Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Bao giờ hạ nhiệt?

GD&TĐ - Cứ 2 năm một lần, việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại được tiến hành, và mỗi đợt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ đều ồn ào, ầm ĩ những tranh cãi bên lề.

Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Bao giờ hạ nhiệt?

Câu chuyện phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 8 này suốt hơn nửa tháng qua vẫn chưa hạ nhiệt.

Những tranh cãi về tiêu chí xét duyệt

Từ năm 1984, nước ta bắt đầu phong tặng danh hiệu để tôn vinh đóng góp của các nghệ sĩ. Năm nay là năm thứ 8 xét tặng danh
hiệu NSND, NSƯT. Theo Nghị định 89 (mới ban hành vào năm 2014) quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT như sau:

NSƯT muốn được xét tặng danh hiệu NSND phải có ít nhất 2 huy chương Vàng, còn nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu NSUT phải có ít nhất 2 huy chương Vàng quốc gia, hoặc 1 huy chương Vàng cùng 2 huy chương Bạc…

Thực tế cho thấy, nếu lấy tiêu chuẩn về huy chương làm điều kiện bắt buộc trong xét tặng danh hiệu thì rất nhiều nghệ sĩ sẽ bị thiệt thòi vì không đủ số huy chương, giải thưởng mặc dù họ có nhiều năm cống hiến, đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà.

Có không ít nghệ sĩ tài năng đang hoạt động tự do, không thuộc các đoàn công lập, họ khó có điều kiện để tham dự các cuộc thi, hội diễn, nên cơ hội giành huy chương là không thể. Trong danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng lần thứ 8 này cũng không có tên những gương mặt nổi trội của sân khấu Việt Nam như Chí Trung, Xuân Hinh, Minh Hằng, Thanh Ngoan… bởi họ không đủ số huy chương Vàng, huy chương Bạc theo quy định.

Theo đạo diễn - NSND Thanh Vân, “Những tranh cãi là không tránh khỏi. Nhưng, xét tặng danh hiệu là xét tặng cho những nghệ sĩ có tài năng, có sự cống hiến lớn với nghệ thuật. Để có được danh hiệu, người nghệ sĩ đã phải nỗ lực rất nhiều, cố gắng rất nhiều, cống hiến rất nhiều.

Vậy, nên chăng, hãy bỏ bớt đi các quy định “phụ” ví dụ như về số năm làm nghề… để tập trung dành sự ưu tiên hàng đầu cho việc đánh giá năng lực, sự cống hiến của người nghệ sĩ?”.

Không làm thấp tiêu chuẩn

Trước những luồng dư luận trái chiều về việc xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ năm nay, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Việt Nam cho biết: Để đưa ra danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSUT lần thứ 8, Hội đồng đã phải làm việc rất công tâm.

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng: “Chúng ta có quy định của nghị định rồi, đó là khung cứng. Tất nhiên ở đây không chỉ có là huy chương Vàng mà còn có sự đóng góp chung được khán giả, được bạn nghề công nhận.

NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhấn mạnh, những nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu cần phải là những người có tầm ảnh hưởng đến lĩnh vực nghệ thuật mình hoạt động, cũng như được đông đảo công chúng biết tới. “Để tôn vinh một nghề đẹp đẽ như chúng ta cũng có biết bao chuyện rắc rối xung quanh.

Cho nên giữa cái cần và đủ chúng ta cũng nên trao đổi. Với danh hiệu NSND, ảnh hưởng uy tín về nghề nghiệp xã hội cao hơn rất nhiều nên chúng ta phải tôn vinh ở mức độ khác. Với danh hiệu NSƯT, chúng ta không làm thấp tiêu chuẩn. Đáng lưu ý là hiện nay có rất nhiều người hiểu NSƯT còn cao hơn cả NSND”. 

Đối với người nghệ sĩ những cống hiến, hi sinh cho nghệ thuật được Nhà nước và công chúng ghi nhận, đó là một phần động lực giúp họ lao động hết mình để tiếp tục cống hiến tài năng cho khán giả. Điều quan trọng cần một cuộc “cách mạng” trong việc cải tổ hình thức, nội dung việc xét duyệt: Từ thay đổi tiêu chí xét duyện đến mở rộng thành phần hội đồng, nên có các nhà chuyên môn ở nhiều thế hệ, các nhà báo, những nhà phê bình,…đặc biệt là đại diện công chúng cũng được tham gia bình xét, như vậy mới đảm bảo tính khách quan, công bằng cho nghệ sỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ