Xét xử vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: 'Lỗ hổng' quản lý

GD&TĐ - Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, có chi phí đầu tư hơn 34,5 nghìn tỷ đồng và được Chính phủ phê duyệt.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Trước Hội đồng xét xử (HĐXX), cựu lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thừa nhận nguyên nhân và trách nhiệm với những hư hỏng của Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong khi đó, đại diện nhà thầu cho rằng đã làm đúng quy trình, nếu có sai chỉ là “cục bộ”.

Người đứng đầu VEC khai gì?

Ngày 17/10, ngày thứ 2 HĐXX Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội tiến hành xét xử vụ án Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng tại Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2, gây thiệt hại 460 tỷ đồng.

Trả lời tại tòa, bị cáo Trần Văn Tám (cựu Tổng Giám đốc VEC) cho biết, Bộ GTVT là đơn vị chủ quản của VEC. Đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng trước Bộ GTVT.

Là người đứng đầu doanh nghiệp, bị cáo Trần Văn Tám cho biết, Hội đồng thành viên công ty chỉ ra các nghị quyết, việc điều hành kinh doanh sẽ do Ban Tổng Giám đốc thực hiện. Khi có một dự án được triển khai, bộ máy của VEC sẽ cử một Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng đứng ra quản lý thi công.

Riêng tại Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bị cáo Trần Văn Tám cho hay, có hai Phó Tổng Giám đốc của VEC phụ trách là Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Quang Hào.

Bị cáo Tám cũng cho rằng, tuyến đường là dự án trọng điểm quốc gia. Ở giai đoạn một có 7 gói thầu xây lắp chính, giai đoạn hai có 5 gói thầu xây lắp và 2 gói phụ trợ. Thời điểm ông nhận chức vụ Tổng Giám đốc thì giai đoạn hai mới bắt đầu nghiệm thu.

Sau khi đưa công trình vào khai thác đã có một số đoạn hư hỏng trên mặt đường, nguyên nhân được ông Tám nhận định do “một số loại nguyên vật liệu không đảm bảo chất lượng”.

“Trong quá trình thi công, VEC có nhận được cảnh báo từ Bộ GTVT và Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về chất lượng công trình không đảm bảo và yêu cầu khắc phục...”, bị cáo Tám nói.

Cựu Tổng Giám đốc VEC khai thêm, do là dự án trọng điểm quốc gia nên khi thi công VEC buộc phải thuê đơn vị tư vấn giám sát. Chức năng của nhóm tư vấn giám sát sẽ quản lý hợp đồng của chủ đầu tư; kiểm soát nguyên vật liệu; kiểm tra chất lượng đo đạc tại hiện trường như bề dày mặt đường và kiểm tra toàn bộ các công việc thực hiện ngoài công trình và nghiệm thu… Khi có dấu hiệu sai phạm về chất lượng, đơn vị tư vấn giám sát sẽ chịu trách nhiệm chính.

Khi được hỏi về vai trò, trách nhiệm là người đứng đầu VEC, bị cáo cáo Tám cho rằng: “Trong bản cung cũng đã nêu rằng bị cáo có trách nhiệm”.

Đối với chi tiết gây hại hơn 460 tỷ đồng cơ quan tố tụng quy kết, bị cáo Trần Văn Tám nhận mình có liên đới. Vì đó, trong giai đoạn điều tra bị cáo đã tác động gia đình nộp hơn 600 triệu đồng khắc phục hậu quả.

HĐXX tiến hành xét hỏi các bị cáo tại phiên tòa.

HĐXX tiến hành xét hỏi các bị cáo tại phiên tòa.

Nhà thầu “phản pháo”

Với phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Thuật, cựu Giám đốc Ban Điều hành liên danh của nhà thầu thi công gói thầu A1 (bị truy tố tội Vi phạm quy định đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng) khẳng định đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ trong quá trình thi công.

Theo bị cáo Nguyễn Văn Thuật, với đặc thù dự án giao thông có nhiều thiết bị máy móc, nhiều hạng mục có thể có sai sót. Bị cáo Thuật cũng nhiều lần khẳng định nhà thầu đã thực hiện đầy đủ quy trình, nếu có hỏng hóc thì đó chỉ là sai sót cục bộ, không đại diện cho toàn tuyến, cho toàn bộ lớp vật liệu. “Thực tế, công trình hiện nay không hư hỏng...’’, bị cáo Thuật khẳng định.

Theo cựu Giám đốc Ban Điều hành liên danh của nhà thầu thi công gói thầu A1, quá trình điều tra, nhà thầu có đơn gửi cơ quan điều tra khẳng định nếu có sai sót nhà thầu sẵn sàng khắc phục, thực hiện bảo hành đúng như hợp đồng.

Liên quan sai phạm khi nghiệm thu, bị cáo Thuật nói rằng nghiệm thu của nhà thầu là đảm bảo, nhưng mẫu của nhà thầu và cơ quan giám định là khác nhau nên kết quả có thể sai khác, nhưng “chỉ là cục bộ’’.

Với tội danh bị truy tố, bị cáo Thuật khai, không rành nhưng nhận thấy đây là tội danh liên quan công tác đầu tư. Còn bị cáo là nhà thầu, bị cáo đã thực hiện đầy đủ các quy trình thi công và chấp hành quy định khác.

Như Báo GD&TĐ đưa tin, sáng 16/10, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm với các bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về xây dựng, gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 (dài hơn 74km) Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Thẩm phán Nguyễn Thanh Nhã làm chủ tọa phiên tòa. Hai đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP Hà Nội thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử tại phiên tòa.

Trong vụ án này, Viện KSND Tối cao truy tố 22 bị cáo. Trong đó, Trần Văn Tám bị truy tố về 2 tội danh “Vi phạm quy định về đầu tư công trình gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu Tổng Giám đốc VEC) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, có chi phí đầu tư hơn 34,5 nghìn tỷ đồng và được Chính phủ phê duyệt. Dự án do VEC làm chủ đầu tư, có chiều dài toàn tuyến là gần 140 km được chia làm 2 giai đoạn. Sau giai đoạn 1, kết quả điều tra tuyến đường hơn 74km ở giai đoạn 2 cơ quan chức năng kết luận nhiều sai phạm.

Trong đó chỉ rõ các bị cáo là lãnh đạo thuộc chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu nguồn, thiết kế phối trộn, thi công thử đến thi công đại trà các lớp vật liệu.

Bên cạnh đó, khi tiến hành nghiệm thu, các bị cáo không thực hiện đo cường độ mô-đun đàn hồi trên các lớp vật liệu. Đồng thời, có nhiều hạng mục thi công tiến hành nghiệm thu không có sự tham gia của đại diện ban quản lý dự án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ