Xét nghiệm xem xét các dấu ấn sinh học có thể giúp xác định khách quan nguy cơ mắc chứng lo âu của một người nào đó. Đồng thời, xác định mức độ nghiêm trọng của chứng lo âu hiện tại và liệu pháp điều trị hiệu quả nhất.
Giờ đây, xét nghiệm đang được phát triển để các bác sĩ sử dụng rộng rãi hơn.
Giáo sư tâm thần học Alexander Niculescu - tác giả nghiên cứu, cho biết: “Nhiều người đang phải chịu đựng sự lo lắng. Điều này có thể gây cản trở cuộc sống hằng ngày. Họ có thể dùng thuốc. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể gây nghiện và tạo ra nhiều vấn đề hơn”.
Do đó, các nhà khoa học muốn xem liệu phương pháp xác định dấu ấn sinh học trong máu có thể giúp kết hợp với các loại thuốc để mang lại hiệu quả tốt hơn hay không.
Nghiên cứu trước đây của Niculescu đã tạo tiền đề cho sự phát triển các xét nghiệm máu về đau, trầm cảm/rối loạn lưỡng cực và rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Công trình mới nhất này, được xuất bản trên tạp chí Molecular Psychiatry, sử dụng các phương pháp tương tự.
Nghiên cứu bao gồm ba bước độc lập. Đó là khám phá, xác nhận và thử nghiệm. Những người tham gia sẽ hoàn thành xét nghiệm máu cứ sau 3 - 6 tháng hoặc bất cứ khi nào phải nhập viện vì vấn đề sức khoẻ tâm thần.
Bằng cách kiểm tra các dấu ấn sinh học RNA trong máu, nhóm nghiên cứu có thể xác định tình trạng lo lắng hiện tại của bệnh nhân. Đồng thời, kết hợp với các loại thuốc và dược phẩm.
Nhà nghiên cứu Niculescu cho biết: “Ngoài thuốc, còn có những phương pháp khác để điều trị chứng lo âu, như liệu pháp hành vi nhận thức hoặc thay đổi lối sống. Tuy nhiên, cái nhìn khách quan như thế này giúp có thể biết tình trạng hiện tại cũng như rủi ro trong tương lai của một người. Từ đó, có những lựa chọn điều trị phù hợp với họ”.
Dấu ấn sinh học của một người cũng có thể thay đổi theo thời gian. Theo ông Niculescu, xét nghiệm có thể giúp đánh giá nguy cơ phát triển mức độ lo lắng cao hơn của một người trong tương lai, cũng như các yếu tố khác ảnh hưởng đến sự lo lắng, như thay đổi nội tiết tố.
“Có những người mắc chứng lo âu nhưng không được chẩn đoán chính xác. Sau đó, họ lên cơn hoảng loạn, nhưng nghĩ rằng mình đang bị đau tim và đến phòng cấp cứu với hàng loạt triệu chứng thể chất”, ông Niculescu chia sẻ.
Theo các nhà nghiên cứu, xét nghiệm mới này cũng có thể được kết hợp với các xét nghiệm máu khác. Qua đó, mang lại cái nhìn toàn diện hơn và nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong tương lai của một người.