Kết quả xếp hạng theo 51 nhóm ngành đào tạo thuộc 5 lĩnh vực tại 1500 cơ sở giáo dục đại học thuộc 85 khu vực với khoảng 14000 chương trình đào tạo ở các trường đại học.
Điểm đáng chú ý trong xếp hạng năm nay là ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) có thêm ngành Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý - lần đầu được xếp hạng tại bảng QS. Trước đó, có 4 ngành đào tạo khác đã xuất hiện trên bảng xếp hạng gồm: Khoa học máy tính và hệ thống thông tin, Kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo, Toán học, Vật lý và thiên văn học.
Bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới theo lĩnh vực của tổ chức QS (QS World University Rankings by Subjects) được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí, bao gồm: Uy tín trong giới hàn lâm (Academic Reputation); Uy tín với nhà tuyển dụng (Employer Reputation); Tỉ lệ trích dẫn trung bình trên một bài báo (Citations per paper); Chỉ số H-index đo lường năng suất và mức độ tác động của các công bố khoa học của đội ngũ giảng viên.
Các tiêu chí xếp hạng của QS nhấn mạnh vào đóng góp và tác động của chất lượng đào tạo của một ngành/lĩnh vực đào tạo đối với xã hội (thông qua đánh giá của học giả và nhà tuyển dụng) và các đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (thông qua mức độ trích dẫn và chỉ số H-index). Tùy theo từng lĩnh vực, trọng số của các tiêu chí sẽ khác nhau.
Theo Bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới theo lĩnh vực của tổ chức QS, ĐHQGHN có 5 lĩnh vực được xếp hạng. So với năm 2019, năm nay ĐHQGHN có thêm một lĩnh vực được xếp hạng là Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý, xếp hạng thứ 501 – 550 thế giới.
Trong khi đó, ngành Kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo, năm 2019 có thứ hạng 451-500 thế giới, năm 2020 không được ghi danh trong bảng xếp hạng và năm 2021 lấy lại thứ hạng so với năm 2019. Ba ngành đào tạo Khoa học máy tính và hệ thống thông tin, Toán học, Vật lý và thiên văn học vẫn tiếp tục duy trì xếp hạng trong Bảng xếp hạng theo lĩnh vực của QS. Cụ thể:
Lĩnh vực | Thứ hạng theo các năm | ||
2019 | 2020 | 2021 | |
Khoa học máy tính và hệ thống thông tin (Computer Science and Information Systems) | #551 - 600 | #501 - 550 | #601 – 650 |
Kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo (Mechanical, Aeronautical & Manufacturing Engineering) | #451 - 500 | - | #451 - 500 |
Toán học (Mathematics) | - | #401 - 450 | #401 - 450 |
Vật lý và thiên văn học (Physics & Astronomy) | #501 - 550 | #551 - 600 | #501 - 550 |
Kinh doanh và nghiên cứu quản lý (Business & Management Studies) | - | - | #501 - 550 |
Bảng 1: Thống kê thứ hạng xếp hạng các lĩnh vực của ĐHQGHN theo năm
Đối với ngành Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý, ĐHQGHN là cơ sở duy nhất ở Việt Nam có ngành này được xếp hạng. Ngành được xếp hạng thứ 501 – 550 trong tổng số 1161 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng. Tuy lần đầu tiên được đánh giá xếp hạng, nhưng hai tiêu chí về trích dẫn và H-index của ngành được đánh giá khá cao (lần lượt là 61.6 và 65.1).
Đối với ngành Khoa học máy tính và hệ thống thông tin, mặc dù vẫn được xếp hạng nhưng thứ hạng từ nhóm 501 – 550 (năm 2020) đã xuống vị trí nhóm 601 – 650 và thứ 2 ở Việt Nam, sau Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (năm 2021), khi QS mở rộng số lượng cơ sở giáo dục được xếp hạng (từ 600 lên 650 trong tổng số 1570 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng thuộc lĩnh vực này).
Kết quả này là do điểm xếp hạng của chỉ số trích dẫn tăng vượt trội (18.6%) và H-index tăng 1.6% không bù được so với độ giảm điểm của chỉ số uy tín học thuật (-23.6%) và nhà tuyển dụng (-3%).
Đối với ngành Toán học, thứ hạng vẫn được giữ nguyên so với năm 2020, xếp thứ 401-450 thế giới và thứ nhất ở Việt Nam, tiếp đó là Đại học Bách khoa Hà Nội, với điểm của các tiêu chí tăng nhẹ (5.1% ở chỉ số uy tín học thuật, 1.9% ở trích dẫn, 6.3% ở chỉ số H-index) so với độ giảm điểm ở chỉ số uy tín với nhà tuyển dụng (-8.5%).
Đối với ngành Kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo, Ngành đã lấy lại vị trí xếp hạng #451-500 trong 520 cơ sở giáo dục đại học so với năm 2020. Kết quả xếp hạng năm 2021, chỉ số H-index của ngành tăng vượt trội (18.7%), kế tiếp theo là tăng nhẹ ở chỉ số trích dẫn (tăng 1.9%).
Đối với ngành Vật lý và Thiên văn học, năm 2021 ĐHQGHN là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được xếp hạng, tăng lên vị trí 501-550 so với 551-600 trong năm 2020. Điểm của các tiêu chí tăng nhiều nhất ở điểm uy tín học thuật (tăng 3.2%), tăng 1.9% ở chỉ số H-index và giảm không đáng kể ở hai chỉ số còn lại (giảm 0.3% ở chỉ số trích dẫn và giảm 2.9% ở chỉ số uy tín nhà tuyển dụng).
Trước đó, 28/10/2020, ĐHQGHN có 3 ngành đào tạo được Times Higher Education và khẳng định vị trí số một Việt Nam trong các ngành được tạo được xếp hạng, cụ thể:
- Khoa học máy tính (Computer Sciences) lần đầu tiên được THE đánh giá, nhưng đã có thứ hạng trong nhóm 501-600 thế giới, số 1 Việt Nam.
- Khoa học Vật lý (Physical Sciences) được xếp trong nhóm 601 – 800 thế giới, số 1 ở Việt Nam.
- Kỹ thuật & Công nghệ (Engineering & technology) được xếp trong nhóm 401 – 500 thế giới, số 1 ở Việt Nam
Ngoài việc tiếp tục thuộc nhóm 801-1000 Xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education 2021, ĐHQGHN cũng thuộc nhóm 801-1000 trong 3 kỳ xếp hạng liên tiếp (2019 - 2021) trong Bảng Xếp hạng đại học thế giới của QS. Ngoài ra, ĐHQGHN cũng lần đầu tiên lọt vào nhóm 101–150 trong bảng Xếp hạng 50 trường đại học trẻ (Top 50 under 50) của QS kỳ xếp hạng 2021.