Trường đại học tham gia xếp hạng quốc tế: Kinh nghiệm từ “cánh chim đầu đàn”

GD&TĐ - Xếp hạng khu vực hay quốc tế không còn là câu chuyện xa lạ với giáo dục đại học (GDĐH) của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, làm thế nào để ngày càng có nhiều cơ sở GDĐH trong nước được xếp hạng quốc tế.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Theo kết quả xếp hạng các đại học châu Á năm 2021 của tổ chức QS (Bảng xếp hạng QS Asia University Rankings 2021), Việt Nam có 11 cơ sở GDĐH được xếp hạng trong số 634 cơ sở GDĐH được tổ chức này đánh giá tốt nhất trong toàn châu Á. 

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được coi là một trong những “cánh chim đầu đàn” của GDĐH Việt Nam về xếp hạng quốc tế. Không chỉ được xếp hạng châu Á, nhà trường có 5 nhóm ngành được xếp hạng theo các tổ chức Quacquarelli Sydmonds (QS) và Times Higher Education (THE). Trong đó, 2 nhóm ngành thuộc tốp 400, đứng đầu toàn quốc: Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật Cơ khí Hàng không và chế tạo; 2 nhóm ngành thuộc tốp 500: Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Toán học. Nhóm ngành Physical Sciences lần đầu được xếp hạng trong bảng xếp hạng 2021, lọt tốp 1.000 thế giới. 

GS Vũ Văn Yêm – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) bật mí: Để đạt được thành tích trên, trước hết nhà trường có định hướng, chiến lược rõ ràng về xếp hạng đại học, đặc biệt là xếp hạng quốc tế. Đồng thời có hệ thống thu thập, lưu trữ dữ liệu trong toàn trường một cách thống nhất và đồng bộ; phân tích, đánh giá để cải tiến chất lượng và hiệu quả hoạt động theo tiêu chí của bảng xếp hạng. 

Bên cạnh đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có một số thế mạnh như: Đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học mạnh, với hơn 1.100 giảng viên, trong đó 71% có trình độ tiến sĩ; phần lớn đội ngũ được đào tạo từ các nước phát triển. Nhà trường có kết quả nghiên cứu khoa học đáng được ghi nhận. Hằng năm có từ 600 – 900 công bố khoa học quốc tế trong hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus.

Cho rằng, các cơ sở GDĐH của Việt Nam có một số điểm yếu cần khắc phục, GS Vũ Văn Yêm trao đổi: Mặc dù những năm gần đây có nhiều công bố nghiên cứu khoa học quốc tế từ các cơ sở GDĐH, nhưng vẫn tập trung ở một số trường lớn. Cùng với đó, hợp tác, liên kết quốc tế còn chưa mạnh, thể hiện qua số lượng sinh viên quốc tế đến học tập và trao đổi còn ít; số giảng viên nước ngoài đến giảng dạy và trao đổi, nghiên cứu chưa nhiều.

Do đó, để các cơ sở GDĐH Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng của THE Ranking, GS Vũ Văn Yêm cho rằng: Các trường phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng về chất lượng công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (không nên chạy theo số lượng); đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh chuyển giao tri thức, phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, các trường phải tăng cường hợp tác quốc tế. 

Xếp hạng đại học giúp các trường trong nước có cơ sở để đối sánh với nhau và đối sánh các trường đại học trong vực cũng như trên thế giới. Đây cũng là kênh thông tin để quảng bá hình ảnh, thương hiệu của trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, thông qua xếp hạng, giúp các trường nhìn nhận, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động, từ đó có định hướng hội nhập quốc tế. - GS Vũ Văn Yêm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ