Xếp hạng quốc tế: Có bắt buộc phải kiểm định chất lượng?

GD&TĐ - GS.TS Vũ Văn Yêm – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, tự chủ đại học là cơ hội để các trường đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

GS.TS Vũ Văn Yêm phân tích, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”  đã mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Đây là cơ hội để các trường đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa hoc và phục vụ cộng đồng. Do đó, đây cũng là cơ hội để các trường có thể tham gia xếp hạng, cũng như thăng hạng.

“Cần phải hiểu đúng về tự chủ: Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và tự chủ không có nghĩa là cắt chi thường xuyên…” - GS.TS Vũ Văn Yêm nhấn mạnh; đồng thời trao đổi:Kiểm định  trường và kiểm định chương trình đào tạo rất quan trọng và cần thiết đối với các trường đại học.

Việc kiểm định thể hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học đối với xã hội, người học và các bên liên quan. Mặt khác, đây cũng là công cụ để các trường nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học.

GS.TS Vũ Văn Yêm cho biết, đối với bảng xếp hạng quốc tế uy tín như QS, THE thì kiểm định chất lượng đào tạo (kiểm định trường và kiểm định chương trình đào tạo) không phải là yêu cầu bắt buộc.

GS.TS Vũ Văn Yêm (bên trái) trong một lần tham gia giao lưu trực tuyến trên Báo Giáo dục & Thời đại.
GS.TS Vũ Văn Yêm (bên trái) trong một lần tham gia giao lưu trực tuyến trên Báo Giáo dục & Thời đại.

Tuy nhiên, theo GS Yêm, để được tham gia xếp hạng thì phải đáp ứng một số yêu cầu khác như sau:

Đối với bảng xếp hạng Times Higher Education:

* Với bảng xếp hạng tổng thể trường, cơ sở giáo dục đại học muốn được xếp hạng cần:

Có hơn 1000 công bố trong 5 năm gần nhất, trong đó không năm nào dưới 150 bài trong hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus;

Có đào tạo bậc đại học (những trường chỉ đào tạo sau đại học không được xếp hạng);

KHÔNG chỉ tập trung vào một lĩnh vực hẹp hay có hơn 80% số bài công bố chỉ thuộc một lĩnh vực;

Cung cấp các con số “tổng số” cho số liệu năm xếp hạng;

KHÔNG có nhiều hơn 2 trong số các chỉ số quan trọng (số giảng viên, số giảng viên quốc tế, số cán bộ nghiên cứu, số sinh viên, số sinh viên quốc tế, số bằng cử nhân/kỹ sư được cấp, số bằng Tiến sĩ được cấp, thu nhập, thu nhập từ nghiên cứu, thu nhập từ thương mại hoá và chuyển giao công nghệ) bằng 0 (hoặc được đánh dấu là “không có” hoặc “chưa có”). Nếu những dữ liệu này không được khai báo thì những dữ liệu liên quan khác cũng không thể hoàn thành;

Cung cấp số liệu cho ít nhất một nhóm ngành;

KHÔNG nằm trong danh sách loại trừ đặc biệt.

*  Với bảng xếp hạng theo nhóm ngành, các trường cần đạt chỉ tiêu tối thiểu về số công bố trong vòng 5 năm gần nhất, số lượng và tỉ lệ giảng viên theo nhóm ngành.

Đối với bảng xếp hạng Quacquarelli Sydmonds:

* Với bảng xếp hạng tổng thể trường, cơ sở giáo dục đại học muốn được xếp hạng cần:

Vừa đào tạo, vừa nghiên cứu. Những cơ sở chỉ nghiên cứu (research institutes) không được xếp hạng;

Nghiên cứu tại ít nhất hai trong số năm nhóm ngành (nhân văn học/arts and humanities, kỹ thuật và công nghệ, quản lý và khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, y học và khoa học sự sống). Những trường chỉ nghiên cứu một lĩnh vực hẹp có thể được xếp hạng theo các chỉ số nhất định nhưng không được xếp hạng tổng thể, ví dụ như trường HEC Paris, Bocconi ở Ý;

Đào tạo cả bậc đại học và sau đại học. Những trường vốn dĩ chỉ đào tạo đại học hoặc sau đại học, sau đó mở rộng bậc đào tạo có thể được xếp hạng sau ít nhất 3 năm từ khi khoá sinh viên/học viên cao học/nghiên cứu sinh đầu tiên tốt nghiệp từ hai trong số năm nhóm ngành được QS quy định như điều kiện 2.

Với bảng xếp hạng QS theo nhóm ngành, cơ sở giáo dục đại học cần:

Đào tạo cả đại học và sau đại học cho nhóm ngành đó;

Đạt chỉ tiêu tối thiểu về số công bố bởi Scopus trong 5 năm gần nhất theo nhóm ngành;

Đặt chỉ tiêu tối thiểu về điểm số cho khảo sát uy tín học thuật và/hoặc uy tín nhà tuyển dụng tuỳ nhóm ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.