việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến về việc sử dụng các kênh tần số đã cấp cho AVG nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo Trương Minh Tuấn ký Quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone; chỉ đạo Lê Nam Trà ký các Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG ngay trong năm 2015.

Nguyễn Bắc Son chỉ đạo quyết liệt Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng và các bị can kháclàm trái quy định của Luật số 67/2014/QH13 và Luật số 69/2014/QH13 về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Trương Minh Tuấn được xác định với trách nhiệm là Thứ trưởng Bộ TT&TT, đã đồng ý với đề xuất của Phạm Đình Trọng và theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đồng ý đưa giao dịch Mobifone mua cổ phần của AVG vào danh mục “Mật” nhà nước và ký văn bản gửi Bộ Công an để thống nhất.  

Bị can Trương Minh Tuấn khai nhận đã ký một số văn bản, báo cáo liên quan trong quá trình thực hiện dự án, tham gia chỉ đạo Tổ thẩm định, thông qua báo cáo thẩm định ngày 23/10/2015 và báo cáo đánh giá dự án dịch vụ truyền hình của Mobifone kèm Văn bản số 209/BTTTT- QLDN ngày 28/10/2015.

Cáo trạng cũng xác định ông Trương Minh Tuấn nhận thức dự án có tổng mức đầu tư  8.900 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Luật số 67/2014/QH13, nhưng theo chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn vẫn ký Quyết định phê duyệt đầu tư Dự án tại Mobifone trong khi Thủ tướng Chính phủ chưa quyết định chủ trương đầu tư dự án là vi phạm Điều 31Luật số 67/2014/QH13

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.