Dàn lãnh đạo VEC gây thiệt hại hơn 460 tỷ đồng

GD&TĐ - Tổng Công ty VEC đã nghiệm thu, thanh toán cho các nhà thầu tổng số tiền hơn 460 tỷ đồng đối với các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng.

Bị cáo tại phiên tòa xét xử sáng 16/10.
Bị cáo tại phiên tòa xét xử sáng 16/10.

Hành vi của các bị cáo khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2 dài hơn 74km) không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn đưa vào vận hành và sau đó hư hỏng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng.

Liên tiếp sai phạm

Sáng 16/10, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm với các bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về xây dựng, gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 (dài hơn 74km) Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Thẩm phán Nguyễn Thanh Nhã làm chủ tọa phiên tòa. Hai đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP Hà Nội thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử tại phiên tòa. Trong vụ án này, Viện KSND tối cao truy tố 22 bị cáo.

Trong đó, Trần Văn Tám (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) bị truy tố về 2 tội danh “Vi phạm quy định về đầu tư công trình gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu Tổng Giám đốc Công ty VEC) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phiên tòa có hơn 30 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Tại phiên tòa sáng 16/10, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án vắng mặt (có đơn). Trước sự vắng mặt này, đại diện của Viện KSND đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) có thể triệu tập những người liên quan đến vụ án trong quá trình xét xử khi cần thiết.

Theo cáo trạng, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, có chi phí đầu tư hơn 34,5 nghìn tỷ đồng và được Chính phủ phê duyệt. Dự án do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có chiều dài toàn tuyến là gần 140 km được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 chiều dài tuyến đường 65km (từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) gồm 8 gói thầu (7 gói thầu thi công đường và 1 gói thầu thi công cầu). Giai đoạn 2 chiều dài tuyến đường hơn 74km (từ TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gồm 5 gói thầu thi công đường.

Dự án khởi công ngày 19/5/2013, đưa vào sử dụng tuyến đường thuộc giai đoạn 1 ngày 1/8/2017 và đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường thuộc giai đoạn 2 ngày 2/9/2018.

Tuy nhiên khi mới đưa vào vận hành khai thác, toàn tuyến đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông gây bức xúc trong dư luận.

Kết quả điều tra tuyến đường thuộc giai đoạn 1 của dự án, xác định các đối tượng thuộc các đơn vị (chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát) đã có hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng và vi phạm quy định về xây dựng dẫn đến chất lượng thi công công trình không đảm bảo, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 811 tỷ đồng. Qua đó đã có 36 đối tượng phạm tội bị truy tố xét xử giai đoạn 1 của vụ án.

Sau giai đoạn 1, kết quả điều tra tuyến đường hơn 74km ở giai đoạn 2 cơ quan chức năng kết luận nhiều sai phạm. Trong đó chỉ rõ các bị cáo là lãnh đạo thuộc chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu nguồn, thiết kế phối trộn, thi công thử đến thi công đại trà các lớp vật liệu.

Bên cạnh đó, khi tiến hành nghiệm thu, các bị cáo không thực hiện đo cường độ mô-đun đàn hồi trên các lớp vật liệu. Đồng thời, có nhiều hạng mục thi công tiến hành nghiệm thu không có sự tham gia của đại diện ban quản lý dự án.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Theo Viện KSND tối cao, Tổng Công ty VEC đã nghiệm thu, thanh toán cho các nhà thầu tổng số tiền hơn 460 tỷ đồng đối với các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng của các gói thầu (giai đoạn 2).

Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng nêu trên cơ quan bảo vệ pháp luật đã làm rõ vị trí vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công trong việc tổ chức thi công, nghiệm thu công trình không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế của dự án.

Cụ thể, hành vi của các bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu Tổng Giám đốc Công ty VEC từ năm 2015 đến ngày 1/6/2017) và Trần Văn Tám (cựu Tổng Giám đốc VEC từ ngày 1/6/2017 đến khi kết thúc dự án) bị cáo buộc buông lỏng công tác quản lý, không kiên quyết chỉ đạo để kịp thời khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện dự án về nguồn vật liệu, công tác thi công và nghiệm thu dự án.

Ngoài ra, hai cựu lãnh đạo trên còn không có các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng thi công, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trong đó, Mai Tuấn Anh liên quan trách nhiệm về thiệt hại số tiền hơn 698 tỷ đồng, Trần Văn Tám liên quan trách nhiệm về thiệt hại số tiền hơn 529 tỷ đồng. Hành vi của Mai Tuấn Anh và Trần Văn Tám đã phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Khoản 3 Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài việc đưa ra xét xử đối với 22 bị cáo trong vụ án, Cơ quan điều tra xác định có 27 người nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Philippines, Úc) đã có hành vi phạm tội liên quan các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án, nhưng đều đã về nước trước khi khởi tố vụ án.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án hình sự liên quan đến hành vi phạm tội của 27 đối tượng người nước ngoài để giải quyết sau khi có kết quả tương trợ tư pháp về hình sự.

Trước đó (ngày 25/9/2023), TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên một số người có quyền, lợi ích hợp pháp trong vụ án vắng mặt. Trong đó, bị cáo Nguyễn Anh Sơn, nguyên Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công gói thầu A5 Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cấp cứu tại bệnh viện nên để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bị cáo cũng như những người có quyền, nghĩa vụ liên quan được đảm bảo, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.