Tuy nhiên, làm thế nào để tự chủ một cách toàn diện, đúng đắn và trong khuôn khổ các quy định của pháp luật là vấn đề gây băn khoăn ở không ít trường. TS Trần Đình Lý- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM- đơn vị đang thí điểm cơ chế tự chủ 75% đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề trên.
Nếu làm triệt để sẽ nâng cao chất lượng đào tạo
Theo TS Trần Đình Lý- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, tự chủ đại học có nhiều điểm ưu việt, nếu làm tốt, làm đúng sẽ giúp các trường phát triển rất nhanh. Bởi tự chủ sẽ giúp các trường đại học tháo gỡ được nhiều vướng mắc về quản lý nhà nước, về hoạt động của nhà trường.
Quyền tự chủ của các trường (theo Luật Giáo dục Đại học -Luật số 34 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019) được thể hiện ở nhiệm vụ và quyền hạn của Luật như Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Hội đồng quản trị, của cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục, tuyển sinh, văn bằng, học phí, lệ phí tuyển sinh… Vì vậy, khi áp dụng cơ chế tự chủ, trường đại học sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn từ việc đầu tư nghiên cứu khoa học đến thay đổi chương trình đào tạo và khẳng định thương hiệu.
“Thực tế, tự chủ đại học là gắn liền với trách nhiệm giải trình, nên mỗi trường sẽ tự lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tự chủ đại học và tự chịu trách nhiệm thực sự là con đường để cơ sở giáo dục thúc đẩy học thuật, nghiên cứu khoa học, quản lý tài chính và quản trị đại học.
Cá nhân tôi nhìn nhận, tự chủ đại học cơ bản là điểm thông, tháo gỡ các chính sách, vướng mắc… qua đó thúc đẩy sự năng động và sự phát triển của từng cá nhân, khoa, tổ bộ môn từ đó kéo theo là sự vững mạnh của cơ sở giáo dục đại học”- TS Trần Đình Lý nói.
Theo nhiều cán bộ quản lý, cơ chế tự chủ đại học sẽ giúp nhà trường chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong các hoạt động. Đặc biệt, khi chuyển sang tự chủ hoàn toàn, trường đại học sẽ chuyển sang phương cách đánh giá bằng chất lượng uy tín, thương hiệu, có khả năng thu hút được sinh viên và có những chế độ chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên.
“Khi tự chủ, các trường đại học tự chủ tài chính, tự chủ về nguồn thu – chi, được thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, được ngưng hoặc mở ngành để đào tạo theo nhu cầu của xã hội nếu như đáp ứng được điều kiện theo quy định. Tự chủ đại học còn góp phần thúc đẩy sự phát triển nhiều hơn trong mỗi cá nhân của trường, giúp các thầy cô khơi dậy sức sáng tạo, là cơ hội tốt để nâng cao chất lượng giáo dục đại học”- TS Trần Đình Lý đánh giá.
Phân rõ trách nhiệm từng bộ phận và có cơ chế giám sát
Những giá trị cốt lỗi mà cơ chế tự chủ toàn diện mang lại cho các trường là rất rõ ràng, nhất là với các trường đang theo đuổi con đường tự chủ nhiều năm qua như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM... Tuy nhiên, ở khía cạnh nhỏ, sự nhạy cảm mà cơ chế thoát Bộ chủ quản mang lại (như quản trị, tài chính, công khai thu nhập) ít nhiều vẫn để lại những "gợn sóng" băn khoăn.
Do đó, theo TS Trần Đình Lý, ba thành tố gồm tự chủ tài chính - trách nhiệm giải trình của nhà trường và vấn đề Hội đồng trường có mối quan hệ biện chứng. Khi nhà trường được trao thẩm quyền và mức tự chủ lớn, thì vấn đề tất yếu đặt ra là cơ chế nào và ai sẽ kiểm soát việc “thực thi quyền lực”, và giám sát kết quả - chất lượng hoạt động của đơn vị tự chủ. Đây là dấu hỏi, nhưng thực tế là điều bắt buộc phải có và được đặt ra, nếu không muốn đơn vị từ tự chủ toàn diện, quyền lực tuyệt đối của một nhóm lãnh đạo.... sẽ dễ dẫn đến những nảy sinh chủ quan duy ý chí.
Theo TS Trần Đình Lý, trong quá trình tự chủ, nếu người đứng đầu có tâm, có tầm, có uy tín, vì lợi ích chung thì sẽ rất thuận lợi cho sự phát triển. Chúng ta dễ thấy tính chất đặc thù của hệ thống giáo dục đại học, cơ chế đó chính là đổi mới quản lý nhà nước và sự tham gia giám sát của xã hội, gắn với chế định rõ trách nhiệm giải trình của các trường. Khi đó trách nhiệm giải trình là một vấn đề mang tính pháp lý quan trọng để kiểm soát thực thi quyền lực và giám sát hoạt động của nhà trường.
“Tự chủ đại học gắn với Hội đồng trường như là sự đương nhiên, mặc dù Hội đồng trường đã được chế định trong Luật giáo dục Đại học, nhưng trên thực tế có rất ít trường đại học có Hội đồng trường đúng nghĩa. Đặc biệt, uy tín, tầm ảnh hưởng của người đứng đầu cũng như các thành viên sẽ tác động rất lớn đến vai trò của Hội đồng trường.
Hiện nay, ở nhiều cơ sở theo đuổi cơ chế tự chủ đã và đang bộc lộ những bất cập, hiệu lực và hiệu quả chưa cao. Có nơi có thực quyền nhưng thực sự không có thực lực. Chính điều đó đã làm giảm nhịp độ phát triển của đơn vị, cũng như chưa thuyết phục hệ thống chính quyền, xã hội một cách toàn diện”- TS Trần Đình Lý đánh giá.
Thực tế thời gian qua, một số cơ sở giáo dục thí điểm tự chủ khá thành công. Nhưng trong thời gian thí điểm, cũng có những cơ sở "chưa thực sự hiểu nhau" giữa các tổ chức, cấp quản lý làm ảnh hưởng không tốt đến hệ thống. Theo TS Trần Đình Lý nếu trong đơn vị có sự dân chủ, phân định vai trò và trách nhiệm từng bộ phận một cách tuyệt đối, đặc biệt, nếu người đứng đầu có tâm có tầm, có uy tín, vì lợi ích chung thì sẽ rất thuận lợi cho sự phát triển.
“Tự chủ cần toàn diện, nếu nửa vời sẽ khó khả thi, khó có sức mạnh hệ thống. Đặc biệt cần tăng cường sự phân cấp quản lý, phân cấp về kinh phí, tiến tới thực hiện cơ chế khoán có sự đánh giá hiệu quả. Muốn tự chủ thành công, hãy bỏ tư duy bảo thủ, lợi ích nhóm để hướng về vấn đề lớn hơn, lớn nhất là sự phát triển của tổ chức, cơ sở giáo dục.
Phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn để có chính sách phù hợp, giảm những gì có thể giảm để tăng những chỉ số tốt đẹp. Bởi ngoài vấn đề về nhận thức, các quy phạm về pháp luật, thì tự chủ thực tế vẫn có những lằn ranh, anh không thể bất chấp mọi thứ để mà làm”- TS Trần Đình Lý nói.